Xuất thân là vũ công, Nhã Uyên đóng kịch và phim truyền hình sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM. Đêm tối rực rỡ, do chồng cô - đạo diễn người Mỹ Aaron Toronto thực hiện, là phim điện ảnh đầu tiên cô đóng chính, kiêm nhiệm đồng biên kịch, đồng sản xuất. Phim ra rạp sau 3 năm bấm máy, Nhã Uyên nhìn lại hành trình bước vào vai diễn và những đồng điệu giữa nhân vật trầm cảm với đời mình.
- Vì có bầu nên chị sửa kịch bản hay nhân vật từ đầu đã là thai phụ?
- Đúng là tôi sửa nhân vật theo mình. Lúc hai vợ chồng bắt đầu viết kịch bản, tôi chưa bầu nhưng khi quay, tôi bầu 8 tháng. Phim quay xong hai tuần, tôi lên bàn đẻ. Con gái thứ hai của chúng tôi bằng tuổi bộ phim này (cười).
Lúc làm Đêm tối rực rỡ, tôi định dừng sự nghiệp diễn xuất, chỉ muốn làm nhà sản xuất hỗ trợ phim đầu tay của chồng. Nhưng casting nhiều diễn viên nữ cũng không chọn được ai, Aaron nói tôi là người hợp nhất. Nếu chưa trải qua vấn đề sức khỏe tinh thần, các diễn viên khó phân biệt bệnh tâm lý và bệnh tâm thần, đóng vai trầm cảm có thể gây hiểu lầm nhân vật bị điên. Còn tôi có kinh nghiệm trong chuyện này.
- Vai diễn nhiều cảnh giằng co, nặng tâm lý ảnh hưởng ra sao đến sức khỏe và tinh thần của chị?
- Xem phim, nhiều người nhận xét tôi đóng không thật vì đâu có bà bầu 8 tháng nào đi lại, đứng lên ngồi xuống dễ dàng vậy. Nhưng tôi mang bầu thật, tôi đâu cần diễn. Ông trời cho tôi sức khỏe tốt. Tôi chơi thể thao nhiều từ nhỏ và lớn lên làm vũ công. Mỗi ngày tôi tập nhảy 4 tiếng là bình thường. Đẻ mổ một ngày, tôi đã đi lại được và sau một, hai tuần có thể đi chơi. Nhờ nền tảng đó, tôi không mệt mỏi dù quay phim khi bầu bí.
Nói vậy không có nghĩa tôi thấy mình vô tội. Trên phim trường, tôi đã tự dằn vặt: "Phim đề cập bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành, mình làm vậy có phải vô tình hành hạ đứa con trong bụng không?". Tuy nhiên, vợ chồng tôi đứng trước một bài toán khó. Nếu đợi thêm vài tháng tôi sinh con xong hoặc tìm diễn viên khác, các nhà đầu tư còn chịu chi tiền không? Liệu chúng tôi có quy tụ đủ êkíp ăn ý không? Những chuyện đó chúng tôi không biết được. Điều duy nhất tôi biết là tôi đủ sức khỏe để nhập vai.
Trên đoàn, ai cũng thương tôi, thường xuyên hỏi tôi ổn không. Sự thật đó là lần tôi khỏe nhất khi đi làm phim. Là người viết kịch bản, tôi đã quá hiểu nhân vật, không cần suy nghĩ nhiều, không bị ám ảnh tâm lý. Lúc không có cảnh quay, tôi chơi, ăn, ngủ. Có đêm tôi đang ngủ, Aaron đánh thức tôi dậy quay hai đúp rồi tôi ngủ tiếp. Lúc nào tôi cũng thoải mái.
- Nhân vật Xuân Thanh trầm cảm vì bị bố mẹ bạo hành thể xác và tinh thần từ nhỏ, bị chồng cấm gặp con có những tương đồng nào với chị ngoài đời?
- Các nhân vật nữ của Đêm tối rực rỡ đều chứa một phần cuộc đời tôi. Jolie là tôi thời tuổi teen, muốn nổi loạn nhưng phải gò mình vào khuôn khổ gia đình. Kim Bảo là tôi khi trưởng thành, bề ngoài cool ngầu nhưng bên trong vụn vỡ. Còn Xuân Thanh là tôi sau khi lấy chồng, nữ tính và đằm tính hơn.
Bố mẹ tôi yêu cầu các con học giỏi. So với chị gái, tôi quậy hơn nhiều, cá tính mạnh, thích chơi với con trai, không chơi búp bê, hay đánh lộn. Tôi nghĩ mình lấy được chồng là thành công lớn, không biết sao anh Aaron dám lấy tôi (cười).
18 tuổi thoát khỏi gia đình, tôi mừng lắm, cắt tóc ngắn cũn. Tôi thử những thứ chưa từng được làm như hút thuốc, uống rượu, một đêm đi vài bar. Chỉ có ma túy tôi không thử thôi. Sau những lần nhậu trắng đêm, tôi thấy mình trống rỗng. Dù đó không phải kiểu sống tôi thích, nó giúp tôi quên đi những đau đớn trong lòng.
Tôi làm tốt, bố mẹ chưa từng khen. Tôi làm sai, bố mẹ luôn chỉ trích. Tâm trạng của tôi hoặc bình thường hoặc suy sụp, chẳng bao giờ khá hơn. Tôi đã rất cố gắng để bố mẹ tự hào về mình nhưng dù làm bao nhiêu, tôi cũng không có được phần thưởng tinh thần. Tôi lớn lên cùng nỗi tự ti, không dám nghĩ mình đẹp, mình giỏi.
- Chị đã nói với người thân thế nào khi làm bộ phim có cảm hứng từ gia đình mình?
