![]() |
Tuy có những giới hạn nhất định về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng động thái của họ khi có mặt tham gia đấu giá cổ phiếu các công ty cũng có tác động nhất định. |
Vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài là nguồn vốn mới ở thị trường nước ta. Mới nhưng rất nhộn nhịp. Để thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển trước năm 2010 và cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 ta rất cần lượng vốn đầu tư khổng lồ này. Nhưng lượng vốn này cũng tạo ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn.
Tuy có những giới hạn nhất định về tỷ lệ sở hữu cổ phiếu đối với nhà đầu tư nước ngoài, nhưng động thái của họ khi có mặt tham gia đấu giá cổ phiếu các công ty cũng có tác động nhất định.
Trước hết về lượng vốn. Lâu nay, ta thường biết đến con số trên 4 tỷ USD đầu tư gián tiếp nước ngoài vào Việt Nam (từ Ngân hàng Thế giới mà các phương tiện thông tin đại chúng đưa lên). Nhưng có lẽ đó là tính theo tổng giá trị vốn hoá thị trường.
Còn lượng vốn gốc, theo thông tin của Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước công bố tại hội thảo "Thị trường tài chính và những tác động của nó đến thị trường tài chính Việt Nam" do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9/5 tại Hà Nội, thì lượng vốn đầu tư gián tiếp mà các nhà đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đến nay lên đến gần 2 tỷ USD và có thể tăng thêm 1,5 tỷ USD nữa trong vòng 6 tháng tới.
Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ cấu vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam như sau: đầu tư vào cổ phiếu của các công ty niêm yết 68%, đầu tư vào trái phiếu niêm yết 25%, đầu tư vào trái phiếu không niêm yết 6%, đầu tư vào cổ phiếu không niêm yết 1%.
Mặc dù lượng vốn gốc thấp hơn lượng vốn hoá thị trường như lâu nay đã thông tin, nhưng cũng đã khá lớn và tác động không nhỏ đến chỉ số giá chứng khoán Việt Nam.
Tác động đến chỉ số giá chứng khoán được xét theo hai nghĩa. Nghĩa thứ nhất là đã có tác động "kích" giá chứng khoán lên cao hoặc "đẩy" giá chứng khoán xuống thấp. Tác động "kích" và "đẩy" cũng được xét trên hai mặt. Một mặt, lượng vốn khá lớn như trên đã trực tiếp tác động đến mặt bằng giá chứng khoán mỗi khi mua nhiều hơn bán, hay bán nhiều hơn mua. Mặt khác, mỗi một động thái mua vào, bán ra của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đều có tác động gián tiếp "lôi kéo" các nhà đầu tư trong nước hùa theo; đây chính là tác động "theo cấp số nhân" của lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.
Nghĩa thứ hai, đầu tư gián tiếp nước ngoài thời gian qua đã góp phần "kiềm chế" sự "đao" xuống của chỉ số giá chứng khoán của Việt Nam, tạo ra hình dạng "răng cưa" của sự biến động giá chứng khoán.
"Khi các nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều hơn mua, thì các nhà đầu tư trong nước ào ào bán ra, và ngược lại. Do đó, chính các nhà đầu tư nước ngoài trở thành người dẫn dắt thị trường"
Hãy nhớ lại diễn biến của chỉ giá chứng khoán ở Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM (VN-Index) trong thời gian qua có thể thấy được tác động "kích", "đẩy", "kiềm chế" như đã nói trên. VN-Index đã tăng "phi mã" từ 100 điểm lên 572 điểm sau 6 tháng khai trương, nhưng sau đó gần như "rơi tự do" xuống mức "đáy" 130 điểm, "bò trườn ì ạch" mãi trong mấy năm, đến phiên đầu tiên của năm 2006 mới lên được mức 304 điểm. Với sự tham gia của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài, VN-Index một lần nữa lại tăng "phi mã" lên đỉnh điểm mới là 632 điểm sau 4 tháng và sau đó cũng lại "rơi" xuống mốc dưới 400 điểm vào giữa năm 2006. Đến cuối năm 2006, VN-Index đạt kỷ lục mới 754 điểm và chỉ vài tháng đầu năm 2007 đạt đỉnh cao nhất, lên đến gần 1.200 điểm; rồi vài tháng sau lại giật lùi về sát mốc 900 điểm. Các nhà đầu tư nước ngoài lại liên tục mua vào cao gấp nhiều lần so với bán ra, nên từ đầu tháng 5 đến nay, đã tăng trở lại vượt qua mốc 1.020 điểm.
Cần lưu ý là các nhà đầu tư trong nước luôn bám sát các nhà đầu tư nước ngoài, vì cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài là... chuyên nghiệp. Khi các nhà đầu tư nước ngoài bán nhiều hơn mua, thì các nhà đầu tư trong nước ào ào bán ra, và ngược lại. Do đó, chính các nhà đầu tư nước ngoài trở thành người dẫn dắt thị trường.
Nói không quá, họ có thể là tác nhân thao túng thị trường. Chính tác động lớn như trên của các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đã làm cho nhiều chuyên gia lo lắng. Việc lo lắng này không phải không có cơ sở, nếu nhớ lại tác động của một quỹ đầu cơ ở thị trường quốc tế trong thời gian qua. Cách đây vài chục năm, chỉ với lượng vốn 2 tỷ USD của quỹ đầu cơ này đã góp phần làm cho một đồng tiền mạnh như đồng bảng Anh phải "rút" khỏi thị trường châu Âu.
Cũng mới cách đây mười năm, cũng chỉ với lượng vốn 2 tỷ USD, quỹ đầu cơ trên đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ, bắt đầu từ Thái Lan, sau đó lan rộng nhanh chóng ra nhiều nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Hàn Quốc… Nhiều người chỉ sau một đêm đã thấy tài sản của mình giảm chỉ còn một nửa, và họ chỉ chịu thất bại khi định "tấn công" vào đồng tiền của Trung Quốc, Hồng Kông với dự trữ ngoại tệ hùng hậu.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, lượng vốn đầu tư gián tiếp đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam là gần 2 tỷ USD nhưng nếu các nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt bán tháo cổ phiếu để rút vốn thì lượng vốn rút ra sẽ lớn hơn nhiều so với lượng vốn đổ vào thị trường (ông ước tính có thể lên đến 3,5-4,2 tỷ USD). Thứ hai là lượng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài dễ dịch chuyển sang thị trường bất động sản, tạo ra hiện tượng "bong bóng" và nếu "bong bóng" này vỡ, nền kinh tế sẽ suy thoái kéo dài, rất khó khắc phục.
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh (Viện Khoa học tài chính-Bộ Tài chính) cũng cảnh báo: một bộ phận các nhà đầu tư nước ngoài chỉ tập trung đầu tư ngắn hạn, chỉ đầu cơ mua bán liên tục và có vai trò nhất định định hướng thị trường.
Bà Phan Thanh Hà (Vụ Tài chính tiền tệ-Bộ Kế hoạch và đầu tư) đã nói về những thủ đoạn của các nhà đầu cơ quốc tế và cảnh báo cho đến nay chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả vấn đề này.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)