Phần lớn những ngôi nhà này hiện đã biến thành các tụ điểm dịch vụ cả mờ lẫn tỏ với đủ các loại biển hiệu như tẩm quất, giác hơi, hàng quán chè chén, ăn uống, nhà trọ đến dịch vụ bán phụ tùng ôtô ăn theo bến xe, hoạt động rầm rĩ suốt ngày đêm.
Đến một chiếc thang mỏng mảnh rồi nín thở leo lên một quán chè chén treo ngược phía trên, bà chủ quán cho biết: "Khổ lắm các chú ạ, kể từ ngày bến xe quây tường để giữ đất, những gia đình đang sống cạnh đây đã không còn lối đi lại và đành phải sử dụng thang vào nhà. Người lớn đi làm, trẻ em đi học đều phải bằng con đường độc đạo đó. Khổ nhất là những người tuổi cao sức yếu, người tàn tật mỗi lần lên xuống là phó thác sinh mệnh cho hai đoạn tre này”.
Nhếch nhác nhà "treo" áp sát bến xe. |
Trên thực tế, trong số hơn 30 hộ dân đang sử dụng thang để đeo bám quanh khu vực bến xe, chỉ có 8 hộ thực tế không có lối đi nào khác. Nhiều hộ còn lại đều có lối đi, nhưng do nhu cầu buôn bán mưu sinh họ vẫn dựng thang bám trụ bến xe kiếm sống.
Điều bức xúc của những hộ dân đang không có lối đi nơi đây cũng chính là nỗi đau đầu của đơn vị có nhiệm vụ quản lý Bến xe phía Nam.
Ông Vương Duy Toàn, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý bến xe cho biết, từ thời điểm năm 1990-1991 khi bến xe mới được thành lập, khu vực này chỉ toàn là ao thùng đấu. Sau khi bến xe đổ đất, san nền mở bến, người dân tứ xứ bắt đầu kéo về bám quanh để làm ăn kiếm sống.
Hàng chục loại hình dịch vụ, hàng quán mọc lên kéo theo tình trạng nghiện hút, làm cho tình hình ANTT ở đây một thời rất phức tạp.
Trước thực trạng trên, năm 2003, Bến xe phía Nam cùng UBND huyện Thanh Trì đã họp đưa ra giải pháp xác định mốc giới và tiến hành cưỡng chế xây dựng tường rào bảo vệ quanh bến xe. Nhưng khi xây dựng hệ thống tường rào, chính quyền địa phương lại không xem xét một cách toàn diện tính hợp pháp của những ngôi nhà ở đây và trên cơ sở đó đưa ra giải pháp về lối đi lại cho các hộ dân.
Theo phản ánh của Ban lãnh đạo bến xe thì phần lớn các ngôi nhà bám theo tường rào bến đều không đủ giấy tờ hợp pháp. Chính từ sự thiếu kiên quyết, không kịp thời và có phần tắc trách của chính quyền địa phương đã đẩy tình hình ngày càng phức tạp.
Lãnh đạo Bến xe phía Nam cho biết, để giải quyết những bức xúc này, lực lượng Công an liên tục đi thu giữ tất cả các loại thang vi phạm quanh khu vực, nhưng mới quay gót đi các hộ lại thả thang mới xuống. Trong cuộc họp gần đây nhất với lãnh đạo quận Hoàng Mai để tìm biện pháp tháo gỡ, hướng mà chính quyền địa phương đưa ra là phía bến xe tạo điều kiện để dành một phần đất xây dựng lối đi cho dân có bề rộng chừng 2m.
Lãnh đạo bến xe không tán đồng với giải pháp đó bởi đất đã giao cho doanh nghiệp khai thác lâu dài, đặc biệt lại là bến xe có ý nghĩa phúc lợi xã hội lớn. Mặt khác, phần lớn diện tích xung quanh đây đều do người dân tự lấn chiếm, nếu giải quyết như vậy vô tình thừa nhận hành vi trái phép, sẽ tạo ra một tiền lệ xấu trong vấn đề giải quyết đất đai. Đấy là chưa kể giả thuyết đã mở con đường rộng 2 m, dài theo hàng rào sau bến thì không lâu sau rất có thể chỉ giới đất các hộ dân lại áp sát hàng rào mới mà chẳng có căn cứ nào để xác định đúng - sai.
(Theo Công An Nhân Dân)