Avengers: Infinity War (Avengers: Cuộc chiến vô cực) của xưởng phim Marvel hiện làm mưa làm gió tại các phòng vé. Bộ phim thứ ba trong series Avengers mới đây lập kỷ lục, trở thành phim nhanh nhất vượt mốc doanh thu 1 tỷ USD.
Việc Cuộc chiến vô cực không mất nhiều thời gian để gia nhập câu lạc bộ phim tỷ USD đã chứng tỏ sức hút toàn cầu của cái tên Marvel, theo nhận định của giới truyền thông.
Thế nhưng, người hâm mộ hit Avengers ít biết đến người bấy lâu đem lại hơi thở mới cho cái tên ấy: Kevin Feige, chủ tịch Marvel Studios.
Dưới sự dẫn dắt của anh, thế giới đón chào một Vũ trụ Điện ảnh Marvel từ 10 năm nay, với loạt tác phẩm gây sốt không chỉ thành công về mặt thương mại mà còn đón nhận nhiều phản hồi chuyên môn tích cực.
Nhà điều hành năm nay 45 tuổi đi lên phần lớn từ những cái duyên tình cờ, thậm chí với xuất phát điểm vô cùng khiêm tốn.
Lớn lên tại bang New Jersey, Mỹ, cậu bé Feige say mê với các nhân vật hành động, truyện tranh và phim ảnh, nuôi mộng bước vào ngành giải trí. Trải qua 5 lần bị từ chối, cuối cùng Feige được nhận vào trường điện ảnh thuộc ĐH Nam California rồi tốt nghiệp năm 1995.
"Kỳ học nào tôi cũng nộp đơn, cho tới khi được nhận mới thôi", Vanity Fair dẫn lời Feige kể.
Thời gian đi học, Feige xin được thực tập ở chỗ hai vợ chồng nhà sản xuất Richard và Lauren Shuler Donner. Richard hồi ấy là thần tượng của anh khi ông từng đạo diễn Superman.
Sau hai năm miệt mài, Feige được họ thuê làm việc chính thức với danh nghĩa trợ lý sản xuất. Chủ tịch Marvel hiện tại mô tả công việc đạt được sau kỳ thực tập hồi ấy: "Việc của tôi là dắt chó, mua bữa trưa cho mọi người và rửa ôtô".
Feige không xem thường những việc lặt vặt, mà tâm niệm đó đã là bước ngoặt lớn lao đến với mình.
"Bấy giờ tôi nghĩ cuối cùng mình đã làm được, chạm tới thành công tại Hollywood", anh nói trên NPR.
Vận mệnh sau đấy đến với Feige đầy bất ngờ, khiến anh đến giờ vẫn thấy khó tin khi kể lại trên báo chí.
Với vai trò trợ lý sản xuất, anh giúp sức Donner trong những phim như You've Got Mail và Volcano. Sau đó, khi bà bắt tay thực hiện series X-Men, người trợ lý trẻ được đề bạt trở thành một trong số những nhà sản xuất.
Một lần tại trường quay, Feige nghịch ngợm mái tóc của Hugh Jackman, tạo ra kiểu đầu trông ngớ ngẩn nhưng sau này trở thành thương hiệu của Người Sói. Hành động đó lọt vào mắt Avi Arad, CEO Marvel Entertainment bấy giờ và là nhà sáng lập Marvel Studios. Ông quyết định sẽ chiêu mộ Feige.
Năm 2000, Kevin Feige đầu quân cho Marvel, tham gia sản xuất những phim như X-Men, Spider-Man, Fantastic Four…
Feige mô tả công việc mình theo đuổi: "Một nhà sản xuất vừa không làm gì cả, vừa làm tất cả. Không làm gì, vì chúng tôi không viết kịch bản, không chỉ đạo diễn xuất, không ngồi sau máy dựng… Thế nhưng chúng tôi làm việc cùng và điều phối tất cả ngần ấy con người. Một nhà sản xuất sáng tạo là biết nhìn thấu toàn bộ dự án từ lúc ý tưởng thô sơ".
