Liên quan hành vi của Nguyễn Lâm Thái, Nguyễn Văn Tiến (giám đốc Công ty Sao Bắc, thuộc tập đoàn CIF) cũng bị thay đổi tội danh từ làm giả giấy tờ có giá sang trốn thuế.
Cơ quan công an xác định, từ năm 1999 đến 5/2005, kẻ có nhiều tiền án, tiền sự Nguyễn Lâm Thái đã lập và trực tiếp điều hành 8 công ty TNHH, tạo thành tập đoàn CIF, để mua bán hóa đơn giá trị gia tăng. Thái còn làm giả một số văn bản của Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính, bằng sáng chế độc quyền của Cục Sở hữu trí tuệ... để tạo lòng tin và tạo cớ để 38 bưu điện thình thành ký hợp đồng mua vật tư, thiết bị của CIF với giá gấp nhiều lần thực tế. Ngày 16/11/2005, Nguyễn Lâm Thái bị bắt về tội tàng trữ, vận chuyển và lưu hành séc giả, các giấy tờ có giá giả.
Đặc biêt, trong vụ này, hầu hết lãnh đạo của 38 bưu điện trên đều có dấu hiệu của hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Việc ký hợp đồng với Nguyễn Lâm THái đã gây thiệt hại trên 45 tỷ đồng. Bưu điện ký mua nhiều nhất là An Giang với trên 13 tỷ đồng, thấp nhất là Bắc Kạn 30 triệu đồng.
Trong lời khai mới nhất, Thái tiết lộ để những việc trên trót lọt đã đưa tiền cho giám đốc, phó giám đốc, trưởng và phó phòng của 9 bưu điện các tỉnh, thành, tổng cộng hơn 1 tỷ đồng.
Hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố bị can 34 người liên quan. Trong đó, 21 trường hợp là cán bộ bưu điện tại 6 bưu điện (có giám đốc bưu điện tỉnh Đồng Nai, Long An, Thừa Thiên - Huế); 2 người thuộc Trung tâm thẩm định giá Bộ Tài chính; cùng 10 giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng ở 8 công ty do Thái lập ra.
K.N.