Chiến tranh vì bữa điểm tâm
Ở thị trấn ngoại ô thành phố Mexico có một quán điểm tâm của một người Pháp. Năm 1838, mấy sĩ quan người Mexico đến ăn điểm tâm nhưng lại không trả tiền. Khi chủ quán phản đối, họ liền đập phá tiệm.
Tin đồn đến tai vua Pháp Louis Féric, nhà vua vô cùng phẫn nộ, triệu tập một cuộc họp với chính phủ Mexico, đòi phía Mexico phải bồi thường 60 vạn peso. Chính phủ Mexico không chấp nhận vì thiệt hại của tiệm chẳng qua chỉ ở mức vài trăm peso là cùng.
Tháng 2/1839, chiến thuyền Pháp tiến vào vịnh Mexico, phong tỏa cảng chính yếu của nước này và tuyên chiến với Mexico. Hai bên giao chiến trên biển, phía Mexico bị thiệt hại nặng nề. Nước Anh đứng ra làm trung gian hòa giải, chính phủ Mexico đành chấp thuận bồi thường 60 vạn peso. Nhưng phía Pháp yêu cầu bồi thường thêm 20 vạn peso tiền chi phí cho chiến tranh. Nước Anh ra sức hòa giải, thuyết phục Pháp rút chiến hạm khỏi lãnh hải Mexico. Mexico bồi thường theo mức cũ 60 vạn peso.
Cuộc chiến kết thúc. Trong lịch sử, cuộc chiến này được gọi là “chiến tranh bán điểm tâm”.
Cuộc chiến vì những quả quýt
Theo Công An TP HCM, năm 1800, hoàng đế Pháp Napoléon yêu cầu Bồ Đào Nha nhượng đất cho Pháp nhưng bị cự tuyệt. Năm 1801, quân Pháp tiến vào Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha nhân cơ hội cũng nhảy vào cuộc chiến. Quân Pháp, Tây Ban Nha ngày càng thắng thế.
Trong một trận đánh, nguyên soái người Tây Ban Nha là Gotoi đã chiếm được vùng đất Aorionch của Bồ Đào Nha. Đây là vùng trồng quýt có tiếng của châu Âu. Nguyên soái dâng quýt lên nữ hoàng Tây Ban Nha, đồng thời thể hiện quyết tâm chiếm thủ đô Bồ Đào Nha. Nữ hoàng nếm thử, rất hài lòng, lệnh cho nguyên soái bằng mọi giá phải giữ được vùng Aorionch để hàng năm có quýt ăn.
Cuộc chiến tranh mà giai đoạn sau gắn với mục đích tranh giành vùng đặc sản quýt làm rung chuyển cung đình Bồ Đào Nha. Tháng 5/1801, Bồ Đào Nha buộc phải ký hòa ước với Pháp và Tây Ban Nha, cắt nhượng vùng đặc sản quýt Aorionch cho Tây Ban Nha, nhượng đất thuộc địa ở châu Mỹ cho Pháp để Pháp được hưởng đặc quyền buôn bán với Bồ Đào Nha. Bồ Đào Nha không được cho tàu thuyền của Anh vào cảng và chịu trách nhiệm bồi thường chi phí chiến tranh.
Cuộc chiến vì quặng
Cuộc chiến tranh kéo dài 5 năm nhằm tranh giành nguồn quặng nitrat kali giữa 3 nước Chilê, Bolivia, Pêru là một cuộc chiến ác liệt, còn gọi là cuộc chiến tranh Thái Bình Dương. Sa mạc Atakama ở Nam Mỹ bên bờ Thái Bình Dương là nơi có nguồn quặng kali phong phú. Ba nước này trước đây chưa vạch định ranh giới rõ ràng trên sa mạc. Thực tế, sa mạc do Bolivia quản lý. Giữa thế kỷ XIX, Chilê vào sa mạc khai thác quặng và nộp thuế cho Bolivia. Bolivia và Pêru sợ Chilê độc quyền sa mạc nên năm 1873, hai nước liên minh để đối phó với Chilê.
Năm 1878, Bolivia đơn phương nâng cao mức thuế khai thác quặng, phao tin tịch thu tài sản của công ty khai thác quặng của Chilê. Ngày 14/2/1879, Chilê không tuyên chiến, chiếm luôn cảng Antaofatax. Bolivia và Pêru liên minh tuyên chiến với Chilê, nhưng liên quân liên tiếp bại trận. Chilê nhanh chóng khống chế toàn bộ vùng duyên hải của Bolivia để đánh chiếm Pêru. Tháng 5, qua hai trận đánh trên biển, hải quân Pêru gần như bị tiêu diệt hết. Chilê khống chế toàn bộ lãnh hải của Pêru, mấy tháng sau chiếm lĩnh thủ đô Lima.
