
Các đội cứu hộ đang nỗ lực sơ tán cư dân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Mandalay, Myanmar. Ảnh: AFP
Trận động đất mạnh 7,7 độ hôm 28/3, một trong những trận động đất mạnh nhất một thế kỷ qua ở Myanmar, đã làm rung chuyển khu vực sinh sống của 28 triệu người, khiến các tòa nhà đổ sập, san phẳng nhiều cộng đồng và khiến hàng loạt người không có thức ăn, nước uống, nơi ở.
Đại sứ quán Myanmar tại Nhật Bản cho biết trên Facebook, tính đến 3/4, số người chết đã lên tới 3.003 người, 4.515 người bị thương và 351 người mất tích, trong khi lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm thêm người bị nạn.
Cơ quan này cho biết thêm đã có 53 chuyến hàng cứu trợ được vận chuyển bằng đường hàng không đến Myanmar, trong khi hơn 1.900 nhân viên cứu hộ đến từ 15 quốc gia, bao gồm các nước láng giềng Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Người dân xếp hàng chờ nhận thực phẩm và đồ cứu trợ sau trận động đất mạnh gần tâm chấn ở Sagaing, Myanmar, ngày 3/4. Ảnh: Reuters
Tuy nhiên, tình hình có thể trở nên khó khăn hơn đối với nỗ lực cứu trợ. Cơ quan khí tượng vừa cảnh báo mưa trái mùa từ 6/4 đến 11/4 có thể đe dọa các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất, chẳng hạn như Mandalay, Sagaing và thủ đô Naypyidaw.
Một nhân viên cứu trợ ở Myanmar nói với Reuters: "Mưa đang đến và vẫn còn rất nhiều người bị chôn vùi. Đặc biệt ở Mandalay, nếu trời bắt đầu mưa, những người bị chôn vùi sẽ chết đuối ngay cả khi họ sống sót cho đến thời điểm này".

Lực lượng cứu hộ của Trung Quốc và Belarus phối hợp tại hiện trường một tòa nhà bị sập ở Mandalay, ngày 2/4. Ảnh: AFP
Ngoài ra, theo các tổ chức nhân quyền, những tòa nhà có kết cấu yếu ở nước này vẫn đang tiếp tục bị sụp đổ do dư chấn sau động đất. Điều này tạo ra tình thế nguy hiểm cho lực lượng cứu hộ khi họ cố gắng giải cứu những người sống sót khỏi đống đổ nát.
Michael Dunford, giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới tại Myanmar (WFP), cho biết dư chấn còn gây thêm thương vong. Nhiều người dân vẫn phải ngủ ngoài trời, trên đường phố hoặc trong công viên vì quá sợ hãi không dám quay trở về nhà, cản trở nỗ lực tiếp cận và hỗ trợ của WFP.
Số người chết nhiều, lò hỏa táng quá tải, thiếu nhân lực thu gom, xử lý xác chết cũng đang biến Myanmar thành nghĩa địa khổng lồ. Mùi tử thi bốc lên nồng nặc khắp đường phố khiến cuộc sống của những người sống sót càng thêm khó khăn và tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh do không đảm bảo vệ sinh.

Thi thể một nạn nhân tại tòa tu viện Phật giáo U Hla Thein bị sập do động đất được đội cứu hộ đưa ra ngoài. Ảnh: AP
Tất cả những điều trên làm gia tăng thách thức cho các nhóm cứu trợ và cứu hộ. Họ đã kêu gọi được tiếp cận tất cả các khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, bất chấp xung đột nội chiến. Bốn năm nội chiến trước đó đã khiến hàng triệu người không có nơi ở an toàn, cơ sở hạ tầng y tế và thông tin liên lạc bị tàn phá nặng nề.
Ngày 3/4, đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV cho biết lệnh ngừng bắn đơn phương của chính phủ sẽ có hiệu lực ngay lập tức trong 20 ngày để hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ sau trận động đất, nhưng cảnh báo chính quyền sẽ "phản ứng tương ứng" nếu quân nổi dậy phát động tấn công. Động thái này diễn ra sau khi một liên minh phiến quân lớn tuyên bố ngừng bắn vào 1/4 để hỗ trợ nỗ lực nhân đạo.

Toàn cảnh hiện trường công trình tòa cao ốc bị sập sau động đất ở Bangkok. Ảnh: Reuters
Gần một tuần sau trận động đất, lực lượng cứu hộ ở Thái Lan cũng đang tìm kiếm những người sống sót tại hiện trường công trình tòa cao ốc bị sập. Lực lượng cứu hộ đang sử dụng máy đào cơ khí và máy ủi để phá vỡ 100 tấn bê tông nhằm xác định vị trí của bất kỳ người sống sót nào sau thảm họa khiến 15 người thiệt mạng, 72 người vẫn mất tích.
Số người chết trên toàn quốc của Thái Lan do động đất hiện là 22 người.
Tùng Anh (Theo CNA, CNN, Bangkok Post)