Năm 2007, khi Hollywood đang dần quay lưng với dòng phim siêu anh hùng, Feige được trao ghế chủ tịch Marvel Studios. Thời điểm này không lâu trước khi bấm máy Iron man (Người Sắt) vào năm 2008, bộ phim đầu tiên Marvel sản xuất với tư cách một studio độc lập.
Trước thời Feige cai quản, studio này thậm chí không tự chủ trong việc làm phim. Sáng lập năm 1993 với tên gốc Marvel Films, thương hiệu chỉ như nhánh điện ảnh bổ trợ cho hãng truyện tranh. Khi ấy, họ phần lớn nhượng quyền các nhân vật cho các studio khác, chẳng hạn cấp phép cho Sony’s Columbia Pictures làm phim về Spider Man năm 2002.
Feige nằm trong nhóm thúc đẩy Marvel tự lực tài chính và nắm toàn quyền sáng tạo với kho nhân vật, bước đi được xem là liều lĩnh bấy giờ.
Jon Favreau, đạo diễn hai tác phẩm Người Sắt đầu tiên, diễn tả cảm giác chơi vơi ở giai đoạn khởi đầu đó trên Vanity Fair: "Những người cũ như tôi, Robert (Downey), Gwyneth (Paltrow) và Kevin, ngày ấy chìm trong cảm giác bấp bênh như những sinh viên sắp ra trường".
Thế nhưng sự mạo hiểm cuối cùng đem lại trái ngọt cho họ. Sản xuất với chi phí 140 triệu USD, Iron Man 2008 đem lại doanh thu gấp 4 lần, trong đó thu về tới 98 triệu USD chỉ sau 3 ngày công chiếu.
Kể từ thành công ấy, vị tân chủ tịch dìu dắt từng bước đi của một đế chế mới mang tên "Vũ trụ Điện ảnh Marvel", nơi quy tụ các siêu anh hùng trước đó đứng độc lập, nổi bật như việc tâp hợp đội quân Avengers.
Cách tiếp cận mới mẻ này của Marvel không những thay đổi cách làm phim mà còn đem đến một cục diện mới cho nền văn hóa đại chúng 10 năm trở lại đây.
Jonathan Kuntz, giảng viên Điện ảnh tại ĐH California phát biểu: "Kevin Feige làm điều tương tự như Stan Lee đã làm những năm 60: để các nhân vật tồn tại trong cùng một thế giới".
Giờ đây, Feige là một trong những nhân vật quyền lực nhất nền giải trí. Những tác phẩm quan trọng của Marvel có sự góp mặt sản xuất của vị chủ tịch đem về doanh thu tổng cộng 16 tỷ USD. Đó hầu hết là những phim thống trị bảng xếp hạng phòng vé khi vừa ra mắt.
Gần nhất, Avengers: Cuộc chiến vô cực, phim thứ 19 của Vũ trụ Điện ảnh Marvel trong vòng 10 năm, có doanh thu công chiếu toàn cầu cao nhất mọi thời đại (640,5 triệu USD).
Thành công này đến chỉ sau vài tháng từ lúc phim Black Panther của Marvel phá hàng loạt kỷ lục và thay đổi định kiến văn hóa trong ngành công nghiệp giải trí.
Lý giải những thắng lợi gần đây, Feige cho rằng đó là nhờ chiêu mộ những đạo diễn mê mẩn siêu anh hùng như anh và có thể khiến nhân vật chạm đến khán giả.
Là một trong những fan siêu anh hùng chân chính, anh từng được "Góa phụ đen" Scarlett Johansson nhận xét: "Trong trái tim Kevin là một fanboy đích thực".
Ngồi trong văn phòng làm việc, chủ tịch Marvel Studios được vây quanh bởi những món đồ chơi: hình nhân Iron Man, khiên sắt Captain America và búa Thor. Người đàn ông 45 tuổi thậm chí tiếc nuối vì thuở nhỏ không được chiêm ngưỡng nhiều siêu anh hùng xuất hiện trên màn ảnh hơn.
"Tất cả chúng tôi tại Marvel Studios trước hết xem mình là fan, sau mới nói đến chuyện làm phim", anh chia sẻ với NPR.
Quốc Việt
Theo CNBC