- Các nhân vật có sự tương đồng với tôi nhưng câu chuyện phim phần nhiều hư cấu. Ban đầu, tôi lo phim ra mắt, bố mẹ sẽ không chịu nổi, giống như tôi bêu xấu gia đình. Nhiều người có thể tấn công bố mẹ và tôi, nói tôi bất hiếu. Nhưng tôi kể câu chuyện này không phải để lên án bố mẹ. Tôi chỉ muốn gia đình chữa lành và bố mẹ hiểu bố mẹ làm vậy khiến tôi tổn thương.
Không lâu sau khi phim đóng máy cũng là lúc một "giọt nước làm tràn ly" khiến những cảm xúc tôi dồn nén bao năm qua bùng nổ. Tôi nhắn tin qua Facebook cho mẹ rồi ấn gửi và không đọc lại. Tôi sợ nếu đọc lại tôi sẽ chỉnh sửa. Tôi nhớ một phần tin nhắn là: "Cả đời con không biết bố mẹ có thương con không. Con nổi loạn nhiều chỉ để bố mẹ chú ý đến con. Nhưng giờ con mệt quá". Gửi tin đi, tôi chấp nhận sẽ cắt đứt quan hệ với bố mẹ. Vậy mà như một phép màu, mẹ xin lỗi tôi. Gia đình tôi dần thay đổi và giờ khá hạnh phúc.
- Bệnh tâm lý ảnh hưởng ra sao đến cuộc sống hôn nhân của chị?
- Lâu lâu stress, tôi quát con, mắng chồng. Nhưng ngay sau đó, tôi xin lỗi anh và con, giải thích cho con gái hiểu tôi thương con, chỉ là tôi mất kiểm soát tâm lý. Tôi xuất thân từ gia đình nhiều trách móc, ông xã lớn lên trong gia đình hào phóng lời khen. Tôi từng làm tổn thương anh bằng những lời chỉ trích và cảm thấy tổn thương khi anh khen tôi quá nhiều. Tôi không tin những lời khen ấy, cho rằng người đàn ông này không yêu mình mới làm vậy.
- Chị trị liệu tâm lý bằng cách gì?
- Tôi đã gặp bác sĩ tâm lý. Cũng có lúc, tôi không có tiền để làm việc đó hoặc gặp phải bác sĩ giả danh, khiến tôi muốn tự tử vì tái chấn thương. Sau này gặp được tiến sĩ Lê Nguyên Phương, tôi mới tìm ra vấn đề của mình. Tôi tập thiền để tâm lý ổn định, tập lắng nghe cơ thể.
Tôi tâm sự nhiều với chồng. Lúc tôi suy sụp, anh thường ôm tôi, nói yêu tôi. Con gái cũng hay ôm tôi và bảo: "Con yêu mẹ nhất trên đời. Mẹ là người tuyệt nhất". Chồng con cho tôi hiểu cuộc đời vẫn có người thương tôi. Vấn đề của tôi tích tụ đã mấy chục năm, không thể giải quyết một sớm một chiều. Nhưng tôi cảm nhận mọi thứ đang dần tốt hơn.
- Những trải nghiệm nào từng làm chị muốn bỏ nghề?
- 18 tuổi vào nghề, tôi được gọi casting cho một bộ phim. 12h đêm, trợ lý đạo diễn nhắn tin nói: "Anh và đạo diễn chọn em. Không biết thành ý em sao?". Tôi hỏi thành ý là sao, anh ta đáp: "Em làm nghề này em không hiểu sao?". Lần khác, tôi rất cảm kích một đàn anh giới thiệu vai diễn cho tôi. Nhưng sau buổi quay, anh ta lén nắm tay tôi, thì thầm: "Tối nay em nhớ qua phòng anh". Mấy chuyện như vậy nhan nhản trong nghề. Tôi ghê tởm và khinh thường chúng.
Không đủ nổi tiếng, tôi cũng hay bị giật show, bị sàm sỡ. Phản hồi việc nhân viên phục trang mang nhầm đồ hoặc nhân viên make up làm không đúng hình ảnh, tôi bị tẩy chay. Đóng cảnh xô xát, người ta cố ý đánh tôi thật vì không ưa tôi.
Tôi đóng sân khấu và truyền hình nhiều nhưng chưa có vai điện ảnh nào trước Đêm tối rực rỡ. Nhiều phim ưu tiên diễn viên nổi tiếng để đảm bảo doanh thu. Còn với phim chú trọng diễn viên thực lực, tôi chưa chắc hợp vai. Bởi vậy, tôi bi quan và muốn bỏ nghề.
- Tinh thần của chị thay đổi thế nào sau 'Đêm tối rực rỡ'?
- Tôi lấy lại lòng tin làm nghề. Lần đầu sau nhiều năm nỗ lực, tôi được công nhận, được nhớ tên. Ngoài đóng phim, tôi muốn mở lớp diễn xuất. Tôi được ông xã chỉ cho nhiều kỹ năng hay ho của nước ngoài, những thứ diễn viên Việt Nam khó tiếp cận. Tôi muốn chia sẻ chúng với nhiều bạn trẻ.
Phim Đêm tối rực rỡ gói gọn câu chuyện trong đêm cuối đám tang của cụ Sáng, một người nhiều tiền và có thế lực. Vợ chồng con trai cùng các cháu chắt hiếm hoi tề tựu, ngoài mặt lo đám tang cụ chu toàn nhưng thực chất người chờ được chia tài sản, người lo giải quyết nợ nần. Những tăm tối gia đình lần lượt được vén màn. Phim đang chiếu rạp. |
Phong Kiều thực hiện