Các bố mẹ luôn được khuyến khích đưa con ra ngoài chơi, đặc biệt là vào mùa hè. Vui chơi ngoài trời tạo cơ hội để các bé được hít thở không khí trong lành, có lợi cho sức khỏe. Tuy vậy, một trong những mối nguy hiểm thường xảy ra với trẻ khi hoạt động dưới trời nóng mà nhiều cha mẹ chưa quan tâm đúng mức, đó là: Say nắng.
Dưới đây là những thông tin được Popsugar khuyến cáo mọi cha mẹ cần biết về dấu hiệu cảnh báo và cách phòng ngừa hiện tượng trên.
Say nắng là gì?
Say nắng, hay kiệt sức vì nóng, là tình trạng nguy hiểm đến tính mạng xảy ra khi cơ thể nóng lên và khả năng hạ nhiệt tự nhiên bị suy giảm. Trẻ em và trẻ sơ sinh là đối tượng đặc biệt dễ bị say nắng, nhất là khi chúng mặc quần áo gây nóng bức hoặc ở dưới trời nắng trong một thời gian dài (hay bị bỏ lại trong xe hơi đang đỗ).
Làm cách nào để biết trẻ bị say nắng?
Mặc dù bố mẹ có thể dễ dàng nhận thấy trẻ bị mệt mỏi sau một ngày dài chơi đùa ngoài trời nhưng những dấu hiệu bổ sung cảnh báo điều nguy hiểm hơn. Bố mẹ cần ghi nhớ:
- Các triệu chứng bình thường khi trẻ ở dưới nắng:
Mồ hôi nhiều, mặt đỏ nhưng con vẫn có vẻ mặt vui vẻ, hạnh phúc
Nhịp tim nhanh, thở khó
Khát nước
Cảm thấy nóng bức khi bị chạm vào
Đau xóc hông hoặc chuột rút
- Các triệu chứng bị say nắng cần xem xét:
Nhiệt độ cơ thể từ 39 độ C trở lên
Cảm thấy lạnh mặc dù đang bị sốt
Da nóng, đỏ/hồng, khô
Mạch đập nhanh
Bồn chồn hoặc khó chịu
Trạng thái nhận thức lơ mơ
Chóng mặt hoặc nhức đầu
Nôn
Nhịp thở nhanh, nông
Trạng thái hôn mê
Điều trị say nắng như thế nào?
Khi trẻ bị say nắng, điều quan trọng cần thực hiện là nhanh chóng làm mát cho bé trước khi chúng có thể bị mất ý thức. Nếu bạn vẫn ở ngoài trời, hãy đưa con vào bóng râm nhưng cố gắng hết sức để đến một căn phòng mát mẻ.
Nếu trẻ có nhiều dấu hiệu say nắng như trên, hãy gọi xe cấp cứu, bác sĩ hoặc đưa chúng đến bệnh viện và giúp con giữ bình tĩnh. Cho trẻ mặc đồ rộng, thoáng mát, tắm nước mát hoặc lau mát người liên tục. Bố mẹ lưu ý không cho trẻ uống nước trừ khi chúng tỉnh táo và hoạt động bình thường.
Ngăn ngừa say nắng như thế nào?
Giữ cho trẻ không bị mất nước và mặt quần áo rộng, nhẹ, thoáng mát suốt mùa hè, đặc biệt khi hoạt động ngoài trời. Bố mẹ không nên cho bé chơi đùa dưới trời nắng trong một khoảng thời gian dài và nghỉ ngơi trong bóng râm. Thời gian cao điểm từ 10h sáng đến 16h chiều, trẻ không nên hoạt động ngoài trời.