Sau 3 năm chống cự, phía Pêru cuối cùng cầu hòa, năm 1883 ký hiệp ước cắt nhượng tỉnh Talapoca cho Chilê. Bolivia cũng phải ký hiệp ước đình chiến, nhượng toàn bộ vùng duyên hải cho Chilê. Từ đó, Bolivia trở thành nước lục địa. Năm 1904, Bolivia - Chilê lại ký điều ước, trong đó công nhận sa mạc Atakama vĩnh viễn thuộc quyền sở hữu của Chilê. Chilê cho phép Bolivia xây một con đường sắt thông ra biển để giao dịch buôn bán.
Cuộc chiến tranh vì bóng đá
Hai nước Salvador và Honduras là láng giềng, biên giới chưa rõ ràng nên có lúc xảy ra tranh chấp là chuyện không tránh khỏi. Tháng 7/1969, tại thủ đô Honduras, đội bóng hai nước có cuộc thi đấu tranh giải cúp bóng đá thế giới. Tại sân vận động, người đông như kiến, cổ động viên Salvador vượt biên giới vào xem, lại thêm kiều dân Salvador tiếp sức, đội khách ra quân rất khả quan. Người Honduras vẫn chiếm lợi thế, tiếp tục hò reo áp đảo đội khách.
Khán giả mỗi bên đều cổ vũ cho đội của mình, lúc đầu chỉ là khẩu chiến, sau chuyển sang dùng nắm đấm và cuối cùng là vũ khí. Cả sân bóng hỗn loạn. Chịu thiệt đương nhiên là người Salvador vì lực lượng ít hơn. Ngay hôm đó, chính phủ Salvador tuyên bố cả nước ở trong tình trạng khẩn cấp; với danh nghĩa bảo vệ kiều dân, quân đội Salvador tiến quân vào Honduras.
Trong vòng 100 giờ đồng hồ, hai bên giao chiến ở vùng biên giới kéo dài 60km, làm chết hơn 2.000 người. Cuộc chiến tranh “bóng đá” độc nhất vô nhị này kéo dài 4 ngày thì kết thúc, nhưng từ đó hai nước cắt đứt quan hệ. Tình trạng đó kéo dài 11 năm, mãi đến năm 1980, hai nước ký hòa ước kết thúc chiến tranh.
Chiến tranh vì lợn
Cuộc chiến tranh vì những con lợn là một sự kiện nổi tiếng châu Âu. Vương quốc Sarovia ở bán đảo Balkan nuôi rất nhiều lợn, là nơi cung cấp thịt lợn cho đế quốc Áo - Hung (nay thuộc khu vực các nước Hungary, Slovakia).
Năm 1903, để chấn hưng đất nước, nhà vua Sarovia muốn thoát khỏi sự phụ thuộc về kinh tế vào đế quốc Áo - Hung, thiết lập mối bang giao mới, vì vậy không tiếp tục ký hiệp ước cung cấp thịt lợn cho đế quốc Áo - Hung mà bán thịt lợn cho nước khác.
Năm 1904, Sarovia xuất khẩu lượng lớn thịt lợn sang Pháp để đổi lấy tàu hỏa. Năm 1905, Sarovia ký hiệp ước với Bungary, hai bên trở thành đối tác chặt chẽ của nhau. Đế quốc Áo - Hung tức giận nên ngày 1/3/1906 phong tỏa biên giới Áo - Sarovia, bài binh bố trận bắt đầu cuộc chiến tranh với Sarovia. Sarovia cũng không kém, quyết tâm đánh bại cuộc chiến tranh do Áo - Hung gây ra. Họ đã vay một khoản tiền lớn của Pháp, mở các nhà máy giết mổ và sản xuất thịt hộp, xuất khẩu một số lượng lớn sản phẩm thịt lợn. Thị trường ngày càng mở rộng, ngành chế biến thịt lợn ngày càng phát triển.
Đế quốc Áo - Hung không thu được gì từ cuộc chiến này, ngược lại làm cho Sarovia trở nên phồn thịnh. Năm 1909, họ đành phải bãi bỏ lệnh phong tỏa, kết thúc cuộc chiến tranh vì những con lợn kéo dài 3 năm. Sarovia cũng khôi phục việc xuất khẩu lợn sống sang Áo để bày tỏ thiện chí.