Phương Dung
(Dự thi 'Cuốn sách tình yêu của tôi')
Tình yêu luôn là đề tài muôn thuở và không bao giờ cũ trong văn chương. Nói về tình yêu, nhiều người sẽ nhớ đến tình yêu đôi lứa. Nhưng có tình cảm còn lớn hơn, bao hàm cả tình yêu nam nữ - đó là tình người. Tình cảm đó được đề cập một cách ý nhị, sâu sắc trong cuốn Nhà Tuck bất tử.
Nhà Tuck bất tử là câu chuyện về một chuyến du hành bất tận xuyên thời gian, nơi tuổi xuân không bao giờ tàn, nơi ám ảnh về cái chết không bao giờ hiện hữu nhưng liệu đó có thật sự là hạnh phúc? Chuyện gì xảy ra khi bạn có thể sống mãi?
Đó là khi ta có thể tận hưởng cuộc sống và tình yêu mà không phải bận tâm tới những thay đổi của thời gian, thật tuyệt vời! Nhưng đến một lúc nào đó, ta nhận ra rằng cái chết chính là nguồn nuôi dưỡng sự sống, được chết đồng nghĩa với việc ta biết phấn đấu cho những giây phút được sống, sự bất tử đem lại cho ta nhiều thứ quý giá, trừ ý nghĩa cuộc sống... Tác phẩm đặt ra câu hỏi: "Đứng trước cuộc sống bất tử, người ta sẽ phản ứng như thế nào?", từ đó đề cập đến nỗi đau của những kẻ bất tử, sự tham lam muôn thuở của con người về sự bất biến vĩnh viễn.
Nhà Tuck bất tử kể về cuộc gặp gỡ tình cờ giữa cô bé Winnie với những người trong gia đình Tuck - những con người đã bất tử, không hề già đi suốt 87 năm qua. Những người của gia đình nhà Tuck đứng trước cơ hội có một cuộc sống bất tử và họ đã chọn lựa cuộc sống ấy như món quà của Thượng đế. Nhưng khi đã có được tuổi trẻ và cuộc sống vĩnh cửu, những người nhà Tuck lại mang trong mình nỗi buồn khôn xiết. Thứ mà họ tưởng nhầm là phần thưởng của Thượng đế lại chính là sự trừng phạt. Ngoại trừ bản thân, mọi thứ xung quanh họ đều vận động đổi thay. Họ bị thời gian bỏ mặc, bị cô đặc và đơn lập trong một thế giới của riêng mình. Thời gian của mỗi người trong gia đình Tuck ngưng đọng ở thời khắc họ uống dòng nước trường sinh, cuộc sống vẫn trôi đi nhưng họ đã nằm ngoài sự chi phối của thời gian.
Câu chuyện bắt đầu từ mảnh rừng Treegap nhà Foster, về gia đình nhà Tuck với bố, mẹ và hai người con trai. Cuộc sống của họ vẫn yên ổn và diễn ra bình thường cho đến một ngày, ông Angus và bà Mae cùng hai cậu con trai Jesse và Miles tình cờ tìm thấy con suối của sự bất tử, khi cả gia đình họ cùng nhau uống nước ở một con suối nhỏ trong khu rừng. Thứ nước kỳ diệu ấy đã khiến họ trở nên bất tử, không một ai trong gia đình nhà Tuck già đi, không một thứ gì trên đời có thể làm hại đến họ.
Nhưng đó cũng là lúc những người xung quanh trở nên xa lánh họ. Người ta đồn gia đình nhà Tuck là phù thủy. Từ đó, ông bà Tuck và hai cậu con trai sống cuộc đời nay đây mai đó. Họ không thể ở một nơi nào đó quá 20 năm, cũng không thân thiết với ai. Thứ duy nhất họ có trên đời là thời gian. Cuộc sống trường sinh bất lão từng là ao ước của bao người bây giờ trở thành nỗi bất hạnh của họ. Thậm chí, ông Tuck từng tuyệt vọng đến nỗi tự tay bắn vào đầu mình nhưng ông không thể chết. Ông đã không còn cơ hội "được" chết.
