Cứ mỗi chiều tối, đây đó trong dòng người đông đúc trên các đường phố Sài Gòn, một người chạy xe gắn máy vai đeo cây đàn organ to tướng... Họ là các nhạc công hằng đêm chơi nhạc trong các quán nhậu chếnh choáng hơi men.
![]() |
Trình diễn. |
Lâm, một tay chơi organ 30 tuổi với gần 10 năm trong nghề, chơi rất giỏi các điệu dân ca Nam bộ, từng lăn lộn qua nhiều nhà văn hóa ở Đồng Tháp để rồi lên Sài Gòn sắm một cây organ Yamaha PSR 640 chơi ở các quán “hát với nhau”. Anh Kim, 40 tuổi, từng là tay guitar của các đoàn ca nhạc tạp kỹ, cải lương... bây giờ cũng yên phận đánh solo bên cạnh Lâm ở một quán nhậu gần ngã tư Bốn Xã. Trong ban nhạc của Lâm còn có anh Bảy Huệ, một tay đàn cổ vốn trước đây chỉ chơi đờn ca tài tử ở huyện Định Quán, Đồng Nai.
![]() |
Trên đường tới quán. |
Một ít người trong số họ từng có một thời oanh liệt như anh Minh trước nay chơi guitar cho ban nhạc Đại Dương khá nổi tiếng ở thập niên 1990. Riêng nhạc công cho đàn cổ thì ngày càng hiếm nên hiện nay có khá nhiều các tay chơi đàn cổ thường chơi ở các hội đờn ca tài tử ở các tỉnh miền Tây xách đàn lên Sài Gòn gia nhập đội ngũ nhạc công chơi cho các quán nhậu.
Nhạc công sống nhờ "bông"! Bông đây là những cành hoa hồng bằng nhựa được nhét vào... tờ giấy bạc. Ban đầu khi mới xuất hiện phong trào hát với nhau, chủ các quán nhậu phải bỏ tiền thuê nhạc công đến để câu khách. Dần dà, khi thấy xuất hiện chuyện thực khách tặng hoa cho người hát, “boa” tiền cho người chơi đàn... các chủ quán nhận ra rằng có thể dùng nguồn tiền “boa” này để trả công cho ban nhạc và thế là hình thức tặng hoa kèm theo tiền ra đời và được giới nhạc công gọi là “lên bông”.
Có ba hình thức sử dụng những đồng tiền “lên bông” này. Thứ nhất là chủ quán... lấy hết và nhạc công chỉ được trả tiền cát-xê cố định như ở quán bar Tây trên đường Nguyễn Thị Diệu. Ở bar Arnold trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa thì ngoài cát-xê , ban nhạc bốn người ở đây còn nhận được 50% tiền bông. Thứ hai, một bầu sô nhận làm chương trình ca nhạc và có nhiệm vụ phải trả cát-xê cho nhạc công (một organ, một guitar, một đàn cổ... tùy theo yêu cầu của mỗi quán), cho MC, trả tiền thuê dàn âm thanh và đôi khi còn phải trả... tiền điện cho chủ quán nữa... (tất tần tật đều phải nhờ vào những đồng tiền kẹp vào cành hoa khách tặng).
Thứ ba, dạng này khá hiếm, nhạc công tự đứng ra nhận làm chương trình và vừa đàn vừa... hồi hộp nhìn “tốc độ và chất lượng” những cánh hoa lên tặng. Theo Lâm đến quán Tư Hồng trên đường Lạc Long Quân để xem tay organ này tự nhận chương trình ra sao. Khi kết thúc “hát với nhau” lúc 22h, Lâm đổ thùng tiền thu được từ bông và cẩn thận xếp từng loại tiền 10.000 đồng, 2.000 đồng và không ít tờ... 500 đồng. Tổng cộng thu được 230.000 đồng, trả tiền MC 30.000 đồng, tiền thuê dàn âm thanh 40.000 đồng, tiền cho tay chơi guitar 60.000 đồng, còn lại đúng 100.000 đồng. Lâm nói: “Bữa nay hơi tệ nhưng cũng bằng tiền cát-xê mà bầu sô trả khi đi làm quán khác”.
![]() |
Đếm tiền bông sau đêm diễn. |
Ở các quán khu vực Tân Bình, Bình Tân, Gò Vấp, Bình Chánh... cát-xê cao nhất cho nhạc công chơi organ là 100.000 đồng, guitar là 60.000 đồng, đàn cổ 60.000 đồng mỗi đêm. Những quán nhậu, làng nướng, bar hát với nhau ở quận 1, quận 3... cát-xê cho nhạc công cao hơn nhưng cao nhất cho organ cũng chỉ 150.000 đồng.
Nói chung, dù nhận tiền theo hình thức nào thì hằng đêm các nhạc công quán nhậu cũng mong cho có nhiều bông. Những hôm bông lên ào ạt thì nhạc công được vui lây theo nét mặt rạng rỡ của chủ quán hay bầu sô, cuối buổi đôi khi còn được bao chầu nhậu; còn những đêm vắng khách bông lên lèo tèo thì nhạc công cười không nổi khi phải nhìn khuôn mặt như bánh bao chiều của bầu sô.
Anh Minh, tay guitar ngoài 50 tuổi với hơn 30 năm trong nghề, kể: có một tay chủ cửa hàng vật liệu xây dựng say quá hát hoài mà không ăn đàn, nên cáu tiết sừng sộ với anh: “Mấy ông đánh đàn dở ẹc, hát không được”. Hôm sau tay này lại đến, cũng hát bài đó nhưng lúc ấy đang tỉnh táo nên hát được rồi rút túi liệng tờ 50.000 đồng lên cây organ: “Thấy chưa, bữa nay đờn ngon đó”.
Nhạc công Bảy Huệ kể, có một bà lão đòi anh đàn bài 60 năm cuộc đời nhưng bắt nhịp hoài không vô nên bị chửi: “Tụi mày... chơi tao hả? Nãy giờ bàn tao lên bông gần cả trăm nghìn đồng mà tụi mày không biết nể?...”. Chưa hết, lúc ra về bà già gân này còn ráng đi ngang qua ban nhạc... chửi tiếp một hồi nữa mới chịu về.
Chuyện khách hàng hát rồi cự lại nhạc công là chuyện thường ngày. Làm nhạc công sướng nhất là ở mấy quán bar các quận trung tâm. Ở đó toàn người biết hát, mà đánh đàn cho người biết hát thì dễ, đánh cho người vừa không biết hát vừa... có hơi men nữa mới cực.
Giới nhạc công quán nhậu ai cũng thuộc lòng câu “một sự nhịn là chín sự lành”, khách hàng nói hay chửi gì cũng nên im lặng. Cũng vì không thuộc câu châm ngôn trên mà Long, một tay organ trẻ chơi ở quán Vườn Xoài trên đường Tên Lửa, Bình Chánh, dám cự lại một ông khách và kết quả là vừa bị một bạt tai từ vị khách đang xỉn đó vừa bị chủ quán đuổi việc.
Tuy nhiên, niềm vui mà khách đem lại cho nhạc công cũng không ít. Anh Kim, một tay trống đang chơi trong ban nhạc ở quán bar Arnold trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, đã không cầm được nước mắt khi một ông khách tốt bụng gọi xuống bàn và tặng 100 USD không phải nhờ đánh trống hay mà vì ông khách này tình cờ biết được rằng thời buổi này mà một nhạc công chơi ở quán bar khá sang trọng này còn phải đi làm bằng chiếc xe gắn máy PC cổ lỗ sĩ.