Dự kiến Nhà thờ Đức Bà Paris (Cathédrale Notre-Dame de Paris) mở cửa trở lại vào tháng 12/2024, chưa đầy 6 năm sau trận hỏa hoạn lớn thiêu rụi mái nhà thờ hồi tháng 4/2019. Jean-Louis Georgelin, vị tướng phụ trách dự án phục dựng khổng lồ này, cho biết tháp chuông đã đổ sập bởi ngọn lửa sẽ xuất hiện lại phía trên nhà thờ trong năm nay, như một tín hiệu về sự hồi sinh mạnh mẽ của Notre-Dame.
"Theo tôi, sự xuất hiện trở lại của ngọn tháp trên bầu trời Paris sẽ là biểu tượng cho thấy chúng ta đang thắng trong trận chiến khôi phục lại Nhà thờ Đức Bà", Georgelin nói với hãng tin AP.
Quá trình phục hồi diện mạo nhà thờ bắt đầu từ năm ngoái, sau hơn hai năm tái cấu trúc nền móng cũ để đảm bảo an toàn cho các nghệ nhân khi làm việc. Các nhà chức trách lựa chọn xây dựng lại nhà thờ đã 856 tuổi, nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của nước Pháp và được ví như "Trái tim Paris", theo kiến trúc cũ, bao gồm tái tạo ngọn tháp cao 93 m được kiến trúc sư Eugene Viollet-le-Duc xây dựng vào thế kỷ 19.
Song song quá trình phục dựng, một triển lãm có tên "Nhà thờ Đức Bà Paris: Giữa trung tâm của công trường" mở cửa cho khách tham quan miễn phí mỗi thứ Ba hàng tuần, ngay phía trước nhà thờ. Tại đây, du khách có thể tìm hiểu về các hoạt động xây dựng đang diễn ra lẫn chuyên môn và kỹ năng của đội ngũ. Triển lãm cũng trưng bày một số tàn tích nhà thờ sau đám cháy và các tác phẩm nghệ thuật.
Tướng Georgelin nói việc ấn định thời điểm nhà thờ mở cửa trở lại vào tháng 12 /2024 là đúng với mục tiêu Tổng thống Emmanuel Macron đặt ra, ngay sau vụ hỏa hoạn, nhưng là quá muộn cho Thế vận hội Olympic Paris diễn ra hè năm sau. Ông cho biết mỗi ngày có khoảng 1.000 người làm việc để xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà, đồng thời nhấn mạnh: "Thách thức lớn nhất là tuân thủ chính xác kế hoạch hàng ngày, liên quan đến rất nhiều tác phẩm nghệ thuật như: khung, tranh, đá, kính màu".
Philippe Jost, Giám đốc điều hành cơ quan giám sát việc tái thiết nhà thờ, khẳng định "sẽ trung thành với kiến trúc ban đầu, đồng thời bám sát bản thiết kế, vật liệu, kiến trúc thời trung cổ vốn đã biến mất sau vụ cháy".
"Chúng tôi không làm những hầm bê tông trông giống như đá mà làm những hầm bằng đá như lúc nhà thờ được xây dựng vào thời Trung cổ", Jost nói và cho biết thêm rằng khung mái nhà thờ cũng sẽ được làm từ gỗ sồi như ban đầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Văn hóa Rima Abdul-Malak nói thêm khi nhà thờ mở cửa đón du khách và giáo dân trở lại, không có nghĩa là quá trình trùng tu liền kết thúc. "Sẽ vẫn có một số công việc cải tạo năm 2025", cô nhấn mạnh. Trong thời gian này, ngoài những chuyến tham quan triển lãm miễn phí, du khách có thể trả tiền trải nghiệm thực tế ảo để đi vào bên trong, tìm hiểu lịch sử nhà thờ. "Điều này cũng giúp ích cho ngành du lịch Paris", theo Rima Abdul-Malak.
Diệp Tử (theo AP)