Cách trung tâm xã Ngũ Hiệp (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) gần 5 km nhưng chỉ cần về đến địa phương, tìm hỏi gia đình chị Trần Thị Huệ (sinh năm 1979) tại ấp Tân Sơn không ai không biết. Vụ việc mẹ ruột chôn sống con sau sinh luôn là tâm điểm bàn luận của bà con suốt nửa tháng qua.
Nơi ở của chị nằm tận cùng một con hẻm nhỏ, là căn nhà vách, nhiều lỗ hổng nhiều hơn lành lặn, mái lá nhìn thấy cả mặt trời, suốt ngày luôn “thông thoáng” vì không có bất kỳ cánh cửa nào che chắn.
Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên khi hay mình tiếp tục mang thai sau 6 năm “kế hoạch”, chị Huệ hoàn toàn chán nản. Không thể phá thai khi đứa trẻ đã tượng hình, chị lẳng lặng giấu đi sự thật, tới bước nào tính bước đó.
Với thân hình nhỏ nhắn, tròn trịa, chị dễ dàng “biến” chiếc bụng đang to dần trở nên bình thường. Suốt ngày mặc trên người chiếc áo khoác dày cộm, chị khéo léo cột gút lại phía dưới để làm “phùng” đều cả phần trên. Tuy mang bầu nhưng chị lại không có chút biểu hiện ốm nghén như nôn ọe, thèm ăn.
Dù giấu giếm nhưng Huệ không dễ dàng qua mặt mọi người. Thấy thân hình chị Huệ ngày càng to tròn, gia đình chồng thường xuyên gặng hỏi, đến nỗi từng bắt ép đến bệnh viện nhưng chị quả quyết do ăn nhiều nên mập và “nhà nghèo có khùng cũng không dám có con”.
Anh Đặng Văn A (sinh năm 1979, chồng chị Huệ) buồn bã: “Tôi cũng quan tâm vợ lắm nhưng mỗi lần hỏi là cô ấy lại nổi nóng nên tôi không dám nói nữa. Tới khi tôi muốn “gần gũi” thì cô ấy luôn nói mệt, từ chối, đòi ngủ riêng”.
Mọi việc cứ thế kéo dài hơn nửa năm, đến ngày 25/9, sự thật mới được phơi bày nhưng đã không còn kịp cứu vãn. 4h hôm đó, chị Huệ đau bụng chuyển dạ. Không chịu nổi, chị cố gắng lẳng lặng chạy ra khu vườn rồi sinh dưới gốc cây sầu riêng. Sau đó, chị đặt đứa trẻ còn chưa cắt nhau thai xuống hố sâu khoảng 0,5m, phủ lên trên đầy cỏ và lá chuối tươi rồi vào nhà nằm nghỉ như chưa xảy ra chuyện gì.
Hai tiếng đồng hồ sau, người chồng thức dậy, nhìn vào phòng thấy vợ mình đang quay mặt lại nằm xem truyền hình nên đi đám giỗ. Mãi đến 16h, anh mới tá hoả mặt mày khi được hàng xóm báo tin vợ mình nằm chết trên vũng máu do băng huyết.
Người chồng nghẹn ngào nhớ lại: “Lúc đó ở nhà có đứa con gái nhưng nó còn nhỏ quá, không biết gì hết. Còn vợ tôi cứ nói bị đứt chân, không cho kêu giúp. Đến khi chị hàng xóm vào thăm mới phát hiện thì vợ tôi đã chết rồi”.
Trước đó ít giờ, người dân quanh khu vực liên tục nghe tiếng con nít khóc, túa ra tìm kiếm nhưng mãi chẳng thấy đâu, cứ tưởng tiếng mèo kêu nên không bao lâu thì giải tán. Đến khi hay tin chị Huệ mất vì sinh nở, mọi người liền lần theo vết máu và bất ngờ khi nhìn thấy đứa trẻ trần truồng, xám ngắt nằm dưới rãnh đất, kiến bu đầy người, đốt sưng mắt, tay chân. Cháu bé tức tốc được đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Cháu bé chào đời với cân nặng 3,3 kg, sinh đủ ngày đủ tháng và hoàn toàn khoẻ mạnh. Sau 8 ngày nằm viện, nhận thấy các vết thương không còn trầm trọng và bắt đầu lành lặn, bác sĩ cho phép bé xuất viện. Bé được gia đình đặt tên là Đặng Thiên Phước, cái tên mang hàm ý “phúc lộc trời cho” nhưng bé trai vừa ra đời thì mẹ đã không còn.
