Cô dâu Nguyễn Thị Thắm (nhà văn có bút danh Mèo Xù, sinh năm 1987) nổi tiếng trên mạng xã hội với câu chuyện vượt lên quá khứ nghèo khó, tự ti và bị miệt thị ngoại hình. Ngày 27/10, Thắm Nguyễn tổ chức lễ cưới tại London với chàng trai người Anh - Joe Marshall - sau ba năm yêu.
Đám cưới được cô dâu chú rể lên kế hoạch trước 8 tháng. Sau đó, họ thông báo cho gia đình hai bên để tổ chức tại London và dự định về Việt Nam cưới vào dịp Tết nguyên đán.
Thắm Nguyễn cho biết người Anh coi trọng lễ cưới và nếu đã làm thì không thể qua loa mà phải chỉn chu, tỉ mỉ dù lễ cưới của cô chỉ có 40 khách mời.
"Nhà mình gửi thiệp mời trước khoảng 3-4 tháng, sau đó khách mời gửi thư xác nhận có thể tham gia hay không. Sở dĩ thiệp cưới được gửi sớm như vậy bởi đây là sự kiện lớn, cần thời gian chuẩn bị, không chỉ với cô dâu, chú rể mà còn cả những người tham dự", cô nói.
Chi phí thuê địa điểm tổ chức tiệc cưới ở Anh thường rất đắt đỏ, vì thế thay vì thuê "wedding planner" (lập kế hoạch cho đám cưới), cả gia đình cùng góp sức: lên ý tưởng cho tiệc cưới, chọn màu chủ đạo, chọn hoa cưới... Dì của Joe đã dành 6 tháng chuẩn bị, tự tay làm tất cả đồ trang trí trong đám cưới. Thắm Nguyễn cảm nhận được sự gắn kết, ủng hộ của gia đình chồng thông qua những công việc nhỏ như vậy.
Theo Thắm Nguyễn, truyền thống cưới hỏi ở Anh là một ngày trước khi diễn ra lễ cưới, cô dâu, chú rể tuyệt đối không được gặp nhau, không nói chuyện, tất cả phải thông qua phù dâu và phù rể. Nếu hai người vô tình gặp nhau thì đám cưới sẽ phải hủy bởi đó là một điều không may mắn. Chiếc váy cưới cũng được giữ kín cho đến khi cô dâu bước vào lễ đường, chú rể mới được lần đầu thấy.
Cô dâu Việt ở London cho biết một trong những điều tâm đắc nhất là chiếc váy cưới được bạn thân - NTK Lek Chi - tặng, lấy cảm hứng từ Hoàng gia Anh. Váy ôm suông mềm mại tôn dáng nhưng vẫn sang trọng, kín đáo đậm chất hoàng tộc. "Tất cả khách mời đều trầm trồ khiến mình tự hào bởi đây là chiếc váy cưới được mang từ Việt Nam sang", cô kể.
Ngoài ra, theo phong tục truyền thống của Anh, cô dâu cần mang theo bên người: "Thứ gì đó cũ, thứ gì đó mới, thứ đi mượn của bạn bè, thứ gì đó màu xanh, một đồng 6 xu trong giày". Người Anh tin rằng những món đồ này mang lại may mắn cho cô dâu và cuộc sống vợ chồng sau này.
Đám cưới ở Anh gồm ba phần: Lễ cưới (Wedding Ceremony), Tiệc cưới (Wedding Breakfast & Speeches) và phần Dạ tiệc (Party). Phần quan trọng nhất là Wedding Ceremony, cô dâu bước vào lễ đường, chú rể đứng chờ sẵn cùng hai người đại diện của pháp luật chứng kiến và làm lễ ký kết vào giấy đăng ký kết hôn.
Theo truyền thống Việt Nam, trước khi về nhà chồng, cô dâu, chú rể làm lễ cúng gia tiên nhưng do lấy chồng xa, không thể thực hiện được nghi lễ này, Thắm và Joe thống nhất dành vị trí trang trọng để tưởng nhớ ông bà Tổ tiên hai bên.
"Chúng mình muốn dành sự tri ân và tưởng nhớ về nguồn cội, cũng là nhắc nhở bản thân hai vợ chồng luôn phải sống tốt, yêu thương, trân trọng lẫn nhau. Đây là ý tưởng của vợ chồng mình và cả gia đình anh. Giá trị truyền thống, sự gắn kết trong gia đình luôn là điều được trân trọng và gìn giữ nhất dù ở bất cứ nơi đâu", cô nói.
Ở phần Wedding Breakfast & Speeches, dù có tên là "bữa sáng", nó có thể diễn ra vào buổi trưa hoặc chiều bởi đây là bữa ăn đầu tiên sau lễ cưới. Tất cả khách mời sẽ cùng ngồi dự tiệc thân mật và chia sẻ kỷ niệm, những câu chuyện về cô dâu, chú rể.
Phần cuối là dạ tiệc: Thắm và Joe cắt bánh cưới, sau đó là điệu nhảy đầu tiên của cô dâu và chú rể.
Điểm nhấn trong đám cưới của cô dâu Việt tại Anh là món quà được Thắm Nguyễn chuẩn bị từ quê nhà - búp bê cô dâu, chú rể trong trang phục áo dài Việt Nam. Cô muốn giới thiệu đến gia đình, bạn bè chồng về văn hóa truyền thống và mọi người cũng rất thích món quà đặc biệt này.