"Nơi trọ của em rộng 8 m2, không gian chỉ là con đường dẫn vào nhà chừng 70 cm", Nguyễn Văn Sơn, sinh viên K48 Đại học Khoa học Tự nhiên, nói. Ba tháng trước chủ nhà cho thuê với giá 250.000 đồng/tháng, cộng với khoảng 50.000 đồng tiền điện nước cho 3 người ở. Nay chủ nhà tăng lên 360.000 đồng/tháng. “Vì ít tiền nên chúng em phải ở nhà hạng thấp nhất rồi, nên giá không thể thấp hơn được nữa", Sơn nói.
Cá biệt hơn có những nơi chỉ có… 5,5 m2 dành cho hai người ở. Để có chỗ yên tĩnh và tập trung học một mình, Nguyễn Thu Lan, sinh viên năm thứ hai Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, đã tìm được một căn nhà rộng đúng 5,5 m2 với giá 140.000 đồng/tháng. Nhưng vừa rồi chủ nhà quyết định tăng lên 170.000 đồng/tháng. Thấy tiếc tiền, Lan đành rủ thêm một người bạn nữa về ở cho đỡ tốn kém. Chủ nhà lại ra điều kiện nếu ở 2 người thì giá là 220.000 đồng.
Nắm bắt được nhu cầu nhà ở của người ngoại tỉnh vào Hà Nội ngày càng cao, phần lớn các gia đình có đất rộng, đất chưa ở đều tranh thủ xây lên những ngôi nhà tạm cho thuê, hoặc có nhà chưa ở cũng cho thuê. Giữa Hà Nội, những dãy nhà cấp 4 rộng 8-10 m2 mọc lên san sát, hầu hết được xây gạch đơn với vôi cát và lợp bằng tấm phibroximăng một cách tạm bợ. Điển hình tại phường Định Công (quận Hoàng Mai), làng Phùng Khoang (Thanh Xuân) đều có khoảng 40% số hộ gia đình trong làng xây dựng nhà cấp 4 cho sinh viên thuê.
![]() |
Mọi sinh hoạt gói gọn trên chiếc giường. |
Nhà trọ nhiều nhất thuộc các quận xa trung tâm thành phố, nhất là ở các quận mới thành lập như: Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân… Tiếp đến những khu vực thuộc ngoại thành như Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì và thậm chí cả khu vực Hà Đông (Hà Tây) các chủ nhà cũng tranh thủ xây dựng các khu nhà tạm bợ cho thuê kiếm lời.
Ở trọ, nước sạch thiếu đã đành nhưng nước giếng khoan cũng không có. Trần Mạnh Hải, thuê nhà của bà Mai ở Hà Đông, than vãn: “Tụi em thuê nhà tập thể cấp 4, chủ nhà không ở nên không trang bị gì, chỉ cho mượn một thùng phuy để đựng nước xin hàng xóm, nhiều lần phải tắm gội chỉ với 1 xô nước. Thậm chí, nhiều lúc đi về muộn hàng xóm đã ngủ không xin được nước tắm đành ở bẩn đi ngủ”. Nhưng đáng ngại nhất là càng ở những khu nhà cấp 4, những khu ổ chuột thì tệ nạn xã hội càng nhiều: từ cờ bạc, trộm cắp, rồi đến cả hút chích.
Đại học Bách khoa Hà Nội được coi là một trong những trường có nhiều chỗ ở nhất cho sinh viên ở trọ. Tuy nhiên, 11 dãy nhà tập thể cũng chỉ tiếp nhận được khoảng 4.000 sinh viên trên tổng số gần 40.000 sinh viên của trường (khoảng 10%).
Tương tự, Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Khoa học Tự nhiên có 3 dãy ký túc xá tiếp nhận được khoảng 2.000 sinh viên, trong khi có tới 15.000 người có nhu cầu. Khá hơn cả là ký túc xá Đại học Sư phạm Hà Nội có thể tiếp nhận được khoảng 2.500/10.000 sinh viên của trường. Còn lại ở hầu hết các trường, tỷ lệ tiếp nhận sinh viên vào ký túc xá rất thấp, chưa đến 10%. Cá biệt có trường như Đại học Ngoại thương, Đại học Răng Hàm Mặt, sinh viên phải tự túc chỗ ở hoàn toàn.
Theo Bộ GD-ĐT, việc lo chỗ ở cho sinh viên không phải là trách nhiệm bắt buộc, nhưng Bộ cũng khuyến khích và hỗ trợ để các trường đại học xây dựng thêm ký túc xá cho sinh viên. Trong khoảng 50 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Hà Nội chỉ có Đại học Quốc gia đang có chủ trương chuyển về Hòa Lạc vào năm 2008. Với quy mô rộng 1.000 ha, tất cả các sinh viên đều được ở nội trú trong ký túc xá. Ông Lê Quý Đôn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, cho biết hiện nay quỹ đất của các trường đại học ở Hà Nội hầu như không còn. Trong khi đó, việc bố trí thêm đất xây dựng nhà ở cho sinh viên là rất khó khăn.
Ngoài khu làng sinh viên ở khu đô thị mới Trung Hòa, sau khi hoàn thành khu 1 đã tiếp nhận được khoảng 3.000 sinh viên, UBND thành phố Hà Nội đang chỉ đạo Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội nhanh chóng hoàn tất khu 2 vào năm 2006 để tiếp nhận thêm được 7.000 sinh viên nữa.
Theo Sài Gòn Giải Phóng, qua khảo sát thực tế, hầu như toàn bộ ký túc xá của các trường chỉ có 4 tầng. Và việc xây dựng các khu ký túc xá 7-9 và thậm chí 15 tầng như ở khu làng sinh viên Hà Nội có thể cũng là giải pháp giảm bớt áp lực nhà trọ cho sinh viên. Nhưng biết đến khi nào mới có thêm các khu ký túc xá cao tầng cho sinh viên ở Hà Nội.