Trong Bộ luật Dân sự năm 2005, có hiệu lực từ 1/7/2006, khoản 1 Điều 476 quy định, lãi suất vay trong các hợp đồng vay tài sản, bao gồm cả các hợp đồng tín dụng, do các bên thỏa thuận, nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố với loại cho vay tương ứng.
Theo ông Lê Đắc Sơn, Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoài quốc doanh (VP Bank), quy định trên nếu áp dụng trong các giao dịch bên ngoài ngân hàng có thể góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi trong xã hội, song nếu áp dụng với lĩnh vực ngân hàng sẽ nảy sinh nhiều bất cập.
Trên thực tế, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại được hình thành trên cơ sở thoả thuận với khách hàng, cộng với chi phí và tỷ lệ rủi ro. Áp tỷ lệ nhất định như Bộ luật Dân sự vô hình chung tạo ra một kiểu lãi suất trần, khống chế đầu ra của các nhà băng, ngược với chủ trương tự do hoá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước thực hiện. Kể từ tháng 6/2002, Việt Nam bắt đầu triển khai cơ chế lãi suất thoả thuận, cho phép tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận lãi suất trên cơ sở cung cầu của thị trường.
Chia sẻ quan điểm này, Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (VCB) Vũ Viết Ngoạn cho biết, VCB đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm hướng dẫn cụ thể nhằm gỡ vướng cho các ngân hàng thương mại. "Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất hình thành trên cơ sở cung cầu và cạnh tranh tự do. Quy định như vậy quá gò bó, có thể gây xung đột về mặt lãi suất", ông nói.
|
Ngân hàng lúng túng trước quy định mới về lãi suất. |
Ngân hàng gặp khó trước toà
Lãi suất cơ bản được Ngân hàng Nhà nước công bố hằng tháng, hiện giữ mức 8,25%/năm. Nếu chiếu theo quy định mới trong Bộ luật Dân sự, những trường hợp cho vay với lãi suất trên 12,375%/năm sẽ gặp rắc rối trước pháp luật. Khi tranh chấp xảy ra, các tổ chức tín dụng có thể không thu được tiền lãi từ hợp đồng tín dụng có mức lãi suất cho vay vượt quy định và thoả thuận cho vay có thể bị vô hiệu hoá.
Đây cũng là điều mà các ngân hàng lo nhất. Tổng giám đốc VP Bank Lê Đắc Sơn tâm sự ngay khi có quy định trên, ngân hàng đã phải rà soát lại
toàn bộ hồ sơ tín dụng để lường trước những nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra.Lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại, nhất là khối cổ phần, đang ngấp nghé mức 12-13%/năm, cá biệt có trường hợp lên tới 14%/năm.
Mặt khác, trong các hợp đồng tín dụng, ngân hàng và khách hàng thường thoả thuận một mức phạt nhất định nếu chậm trả lãi và gốc, tối đa có thể lên tới 150% lãi suất cho vay. Song quy định về lãi suất cho vay trong Bộ luật Dân sự không nêu rõ đã bao gồm lãi suất phạt hay chưa. Ông Vũ Viết Ngoạn cho biết lãi suất cho vay cao nhất ở VCB chỉ vào khoảng 10%/năm, nhưng nếu tính cả các trường hợp phạt, đều vượt quá quy định của Bộ luật.
Hiện mỗi ngân hàng đều có hàng chục sản phẩm tín dụng khác nhau, với các kỳ hạn ngắn, trung và dài. Bộ luật Dân sự thì quy định lãi suất cho vay không được cao hơn 150% so với lãi suất cơ bản của loại vay tương ứng. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ có duy nhất một loại lãi suất cơ bản và chỉ là mức lãi suất gợi ý cho vay tốt nhất, chứ không áp dụng cụ thể cho loại hình vay nào.
"Sự không rõ ràng về mặt pháp lý gây khó cho các ngân hàng thương mại. Không đặt vấn đề ai sai ai đúng khi đưa ra quy định như vậy, chỉ cần các bên ngồi lại với nhau để tìm cách gỡ vướng, nếu không hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại có nguy cơ rối loạn, hàng triệu hợp đồng tín dụng có nguy cơ vô hiệu hoá. Hơn nữa, nó không khuyến khích ngân hàng phát triển dịch vụ mới, đặc biệt ở những mảng có tỷ lệ rủi ro cao", ông Lê Đắc Sơn lo ngại.
Khó cũng phải sửa
Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) Nguyễn Ngọc Bảo nhận xét quy định tại Điều 476 kể trên không phù hợp với chủ trương tự do hoá lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đang phấn đấu thực hiện và có thể vi phạm cơ chế lãi suất thoả thuận mà Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thực hiện từ tháng 6/2002 đến nay.
Theo ông Bảo, khi tham gia góp ý xây dựng luật, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị với các cơ quan chức năng không nên có những quy định mang tính hành chính áp đặt với lãi suất. Ông cho biết thêm Ngân hàng Nhà nước vừa gửi văn bản xin ý kiến các bộ ngành liên quan và chuẩn bị trình Chính phủ về vấn đề này, nhằm xử lý nhanh, tránh những vướng mắc cho hoạt động tín dụng.
Các chuyên gia pháp lý về ngân hàng cho rằng
về lâu dài, nên sửa đổi Điều 476 theo hướng không áp dụng với hoạt động tín dụng ngân hàng. Trong thời gian chưa thể sửa luật, Ngân hàng Nhà nước có thể cân nhắc đưa lãi suất cơ bản gần hơn với mức lãi suất cho vay bình quân trên thị trường tín dụng ngân hàng."Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có thể tăng lãi suất cơ bản để gỡ khó cho các ngân hàng thương mại. Song đó chỉ là biện pháp ngắn hạn và có nguy cơ tác động dây chuyền đối với việc xác định lãi suất kinh doanh của các tổ chức tín dụng", ông Lê Đắc Sơn bình luận.
Dự kiến trong ngày 17/10, Bộ Tư pháp sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành liên quan để tìm ra giải pháp cho vấn đề trên.
(Theo VnExpress)