Bà nội đứa trẻ tâm sự: “Biết hoàn cảnh gia đình nên mọi người yêu thương nó lắm, liên tục hỏi thăm, cho tã, sữa, quần áo. Đến giờ toàn bộ đồ đạc chăm sóc cho nó đều do người ta cho, gia đình tôi không mua sắm gì hết.
Tiền phúng điếu đám tang con Huệ, một phần tôi mua gạch lót cho mộ nó được sạch sẽ, còn sống nó đã thiếu thốn quá rồi, số còn lại tôi mua tấm bạt trải trên nóc nhà che nắng che mưa cho mấy đứa nhỏ dễ ngủ”.
Sau sự việc ai cũng trách chị Huệ suy nghĩ nông cạn. Cả bản thân người chồng đôi khi vẫn hờn giận hành động của vợ mình, nếu nói ra sớm có thể cùng nhau giải quyết. Thế nhưng đến giờ, anh thương và thông hiểu cho những dại dột, lo lắng mà người vợ phải một mình gánh chịu.
Anh quặn lòng tâm sự: “Mới đây, ba đứa con về cứ hối tôi đóng tiền học, nếu không sẽ bị đuổi. Nghe vậy lòng tôi thắt lại từng đoạn, đi năn nỉ mượn tiền khắp nơi nhưng đến đâu người ta cũng hẹn, chưa dám cho. Nhất là thằng con lớn, năm nay lên lớp 6 mà tôi chưa có tiền mua cho nó nổi một bộ đồng phục giá 84.000 đồng. Ở trường, nó là đứa khác biệt nhất vì lúc nào cũng quần tây, áo sơ mi trắng hoen màu. Nhưng thế nào tôi cũng ráng sức kiếm tiền nuôi tụi nó ăn học nên người, như vậy mới có thể có cuộc sống tốt hơn tôi bây giờ”.
Trong căn nhà nghèo khó vào đúng ngày mất 2 tuần của chị Huệ, tiếng kinh vang vọng hoà với sự im lặng của họ hàng viếng thăm càng làm cho không khí thê lương. Bé Phước, đứa trẻ may mắn sống sót sau vụ việc đang ngủ lì bì trên chiếu mỏng tang, không hề cọ quậy hay khóc la. Anh A chia sẻ: “Nó ngoan lắm, không khó như mấy đứa trẻ khác, đói chỉ kêu é lên một tiếng rồi quơ hai tay qua lại thôi. Có lẽ nó hiểu số phận nó nên không làm tôi khổ cực thêm”. Nói rồi giọng anh cứ lạc đi vì uất nghẹn.
Hơn 13 năm chung sống, anh A chưa từng nghĩ gia đình mình sẽ có kết cục bi thảm hôm nay bởi suốt thời gian chung sống; tuy nghèo khó nhưng chưa bao giờ vợ chồng anh lớn tiếng cãi vã về chuyện đồng ra đồng vào.
Không ngờ chị vợ vì sợ đói khổ mà giấu giiếm chuyện có thai rồi nhẫn tâm chôn sống con đẻ của mình. Anh A cho biết, anh chị nên duyên chồng vợ là do họ hàng mai mối. Cùng chung cảnh “nghèo rớt mùng tơi” nên khi cưới về, vợ chồng anh ra sức làm việc ngày đêm để kiếm tiền xây dựng một mái ấm. Một năm sau khi đứa con đầu lòng ra đời, chị Huệ ở nhà quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái.
Tất cả chi tiêu đều trông chờ vào đồng ương ít ỏi từ công phụ hồ của anh A. Đôi vợ chồng quyết định không sinh thêm con nữa nhưng rồi lỡ kế hoạch, đứa con gái thứ 3 chào đời. Tự nhủ, “có nếp có tẻ” vậy đủ rồi nên anh A luôn cố gắng hạn chế “gần gũi” vợ.
Khi được hỏi về việc đi học, cả ba người con anh A đều đồng thanh không chịu nghỉ và hứa những buổi nghỉ học sẽ phụ cha làm thêm kiếm thu nhập. Dù còn nhỏ tuổi, nhưng mấy đứa con của anh cho biết, sẽ không bao giờ bỏ rơi em nhỏ mới sinh. Đứa con lớn nói chắc nịch: “Con sẽ đi mò cua bắt ốc, không ăn gì hết rồi đưa cho cha đi mua sữa cho em Phước uống. Tụi con sẽ thay mẹ chăm sóc em, không để em buồn”.
Theo Xa Lộ Pháp Luật