Nhạc sĩ lâm bệnh nặng từ giữa năm ngoái. Trong thời gian ở viện, ông phải dùng máy thở, nằm trong phòng vô trùng, ăn qua ống xông. Sức khỏe yếu nhưng nhạc sĩ vẫn nhận ra người thân. Hồi tháng 7, ông tỏ ra vui vẻ khi được con, cháu tổ chức sinh nhật tại bệnh viện.
Trước khi nhập viện, dù tuổi cao sức yếu, Phú Quang vẫn miệt mài làm việc, năm nào cũng tổ chức đêm nhạc riêng. Nhạc sĩ đôi khi đãng trí, hay quên nhiều việc nhỏ nhặt nhưng chẳng bao giờ quên những câu chuyện âm nhạc.
Vài năm nay, sức khỏe Phú Quang suy yếu, thường xuyên nhập viện vì bệnh tim, tiểu đường... Ông được vợ thứ ba - chị Trịnh Anh Thư - cùng các con gái lớn Trinh Hương, con rể Bùi Công Duy, con gái thứ Giáng Hương và con trai út Phú Vương ở bên.
Phú Quang là nhạc sĩ của những bản tình ca lãng mạn, trong đó nổi bật nhất là chùm ca khúc viết về Hà Nội và mùa thu như Em ơi Hà Nội phố, Đâu phải bởi mùa thu, Mùa thu và em... Lúc sinh thời, ông nói mình chỉ sáng tác khi trái tim thực sự rung động. Ông đòi hỏi cao với các nghệ sĩ thể hiện tác phẩm của mình, không chấp nhận hát sai lời hoặc tự ý đổi lời. Những giọng ca gắn bó với ông bao gồm Ngọc Anh 3A, Thanh Lam, Đức Tuấn, Tấn Minh, Minh Chuyên... Đây cũng là những gương mặt thường xuyên xuất hiện trong những đêm nhạc do ông tổ chức vào hai mùa xuân và mùa thu hàng năm.
Ngọc Anh 3A là một trong những người chịu ảnh hưởng lớn nhất từ Phú Quang, từng nhiều lần cho biết nếu không có ông thì không có cô ngày hôm nay. Ông chính là người phát hiện ra giọng hát, cổ vũ cô hát solo sau khi rời nhóm 3A và thể hiện nhiều ca khúc do mình sáng tác. Ngoài Ngọc Anh 3A, ông còn nâng đỡ Tấn Minh, Minh Chuyên... Các nghệ sĩ đều biết ơn sự chỉ dạy khó tính, kỹ càng của nhạc sĩ mỗi lần vỡ bài hay biểu diễn cho show của ông.
Chưa hết bàng hoàng vì sự ra đi của nhạc sĩ, Tấn Minh nói anh tự hào vì là một phần trong âm nhạc của Phú Quang. Anh gặp ông năm 20 tuổi, khi còn là một chàng sinh viên non nớt của nhạc viện và từ đó may mắn được ông dìu dắt. "Có lẽ con mắt sành sỏi của người làm nghề tài năng và nhiều kinh nghiệm đã giúp ông nhận ra tiềm năng của tôi. Nhạc sĩ cho tôi nhiều thứ còn giá trị hơn tiền bạc và không gì có thể đong đếm được, đó là tư duy làm nghề và những bài học kinh nghiệm. Nhờ có những góp ý thẳng thắn của ông, tôi khắc phục được nhiều khuyết điểm của tuổi trẻ, trưởng thành nhanh hơn, có thể đi tắt đón đầu trên con đường âm nhạc. Tôi nghĩ không chỉ có mình, nhiều tên tuổi khác trong làng nhạc cũng tự hào khi được ảnh hưởng từ ông", nam ca sĩ nói.
Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phú Quang rất thân thiết với Tấn Minh, gần như bài hát nào cũng đưa anh hát trước. Hai người chia sẻ với nhau nhiều điều, không chỉ về âm nhạc mà còn cuộc sống đời thường. Nhạc sĩ từng lên kế hoạch cùng Tấn Minh thực hiện một album nhạc Phú Quang với Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam nhưng chưa kịp thực hiện.
Nhạc sĩ Phú Quang quê gốc Hà Nội, sinh năm 1949 ở huyện Cẩm Khê, Phú Thọ. Ông sở hữu kho tàng hơn 600 bài hát, đa số sáng tác viết về Hà Nội. Âm nhạc của Phú Quang đậm chất thơ và sự lãng mạn. Nhiều bài thơ được ông phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng như Em ơi, Hà Nội phố (thơ Phan Vũ), Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Im lặng đêm Hà Nội (thơ Phan Thị Ngọc Liên), Một dại khờ, một tôi (thơ Nguyễn Trọng Tạo)... Ngoài ra, ông có series Chuyện bình thường lấy cảm hứng từ một người yêu cũ.
Hồi tháng 6, Phú Quang là một trong 37 tác giả được Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đưa vào danh sách xét tặng giải thưởng Nhà nước (giải thưởng Hồ Chí Minh) với chùm ca khúc về Hà Nội bao gồm: Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ, Điều giản dị, khí nhạc: Solo Fute et orchestre (Tình yêu của biển).