Cả nhà Tuck đã sống mấy mươi năm rất dài cho đến ngày bí mật của họ được tiết lộ cho Winnie Foster. Gia đình Winnie là chủ nhân khu rừng - nơi có con suối trường sinh chảy qua và dĩ nhiên, con suối đó cũng thuộc về họ. Winnie đã trốn vào rừng vào cái ngày mà bố mẹ cô quyết định cho con gái học trường nội trú. Cô cứ chạy mãi cho đến khi phải dừng lại vì trông thấy một chàng trai dễ thương với đôi mắt ngời sáng, Jesse Tuck. Họ yêu mến nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên. Và khi tai nghe mắt thấy câu chuyện kỳ lạ của gia đình nhà Tuck, như mọi cô bé khác, Winnie chìm đắm vào bao suy tưởng và cả những mơ mộng của mình.
Gia đình Tuck buộc phải tạm thời bắt cóc cô bé để giải thích cho cô mọi chuyện. Họ muốn Winnie giữ bí mật về dòng suối trường sinh, bởi nếu bí mật bị tiết lộ, tất cả loài người sẽ phát điên. Và nhân loại sẽ tự đẩy mình vào một bất hạnh triền miên trước ham muốn trường sinh bất lão. Là một cô bé thẳng thắn nhưng cũng rất dễ cảm thông, sự xuất hiện của Winnie với gia đình Tuck như một cơn gió lạ tươi mát. Quá lâu rồi trong gia đình họ mới có một đứa trẻ lớn lên bình thường. Niềm vui của nhà Tuck khi nhìn Winnie ngủ say khiến người đọc giật mình, liệu hạnh phúc thật sự nằm ở đâu? Tình yêu dành cho Jess và tình yêu dành cho cuộc sống - Winnie liệu sẽ lựa chọn thế nào?
Mọi chuyện đã trở nên rắc rối khi có mặt của một kẻ thứ ba. Một kẻ cả đời quyết tâm đeo đuổi ước mơ về một phương thuốc trường sinh và cũng phát hiện ra bí mật của gia đình nhà Tuck. Sẽ như thế nào nếu một ngày nọ, bạn bị bắt cóc đến một gia đình xa lạ, bị theo dõi bởi một gã áo vàng bí ẩn và tham lam, hay phải chứng kiến ai đó bị giết chết để bảo vệ cả một bí mật? Winnie, cô bé 10 tuổi – nhân vật chính của chuyện, đã vượt qua tất cả và có sự chọn lựa cho riêng mình.
Thật không dễ dàng gì khi nói về sự bất tử. Nhà Tuck bất tử không chỉ đẹp mà còn là một bức tranh rực rỡ nhuốm màu cổ tích. Với sự hồn nhiên, trong sáng và tấm lòng nhân hậu, Winnie đã cùng gia đình Tuck chia sẻ bí mật về dòng suối trường sinh. Cô coi những người trong gia đình Tuck như chính những người thân của mình và Winnie sẵn sàng làm một việc có thể coi là dũng cảm ở tuổi cô khi đó, là cứu bà Tuck khỏi án treo cổ vì đã cố cứu cô khỏi kẻ xấu.
Truyện khiến người đọc khâm phục và xúc động trước tình cảm chân thành mà cô bé Winnie dành cho gia đình Tuck. Jesse Tuck, người con trai thứ hai của ông bà Tuck đã đem lòng yêu Winnie. Chàng trai nhà Tuck đã trao cho Winnie chai nước trường sinh và hy vọng cô sẽ sử dụng khi bước sang tuổi 17. Winnie băn khoăn liệu có nên uống nước suối sau khi đã 17 tuổi rồi cưới Jesse Tuck bất tử và cùng tham gia chuyến du hành bất tận xuyên thời gian? Nhưng câu chuyện không có kết thúc đẹp và hoàn hảo như cổ tích.
"Đừng e sợ cái chết. Hãy e sợ một cuộc sống mà cũng như chết", phải chăng đó là thông điệp ý nghĩa mà tác giả Natalie Babbitt muốn chuyển tới độc giả. Là một truyện được viết cho thiếu nhi nhưng vấn đề mà Nhà Tuck bất tử đặt ra lại hết sức nghiêm túc, đó là "sống" và "chết". Ai cũng có lúc sợ chết nhưng "chết đi chính là một phần của vòng xoáy thời gian, ngay liền kề sự sinh" và như ông Tuck đã nói với cô bé Winnie: "Con không thể cứ chọn những phần mình thích mà vứt bỏ cái còn lại được. Được trở thành một phần của vòng xoay, đó là hạnh phúc... Con không thể sống mà không chết. Không thể gọi đó là sống được, cái mà nhà bác hiện có bây giờ ấy. Gia đình bác chỉ hiện hữu, chỉ tồn tại như những hòn đá bên vệ đường".
