Theo truyền thông địa phương, toà cao ốc trung tâm thương mại và văn phòng SEG Plaza ở thành phố Thâm Quyến bắt đầu rung lắc vào khoảng 13h chiều 18/5, gây ra rối loạn nghiêm trọng khi hàng dài người tìm đường chạy thoát thân.
Video của một nhân chứng đăng trên Weibo cho thấy toà nhà chọc trời đung đưa liên tục. Ji Jialin, một người đang ở trên tầng 14 vào lúc toà nhà rung lắc, cho biết cô được kêu gọi sơ tán vào giờ nghỉ trưa. Jialin nói với SCMP: "Có vẻ như rung lắc không mạnh lắm ở tầng 14. Tất cả chúng tôi đều thoát ra ngoài bằng cầu thang bộ".
Tới 14h40, toà nhà 79 tầng đã bị phong toả. Giao thông xung quanh tắc nghẽn trong nhiều giờ đồng hồ và chỉ bắt đầu rục rịch di chuyển được từ sau 18h.
Các nhà chức trách cho biết không có trận động đất nào được ghi nhận vào thời điểm trên. Ngoài ra, báo cáo thời tiết địa phương cho thấy tốc độ gió vào chiều 18/5 lả 27mph - sức gió không thể nào khiến toà nhà đung đưa. Vì vậy, cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc đang điều tra nguyên nhân gây ra vụ rung chuyển kỳ lạ này.
Một giả thuyết được chia sẻ bởi ông Lu Jianxin, kỹ sư trưởng của Tập đoàn Khoa học và Công nghiệp Xây dựng Trung Quốc, cho rằng hiện tượng hiếm gặp trên là do cộng hưởng cơ học - xảy ra khi dao động tự nhiên của một cấu trúc được kết hợp với ngoại lực.
Jianxin nói với tờ Shenzhen Special Zone Daily: "Nếu không bởi động đất thì đúng là vụ SEG Plaza ngày hôm nay xảy ra tình trạng như vậy là bất thường. Đánh giá từ những thông tin hiện có, tôi cho rằng đây có thể là một trùng hợp ngẫu nhiên về tần số, tức là có sự cộng hưởng".
Hiện chưa rõ các nhà chức trách sẽ xử lý như thế nào đối với toà nhà này. Khả năng gây ra nguy hiểm của nó sẽ cực lớn bởi nó nằm giữa thành phố hơn 12 triệu dân.
SEG Plaza được khánh thành vào năm 2000 và là nơi toạ lạc của một chợ điện tử khổng lồ cùng nhiều văn phòng khác nhau nằm ở trung tâm của một trong những thành phố phát triển nhanh nhất Trung Quốc. Đây là toà tháp cao thứ 18 ở Thâm Quyến với độ cao 300 m. Nó được đặt theo tên của Shenzhen Electronics Group (Tập đoàn Điện tử Thâm Quyến) - tập đoàn có văn phòng đặt tại toà nhà.
Nhiều gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, trong đó có Tencent và Huawei, cũng đã chọn thành phố này để đặt trụ sở chính. Ngoài ra, Thâm Quyến cũng là nơi có toà nhà cao thứ tư thế giới - Trung tâm tài chính Ping An cao 600 m.
Mặc dù phát triển như vũ bão với hàng loạt các toà nhà chọc trời mọc lên nhưng các vụ sập nhà cũng không phải là hiếm ở Trung Quốc, nơi được đánh giá là có các tiêu chuẩn xây dựng lỏng lẻo và tốc độ đô thị hóa chóng mặt dẫn đến các công trình được xây dựng vội vàng.
Tháng 5 năm ngoái, một khách sạn 5 tầng dùng để cách ly ở thành phố Tuyền Châu đã bị sập do xây dựng kém chất lượng, khiến 29 người thiệt mạng.
Trước đó, trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên năm 2008 khiến hơn 69.000 người chết từng gây ra một cuộc tranh cãi gay gắt về việc các trường học ở đây bị xây dựng với chất lượng kém. Các toà nhà này được mệnh danh là "nhà đậu phụ" - đã bị sập trong thảm hoạ và giết chết hàng nghìn học sinh.
Tùng Anh (Theo China Daily)