Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ lại có cách đón chào năm mới khác nhau. Bắn pháo hoa là hình thức phổ biến ở hầu khắp châu lục, từ châu Á, châu Âu sang châu Mỹ, châu Phi hay Australia. Người dân khắp nơi trên thế giới đều chờ đón khoảnh khắc 0h khi những chùm pháo rực rỡ, đủ hình dáng, màu sắc bắn lên bầu trời.
Nhiều nhà sử học cho rằng những quả pháo hoa sơ khai được người Trung Quốc phát minh vào khoảng thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, xuất phát từ việc ném những thân cây tre vào đống lửa, phát ra tiếng nổ nhỏ. Đến thế kỷ thứ 7, quả pháo hoa hoàn thiện đầu tiên được tạo thành bởi kali nitrat, lưu huỳnh và than, đổ vào trong ống tre. Pháo hoa được sử dụng trong các buổi sinh hoạt văn hóa tập thể, lễ hội của người Trung Hoa nói riêng và người phương Đông nói chung. Ngày nay, bắn pháo hoa đêm Giao thừa trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong khoảnh khắc chuyển giao.
Người ta tin rằng ánh sáng và tiếng nổ của pháo hoa có thể xua đuổi tà ma và những điều xui xẻo năm cũ. Những quả pháo tỏa sáng, bung tỏa ra không trung còn tượng trưng cho may mắn, bình an được lan tỏa. Những ai thấy quả pháo đầu tiên được bắn lên trời sẽ gặp may mắn trong năm mới. Pháo nổ càng to, chùm pháo càng lan rộng thì năm mới càng thuận lợi, hanh thông.
Pháo hoa ở các nước phương Tây được cho là du nhập từ Trung Quốc vào khoảng thế kỷ 13-15, được sử dụng rộng rãi cho các lễ hội tôn giáo, giải trí công cộng. Những nhà cai trị ở châu Âu thích dùng pháo hoa để "mê hoặc thần dân" và chiếu sáng lâu đài của họ vào những ngày trọng đại. Người Italy là những người châu Âu đầu tiên chế tạo pháo hoa.
Pháo hoa theo những người di cư đầu tiên từ châu Âu sang Mỹ. Theo Americanpyro, vào thế kỷ 18, các chính trị gia cũng sử dụng pháo hoa thu hút đám đông tới buổi phát biểu của họ. Pháo hoa cũng xuất hiện trong ngày Quốc khánh Mỹ. Từ năm 1777, bắn pháo hoa vào tối 4/7 luôn là hoạt động không thể thiếu và trở thành truyền thống suốt hai thế kỷ ở Mỹ.
Không chỉ đêm giao thừa, vào những ngày lễ lớn trong năm, nhiều quốc gia cũng chọn cách bắn pháo hoa ăn mừng. Thậm chí, một số lễ hội bắn pháo hoa quốc tế, quy tụ những đội tới từ nhiều quốc gia, trình diễn những màn pháo hoa sáng tạo, thu hút khách du lịch. Ngày nay, pháo hoa được cải tiến tạo ra nhiều hình khối (tròn, trái tim, sao chổi, núi lửa phun, số, chữ...) và sử dụng nhiều phụ gia tạo màu ánh sáng đỏ, vàng, xanh, tím...
Một trong những điểm nổi tiếng nhất thế giới với màn bắn pháo hoa đêm Giao thừa là cầu cảng Sydney (Australia). Hàng năm, nơi đây thu hút rất đông du khách khắp thế giới tới chiêm ngưỡng. Khách muốn tìm được chỗ xem pháo hoa đẹp phải tới trước nhiều giờ lấy chỗ. Năm nay, khi các ca Covid-19 tăng cao, chính quyền thành phố này vẫn quyết định tổ chức với quy mô hoành tráng. Cầu cảng Sydney được bố trí tới 175 điểm bắn, với 25.000 quả pháo hoa. Khoảng 6.000 quả pháo hoa được bắn từ mái nhà hát Con Sò Sydney và 9.000 quả pháo hoa khác từ 5 chiếc phà đậu tại bến cảng.