Nỗi buồn được bất tử ấy lặng lẽ, thấm đẫm từng câu chữ. Nhưng chỉ có những người kinh qua nỗi đau mới hiểu được nỗi đau. Người nhà Tuck ngăn cản không cho người khác biết được bí mật bằng mọi giá, dù có phải giết chết những kẻ xuẩn ngốc đó chăng nữa. Không phải vì họ ích kỷ giữ đặc quyền cho bản thân mà vì họ hiểu "được chết là một hạnh phúc".
Cách tiếp cận vấn đề của tác giả rất nhẹ nhàng, song vô cùng thẳng thắn. Natalie Babbitt đã không hề tránh né vấn đề, cả câu chuyện chỉ đơn giản là một câu hỏi "Bạn ao ước cuộc sống bất tử đến đâu?". Còn đoạn kết của cuốn sách không phải là một dấu chấm hết mà là dấu chấm lửng dài, đơn giản nhưng đầy tính gợi mở. Không phải là cái kết đẹp như mơ. Cuối cùng, nhà Tuck vẫn cứ bất tử thật nhưng Jesse Tuck trong hình hài một chàng trai 17 tuổi đã không được sống mãi mãi bên người con gái nhỏ bé, bình dị mà anh yêu.
Nhà Tuck bất tử như một triết lý về thời gian và ý nghĩa của cuộc sống. Sống không có nghĩa là hiện hữu và tồn tại. Mỗi quãng đời trôi qua trong cuộc sống của mỗi con người đều có giá trị riêng của nó, ngay cả cái chết. Khi biết rằng chúng ta không thể sống mãi, chúng ta mới có thể sống hết mình cho cuộc sống. Và khi đó, thời gian thực sự trở thành một món quà của tạo hóa. Đọc truyện giúp tôi hiểu được, mỗi quãng đời trôi qua đều đong đầy ý nghĩa, cuộc sống sẽ chỉ là quãng thời gian vô vị nếu cái chết không tồn tại. Và con người chỉ thật sự có được hạnh phúc khi nằm trong vòng xoay của cuộc đời, của thời gian.
Điều tạo nên những giá trị khác biệt cho Nhà Tuck bất tử chính là chất nhân văn sâu sắc lồng ghép vào khung cảnh cổ tích ngọt ngào về một xứ sở thần tiên không có thật trên đời. Để rồi từ đó giúp người đọc nhẹ nhàng nhận ra giá trị của cuộc sống một cách giản dị và chân thành nhất. Bằng một câu chuyện mang hơi hướng cổ tích, gần gũi với trẻ thơ nhưng cũng mang ý nghĩa lớn với những người đã trưởng thành. Natalie Babbitt đã truyền tới người đọc một thông điệp đầy ý nghĩa rằng đừng e sợ cái chết, bởi cái chết là một phần của sự sống, là một phần của vòng tuần hoàn bất tận bao bọc lấy cuộc đời của mỗi con người. Và sự thực là nhờ có cái chết, con người ta mới học được cách sống có ý nghĩa hơn. Nhờ có sự hữu hạn của thời gian, con người ta mới biết cách kiếm tìm những giá trị đích thực ở trong đời.
Và tôi tin cô bé Winnie trong câu chuyện, hơn ai hết, là người hiểu rõ điều ấy khi cô quyết định ở lại trong vòng xoay của tạo hóa. Cô đã không uống thứ nước trường sinh để tận hưởng một cuộc đời trọn vẹn, từ lúc sinh ra cho đến khi mất đi. Cô đã từ chối lời đề nghị lãng mạn của chàng Jesses Tuck, là sẽ sống mãi với tuổi 17, sẽ cùng nhau nắm tay đi khắp thế gian để tận hưởng cuộc đời.
Cái chết, biết đâu chưa phải là kết thúc khi nó tạo cơ hội để mở ra một cuộc sống mới, một tương lai mới? Một cuốn sách ngắn gọn, hàm súc và đầy tính nhân văn. Tác phẩm khiến tôi thêm yêu quý, trân trọng những gì mình đang có cho dù cuộc đời có ngắn ngủi. Quả là một câu chuyện hay và đi vào lòng người một cách êm ái và nhẹ nhàng. Một tác phẩm ý nghĩa về tình yêu cuộc sống.