Mé chếch chếch phía Tây của đầm Trị, đầm cá trứ danh đối với dân câu Hà Thành, một doi đất đỏ quạch nhô ra trong um tùm những cơ man nào là cây cỏ và bèo tây. Đấy là đại bản doanh của Hải Khâm Thiên, một tay câu quái kiệt và kỳ dị.
![]() |
Những đại gia có thể ngồi chờ con cá "gấu" từ ngày này sang ngày khác. |
Theo tìm hiểu của phóng viên An Ninh Thế Giới cuối tháng, Hải Khâm Thiên được người ta quan tâm đến bởi trên ''bảng điện'' (người lưu danh trong giới câu), ông là người duy nhất ròng được con trắm đen 35 cân từ đáy đầm Trị lên bờ. Ông này có cái nết là không bao giờ ngồi ở chỗ đông người, mà hễ cứ có ai ra ngồi dòm dòm đằng sau hoặc vác cần sang ngồi cạnh là lão ném cần xuống đất đi chơi luôn. Mà cái ổ câu của ông này thì cũng chả ai dại mà ngồi vào câu vì lão là loại chuyên ''đánh bắt xa bờ”. Cần của lão dài 7 m, mà từ đầu cần ra chỗ buông lưỡi thêm chừng 10 m nữa, riêng cái việc rê lưỡi, đo phao cho đúng ổ cũng đã là một kỳ công. Không những thế, còn phải tính đến cái chuyện khác thính. Cá to mà khác thính thì nó chạy biệt tăm biệt tích. Cái nắp thùng thính của Hải Khâm Thiên lúc nào cũng im ỉm và lạnh tanh như khuôn mặt của ông vậy, riêng cái chuyện vo thính để rải thì lúc nào cũng chỉ thò tay dưới nắp thùng mà viên, ai tò mò muốn học lỏm nghề thì cũng có trời mà biết công thức trộn thính ra sao.
Có ngồi nhìn Hải Khâm Thiên câu mới thấy sốt ruột vì lâu, vì điềm tĩnh, và cả vì tiếc... tiền. Giá ở đầm Trị khi mới khai trương là 120.000 đồng/giờ rồi 60.000 đồng/giờ và bây giờ là 30.000 đồng/giờ ngồi câu mà tằng tằng chiều nào ông này cũng “thiền'' độ 5 giờ, nắng cũng đội nón ngồi câu, mưa cũng mặc áo mưa ngồi câu, trời bão gió giật chớp ỳ oàng cũng ngồi câu, mặt cứ lạnh như tiền. Cứ đều đều như vắt chanh, cộng cả tiền bia nữa thì vị chi cứ mỗi một tháng cũng phải cúng cho ông chủ đầm tới 5 - 6 triệu. Mà đã chủ tâm săn ''gấu mẹ vĩ đại'' (tên gọi những loại cá to tối thiểu từ 7 kg trở lên) thì phải là người có lòng kiên nhẫn đến cực độ, có khi cả buổi phao không nháy phát nào tịnh không thấy một tiếng thở dài, cả tuần không giật cần 1 lần nhưng cứ thản nhiên như không. Riêng chuyện dọn ''ổ" cũng đã mất cả tháng cho cá quen thính, rồi chấp nhận ngồi ngó phao dập dòm bỏ qua loại cá nhí để chờ cho được cá "gấu" vào ăn thính tàn.
Nhắc đến đầm Trị cũng phải nói đến một “tay to" trong nghề câu nữa là Công. Tay câu này chưa đóng đinh vào bảng vàng bằng những con khủng long nước nhưng rất đều tay trong việc săn “gấu mẹ vĩ đại". Công đã lôi lên từ đáy đầm Trị khoảng hơn chục con trắm đen cỡ 12 - 13 cân, một kỷ lục mà cho đến nay cũng chưa ai lặp lại được. Ổ của lão này cũng nằm phía Tây đầm Trị, cách ổ của Hải Khâm Thiên cỡ 50 m, được đánh dấu một cách độc nhất vô nhị bằng một chiếc cầu nhô ra mặt đầm cỡ chục mét. Cũng gắn bó với đầm Trị từ những ngày đầu, số tiền đều đặn đóng cho ông chủ đầm của Công cũng tròm trèm với ông bạn câu trứ danh kia.
