Một nghiên cứu do một trường đại học địa phương của Đài Loan tiến hành cho biết, môi trường bên trong nhà của khoảng 30% các toà nhà có chất lượng không khí kém, mật độ tập trung của khí metan, vi khuẩn, nấm cao hơn tiêu chuẩn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép.
Theo nghiên cứu, nguyên nhân của vấn đề là do thiết kế của nhiều toà nhà mới xây nghèo nàn và được xếp vào loại "các toà nhà mắc bệnh". Đối với các toà nhà được tu sửa lại, hệ thống vệ sinh kém là nguyên nhân chính.
Dân cư sống tại các toà nhà mới được tân trang và xây dựng lại có nguy cơ bị mắc bệnh tim và dị ứng và thậm chí ung thư do hoá chất từ sơn và các vật liệu trang trí nội thất toả ra. Ngoài ra điều hoà không khí trung tâm ở các toà nhà cũ cũng khiến chất lượng không khí kém đi khi bộ lọc của những điều hoà này không được vệ sinh hoặc thay đổi thường xuyên, mầm mống vi khuẩn và nấm có thể lây lan khắp các hệ thống thông gió.
Tại nơi làm việc, các toà nhà văn phòng cũng gây hại cho sức khoẻ của người sử dụng khi các máy móc như máy in cũ thải ra khí ozone, khiến mọi người bị khí thũng và viêm phế quản.
Nghiên cứu phát hiện khoảng 30% người Đài Loan đã bị mắc "triệu chứng nhà ốm", gồm các triệu chứng như đau họng, ngứa ngáy, đau đầu và không tập trung.
Khoản tiền người dân Đài Loan dành cho việc chữa trị các bệnh về hô hấp và dị ứng như hen, viêm mũi dị ứng từ năm 1997 đến 2003 lên tới hơn 4 tỷ Đài tệ (123,5 triệu USD).
(Theo NetNam)