Ngay từ khi có thông báo mở cửa tư gia của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) để người dân vào viếng, lượng người ở khắp nơi đổ về mỗi lúc một đông. Nếu trong những giờ đầu tiên, con số chỉ là vài trăm thì đến ngày thứ hai đã tăng lên đến vài chục nghìn người và ngày thứ ba thì đã lên tới hơn 100 nghìn người, lúc nào hàng người cũng kéo dài khoảng 1 km, tới quảng trường lăng Bác.
8h30, gia đình mới mở cửa đón khách nhưng từ sáng tinh mơ, những hàng dài người đã đứng chật vỉa hè ngay gần cổng nhà Đại tướng. Thậm chí trong số này có không ít người ở tỉnh xa, xếp hàng từ đêm hôm trước. Họ có thể là những cụ già râu tóc bạc phơ, chân đi không vững, những em nhỏ cổ quàng khăn đỏ, các bạn học sinh sinh viên, những cựu chiến binh và cả những vị khách nước ngoài… Nhiều người trong số họ từng có cơ hội gặp Đại tướng, nên mang theo rất nhiều kỷ vật và tình cảm chất chứa.
Người dân tự nguyện xếp hàng đôi, đứng ngăy ngắn và chờ đến lượt, không có hiện tượng chen lấn xô đẩy gây náo loạn, một hình ảnh khá hiếm ở những nơi công cộng ở Hà Nội lâu nay. Dù để chờ tới lúc được vào, mỗi người thường phải chờ trung bình 5-6 tiếng đồng hồ, mỗi lúc chỉ nhích vài bước chân nhưng không ai tỏ ra chán nản hay mệt mỏi. Nhiều đơn vị như các trường học, công ty, doanh nghiệp đã cử đoàn đại biểu mang vòng hoa đến và đứng xếp hàng ngay ngắn.

Đoàn người xếp hàng kéo dài cả cây số từ quảng trường Ba Đình, qua phố Điện Biên Phủ, tới nhà Đại tướng ở số 30 đường Hoàng Diệu.
Trong đoàn người có cả những thương binh phải ngồi xe lăn, hỏng mắt hay mất một chân, người cao tuổi phải chống nạng, nhưng tất cả vẫn đi theo hàng lối, hầu như không có ngoại lệ. Thậm chí, kể cả những người nổi tiếng như Á hậu Trương Thị May, ca sĩ Long Nhật, nhà sử học Dương Trung Quốc hay giáo sư Văn Như Cương (hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội) cũng lặng lẽ đi cùng đoàn người.
Trong chiều 7/10, thầy Văn Như Cương cho biết: “Nhiều học sinh trường tôi có nguyện vọng được tới kính viếng, thắp hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp vừa qua đời. Vì vậy, chiều nay tôi đưa các em tới đây”. Khi được hỏi về việc đã cao tuổi nhưng vẫn nghiêm chỉnh xếp hàng dưới trời nắng gắt để chờ tới lượt, thầy cho biết: “Hàng chục nghìn con người ở đây đều có lòng thành kính tới viếng Đại tướng. Tôi cũng không phải là ngoại lệ. Việc tôi xếp hàng là việc cần làm, nên làm và phải làm".
Mấy ngày hôm nay, thời tiết Hà Nội khá mát mẻ vào buổi sáng nhưng gần trưa thì nắng gay gắt. Bất chấp nắng nôi, hàng người vẫn tiếp tục dài thêm. Người che đầu bằng quạt giấy, người lại mang theo báo để vừa tranh thủ đọc lúc chờ đợi vừa đội lên đầu chống nắng. Theo kế hoạch, gia đình Đại tướng nghỉ trưa không đón khách, thế nhưng hàng nghìn người vẫn không chịu rời hàng, túc trực bên ngoài để mong được vào viếng. Họ mang cả đồ ăn đi theo để ăn trưa và chờ tới giờ mở cửa buổi chiều. Vì vậy, trong buổi trưa ngày 8/10, gia đình đã phải đón khách cả ngày.
Rất nhiều người từ tỉnh xa tới, khi đến cổng nhà Đại tướng thì đã hết giờ vào viếng cũng đành trở về, người thì ngủ nhà trọ nhưng cũng có người lang thang vạ vật quanh ngôi nhà, chờ đến ngày hôm sau chứ không nì nèo, làm khó lực lượng cảnh vệ. Vào bên trong nhà, đoàn người vẫn đi theo hàng dẫn tới căn phòng tưởng niệm, có ban thờ Đại tướng ở bên trái căn biệt tự. Người này ra, người kia mới vào rất trật tự, không gây ồn ào. Ngay từ cổng, đoàn thanh niên tình nguyện tiếp đón để nhận hoa và cho người dân ghi vài dòng tưởng niệm cho Đại tướng. Hoa người dân mang tới được xếp ngay ngắn, trang nghiêm trong khu vườn nhà.

