Đây là mảnh ghép kinh dị duy nhất ở đường đua phim rạp Tết Nhâm Dần. Nhà không bán gần như gói gọn câu chuyện trong một ngôi nhà cổ, thêm vài cảnh cánh đồng, đường làng, chợ quê miền Tây. Ngoài căn nhà ở huyện Bình Chánh, TP HCM được chọn làm bối cảnh chính, phim khai thác ngoại cảnh ở khu vực lân cận và một hầm bí mật được dàn dựng tại quận 6.
Bối cảnh, phục trang và đạo cụ đủ tái hiện bức tranh miền Tây năm 1998 và thập niên 1950 nhưng không cầu kỳ. Dẫn dắt câu chuyện phim là các gương mặt gạo cội gồm nghệ sĩ Minh Hoàng, NSND Kim Xuân, NSƯT Hạnh Thúy, nghệ sĩ Việt Hương và dàn diễn viên trẻ Hữu Tín, Khánh Uyên, Nam Em, Bạch Công Khanh... Các yếu tố này cho thấy phim không quá tốn kém về chi phí, là một dự án quy mô trung bình.
Do dịch, phim lùi quay từ giữa năm xuống cuối năm 2021, thời gian hậu kỳ eo hẹp. Với những hạn chế này, Nhà không bán ban đầu gây nghi ngờ cho nhiều người về chất lượng. Dù vậy, phim ra mắt khá trọn vẹn về hình ảnh, kịch bản và cảm xúc.
Năm 1998, bà Ngọc (NSND Kim Xuân) đưa cháu ngoại Betty (Khánh Uyên) từ nước ngoài về quê thăm em trai - ông Ngà (nghệ sĩ Minh Hoàng). Cô hàng xóm cũ ở Sài Gòn - Thúy Liễu (Việt Hương) - đi theo bà Ngọc. Thạch Dên (Hữu Tín), giúp việc của nhà ông Ngà, là người chăm sóc họ những người ở lại quê hương.
Vì con gái làm ăn thua lỗ, bà Ngọc đề nghị ông Ngà bán căn nhà của gia đình để bà có tiền lo chuyện gia đình. Nhưng việc bán nhà không thuận như họ tưởng bởi nhiều người e ngại lời đồn căn nhà có ma, vài người có gan đến xem nhà cũng bị những hiện tượng lạ làm cho sợ hãi.
Những chuyện quỷ dị nơi đây từng khiến bà Hạnh (NSƯT Hạnh Thúy), vợ ông Ngà, hóa điên, nay lại làm bà Ngọc, Betty và Thúy Liễu nhiều phen hoảng hồn. Những bí mật đáng bị chôn vùi của gia đình bà Ngọc, ông Ngà qua nửa thế kỷ dần bị đào lại.
Mặc dù đan xen song song tuyến truyện ở năm 1998 và những năm 1950, phim kể mạch lạc, không gây rối. Cách kể này cũng ngụ ý bóng đen quá khứ vẫn bao trùm cuộc sống hiện tại. Bộ phim làm đúng thể loại kinh dị, gây cảm giác rờn rợn cho khán giả trong rạp nhưng không khiến người ta ám ảnh khi về nhà.
Chất kinh dị trước hết được tạo ra từ căn nhà cổ xưa chất đầy đồ vàng mã, hình nhân thế mạng và có một cái thọ (hòm người chết); giếng nước bám đầy rong rêu; khu vườn rậm rì; đường làng vắng vẻ. Hơi tiếc một điểm là hình ảnh toàn cảnh ngôi nhà được giới thiệu quá muộn, ở phần cuối của phim. Không gian tăm tối, tình huống bạo hành, hình ảnh oan hồn và các cú cắt dựng jump scare cũng đạt hiệu quả hù dọa.
Đan xen yếu tố kinh dị là chất hài khá duyên dáng với lời thoại vần điệu, tình tiết chọc cười và những mảng miếng tung hứng ăn ý giữa hai "cây hài" Việt Hương - Hữu Tín. Tuy nhiên, loạt cảnh hài đôi lúc bị lạm dụng, lạc nhịp khỏi mạch truyện chính khiến phim dông dài.
Nhà không bán có một ý tưởng hay, không đơn thuần muốn dọa ma khán giả, còn khai thác chủ đề tâm thần phân liệt. Phim tôn vinh tình thân gia đình, vén màn những bất công xã hội của thời phong kiến như chênh lệch giai cấp, thiệt thòi phụ nữ, bạo lực gia đình.
Nhưng điểm trừ của phim là nhiều tình tiết còn vô lý, được xử lý chưa thỏa đáng. Với một người sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, thạo tiếng Việt đến đâu cũng khó tránh thói quen chen từ tiếng Anh giữa câu nói. Vậy mà nhân vật Betty nói sõi tiếng mẹ đẻ, lại biết nhiều từ khó, chỉ thêm tiếng Anh một lần duy nhất.
Cô thợ may Thúy (Văn Phượng) có nhiều chuyện cần che giấu, lại dính dáng tới bí mật của gia đình ông Ngà, nên việc cô này rủ Liễu cùng lên thị xã - một nơi nhiều người biết thân thế thật của cô - là điều khó tin. Cú twist (lật) cuối phim thiếu những cài cắm dẫn dắt nên đánh mất độ hấp dẫn.
Với kinh nghiệm dạn dày trong nghề diễn, các nghệ sĩ Minh Hoàng, Kim Xuân, Hạnh Thúy, Việt Hương nhập vai xuất sắc. Sau nhiều năm rời xa sân khấu và màn ảnh, nghệ sĩ Minh Hoàng "cân" cả bộ phim, gợi hai thứ cảm giác ghê rợn - thương cảm trong cùng một nhân dạng. Với đoạn cuối phim, ông làm việc hết công suất 28 tiếng liên tục, chịu đựng cảm giác nóng và ngộp thở ở căn hầm. Trở về nhà sau cảnh quay đó, ông phải nghỉ ngơi vài ngày mới lại sức.
Nghệ sĩ Kim Xuân vẫn đầy nhân hậu và ấm áp. Nghệ sĩ Hạnh Thúy một lần nữa hóa điên, làm xấu, làm bẩn mình để hoàn thành vai diễn. Việt Hương tiết chế chất hài lố, mang đến thiện cảm so với nhiều vai trước đây. Một ngôi sao khác của phim là Hữu Tín với phong cách diễn bình dân và thông minh. Ngoài diễn xuất, Việt Hương và Hữu Tín còn hòa giọng trong ca khúc nhạc phim.
Diễn xuất hạn chế nhất trong phim là Nam Em. Cô mang nét thanh lịch, dịu dàng của nhân vật nhưng biểu cảm cứng nhắc. Giọng lồng tiếng miền Bắc cho vai của Nam Em càng khiến nhân vật tệ hơn trên màn ảnh.
Được làm chỉn chu dù đôi chỗ còn "sạn", Nhà không bán là sản phẩm "nhỏ nhưng có võ" bên cạnh các phim lớn Chìa khóa trăm tỷ, Trạng Tí phiêu lưu ký, 1990 tại rạp Việt đầu xuân năm mới. Phim góp màu sắc riêng cho bữa tiệc phim Tết năm nay.
Phong Kiều