Ngoài hai đại gia mặc nhiên coi cái sự phóng tài hóa mà thu... niềm vui là chuyện tất yếu, giới “đánh bắt xa bờ'' tại các hồ câu còn điểm mặt một số nhân vật như Vinh cụt, Thu công an... Cách đây chừng hơn tháng, Thu công an đã liền một lúc lôi từ đáy đầm Trị lên 2 con trắm đen, 1 con nặng 21 cân, con kia nặng 27 cân. Hai con trắm ấy sau khi cân đã được trả ngay 3 triệu nhưng tay câu mặt tỉnh queo không thèm bán. Thu công an khét tiếng trong giới câu về độ ''quái'', ông này cứ thủng thẳng đánh rô-phi đầu cần vài hôm lại quay ra đánh xa bờ, biến hóa linh hoạt chẳng chuyên một thứ gì... Vinh cụt thì có lẽ là người cẩn trọng và thực dụng nhất trong đám ''đánh bắt xa bờ'', ông này cả tháng cứ lang bang ngắm nghía cho thỏa lòng, chỉ đến khi nào thời tiết cực đẹp và bảo đảm chắc thắng thì mới vác đồ nghề ra chiến đấu...
Chỉ tính riêng về khoản “nước hoa'', tức là thính, để nhử cá cũng phải dăm loại. Thính “thơm'' thì có cám con cò, bột đậu tương, gạo rang, bã bia, hoa hồi chuyên để đánh cá chép. Thính ''chua” thì có cám, gạo rang, thêm một chút mẻ chuyên để đánh mè, trôi. Thính “thối'' thì có cám, gạo rang, mắm thóc ngâm, ốc ngâm, lòng già bò để thối chuyên đánh trắm và trê.
Trên lý thuyết công thức là chừng nấy thứ, nhưng tỉ lệ gia giảm là bao nhiêu tùy độ mát tay của mỗi người, tùy cả vào bề dày kinh nghiệm về độ nhạy thính của cá ở mỗi hồ. Người cầu kỳ và thường xuyên câu thì mua đồ về tự ngâm, tự pha chế, tự cho thêm những thứ chỉ có trời mà biết được. Người không có nhiều thời gian thì đi mua thính “thửa". Ở Hà Nội hiện nay có mấy đại gia như Cường Phó Đức Chính, bà Gái Cửa Nam, Xuân Hàng Giấy... chuyên cung cấp thính cho giới câu, chủ yếu là cho những người mới tập câu hay công việc quá bận bịu.
Mà cũng phải thừa nhận nhà nào có ông đam mê nghiệp câu thì phải gắn huy chương cho tất thảy những thành viên khác trong gia đình. Hệ thống dằng dặc những thùng, những chậu giăng giăng như mắc cửa, cái thì ngâm thóc chua loét, cái thì đựng ốc ngâm thối khẳm, lòng già bò để thối đến lộn ruột... quện vào nhau tỏa ra cơ man là những tổ hợp mùi kỳ quái. Cái thứ mùi ấy, cá thì sẽ thích nhưng đối với người sẽ là một ấn tượng kinh hoàng. Chỉ có dân câu mới đủ can đảm và đủ đam mê để hầu như ngày nào cũng tỉ mẩn ngồi chế tác ra thử ''nước hoa” kỳ dị ấy!
Đối với dân câu tính giờ, ''đồ trang sức'' phải xịn đến mức tối đa có thể. Thông thường, để ra hồ mà không phải xấu hổ, bộ đồ nghề câu tối thiểu gồm có: 1 chiếc cần Fine, Tica hoặc Lucky, giá tròm trèm trên dưới 1 triệu; 1 chiếc máy ''rùa'' hoặc Okuma tầm trên dưới 300.000 đồng; khoảng 100 m cước carbon, một chiếc vợt cá, túi cần, hộp đựng lưỡi và phao, ghế câu, túi đựng cá, đá mài lưỡi... tổng cộng khoảng 300.000 đồng. Đấy là phần bắt buộc, còn phần chuyên sâu sẽ bao gồm khoảng 4 bộ lưỡi lục, 4 phao.
Riêng chừng nấy lưỡi ngon và phao ngon cũng đã mất khoảng 200.000 đồng. Đối với những tay câu chuyên săn ''gấu mẹ vĩ đại'', họ không dùng cước thông thường mà dùng dù lõi carbon làm dây câu cho chắc ăn. Chừng trăm mét dù độ hơn trăm ngàn đồng, nhưng nếu qua một lần ròng cá mà con cá ấy chạy điên cuồng khiến cho dù bị xước thì ngay lập tức buộc phải thay mới... Nói tóm lại là trăm ngàn thứ chi phí. Cái này một tí, cái kia một tí, tổng hợp lại rồi thành chuyện câu hồ không đơn giản là một thú chơi cho những ai còn phải cấn cá về dăm ba thứ bạc tiền!
Từ độ đầm Sao Mai khai trương, cơ man nào là những tay câu đầu cần đã dời sang đó, bỏ lại đầm Trị thủy chung với ít ỏi những tay săn cá ''gấu'' miệt mài và nhẫn nại. Sự đam mê của họ đã được đánh giá bằng sự kính phục của dân câu, sự niềm nở của các ông chủ hồ, và tất nhiên là cả những cái lắc đầu quầy quậy của dân ngoại đạo không hiểu vì sao lại đi ném mình vào cái thú điên khùng mất thời gian ấy.