Ngay cả khi đã hết giờ vào viếng, đoàn người vẫn cố nán lại bên khung sắt, mắt hướng vào phía bên trong căn biệt thư nơi có di ảnh Đại tướng.
Cựu chiến binh Mai Bá Quát là người trực tiếp chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng đánh trận Điện Biên Phủ khi nghe tin đại tướng qua đời, đã nghĩ bằng bất cứ giá nào cũng phải đến thắp nén hương tri ân. 11h, dù biết giờ viếng sắp hết nhưng ông và đồng đội vẫn quyết chờ đến buổi chiều vào viếng. "Ngày đi chiến đấu còn nhịn cả tuần, trưa nay không vào kịp thì phải giữ hàng để đợi tới chiều vào viếng. Chúng tôi không về đâu", ông nói.
Hai bà cháu người Thái (quê ở Điện Biên) đến trước anh cảnh vệ hỏi vài câu rồi lại lẳng lặng trở ra, ngồi bần thần trên vỉa hè đối diện cổng nhà Đại tướng. Khi được hỏi chuyện, bà cụ chỉ nhìn cười cười và không nói gì, đứa cháu gái bên cạnh lúc ấy mới lên tiếng: “Bà cháu cả đời không ra khỏi bản, không biết tiếng Kinh đâu chỉ biết tiếng Thái thôi. Hôm trước, sau khi nghe cháu thông báo Đại tướng đã từ trần bà cương quyết muốn được xuống Hà Nội, vào nhà Đại tướng. Nhà cháu không có anh em họ hàng ở dưới này, cháu cũng không biết thuê nhà trọ ra sao nên cả đêm qua, hai bà cháu quanh quẩn khu vực này, chờ tới sáng nay xếp hàng”.
Anh Quang (ở Tuyên Quang) biết đến Tướng Giáp qua câu chuyện kể của các cụ già trong làng cùng việc đọc sách báo. Nghe tin ông mất, Quang từ quê xuống Hà Nội để vào viếng. Từ lúc xuống xe, Quang chưa ăn gì, lúc đi cũng chỉ kịp dắt túi vài trăm nghìn đồng và bỏ balo mấy bộ quần áo. Xuống thủ đô không người thân thích, tối nay chưa biết ngủ đâu, nhưng "chưa được vào cúi lạy bác thì em nhất quyết chưa về Tuyên Quang", chàng trai nói rồi tiếp tục chắp tay đứng lặng trước ngôi nhà.
Bác Huynh (64 tuổi, quê ở Thái Bình) sau khi nghe tin Đại tướng từ trần cũng lập tức gói vội hai bộ quần áo, bắt xe ôm ra thẳng bến xe lên Hà Nội từ chiều 5/10. Ở bến xe, ông bị đám xe ôm nhào đến mời gọi, lôi kéo. May mắn, bác Huynh tìm được một người xe ôm cũng trạc tuổi mình, bác yêu cầu được đến nhà Đại tướng để thắp nén hương tưởng niệm. Cũng may, người xe ôm tốt bụng cho biết nhà Tướng Giáp chưa tiếp khách nên ông giới thiệu bác đến nhà trọ của một người quen.
Khu trông xe miễn phí không làm việc ban đêm, hàng dãy dài xe của người dân được xếp ngay ngắn trên vỉa hè. Nhiều người dân không nghỉ làm để tới vào ban ngày thì đành tranh thủ ban đêm qua đây. Một số không biết giờ quy định vào viếng nên ngậm ngùi nhờ các chiến sĩ chuyển hoa vào trong. Từ cổng vào, những bó hoa của nhân dân khắp mọi miền đất nước được xếp hàng dài, ngay ngắn dọc lối đi.
Về phía gia đình Đại tướng, ngay hôm sau ngày ông qua đời, trước sự thành kính và tiếc thương của hàng trăm người tụ tập trước cửa nhà, gia đình đã quyết định mở cửa đón người dân vào nhà dù gia đình chưa phát tang. Ngay đêm hôm đó, con trai và con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Võ Điện Biên và bà Võ Hòa Bình, ra tận cổng nói lời cảm ơn tình cảm của người dân dành cho cha mình và thông báo việc mở cửa đón khách, một việc trước nay hầu như chưa có tiền lệ.

Người đến viếng được phát quạt, mũ, đồ ăn trưa và nước uống miễn phí.
Gia đình cũng rất quan tâm đến những người đặc biệt tới viếng. Đối với những người cao tuổi hoặc những thương binh già, gia đình đều cố gắng ưu tiên, cử đại diện ra mời vào. Một số trường tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội cho xe đưa học sinh qua đây khi vừa tan trường. Dù đã hết giờ theo thông báo nhưng lực lượng bảo vệ cũng ưu tiên nhanh chóng tổ chức cho các em vào viếng từ cổng phụ.
Bãi xe phía bên Hoàng thành rộng rãi cũng được mở cửa miễn phí cho người dân tới đây để đảm bảo an ninh, trật tự và sự an tâm tuyệt đối cho những người phải dành cả ngày để chờ đợi. Thậm chí, gia đình Đại tướng còn chu đáo thuê một dãy dài toilet ở cuối đường Điện Biên Phủ. Trong ngày 8/10, người dân đến viếng Đại tướng còn được phát nước uống, bánh mỳ, quạt và mũ miễn phí.
Ảnh: Quý Đoàn