Khi Năm Cam đã “xanh cỏ”, người ta vẫn chưa biết chính xác số lượng những người phụ nữ đã đi qua cuộc đời. Nếu nói đến người mà Năm Cam suốt đời mang ơn thì đó không phải Trúc “Mẫu hậu” (vợ chính danh) mà lại là người phụ nữ vô danh, chẳng mấy ai biết đến. Chính bà là người đã sinh đứa con trai đầu lòng và cũng là “bóng hồng” duy nhất tiễn đưa Năm Cam về đất.
Hơn 10 năm kể từ ngày tập đoàn tội phạm do Trương Văn Cam (Năm Cam) cầm đầu bị triệt phá, cuộc sống trên đường Tôn Đản (quận 4, TP HCM) đã trở lại bình yên. Ở đó, có một người biết rõ nhất về chuyện “thâm cung bí sử” của ông trùm Năm Cam vẫn đang ẩn mình lặng lẽ, đó là bà Mai Thị Nguyệt, người vợ không hôn thú của Năm Cam. Nhiều năm nay, có lẽ vì cái bóng của Trúc “mẫu hậu” quá lớn, hoặc Năm Cam quá nhiều vợ bé, bồ nhí nên mọi người đã lãng quyên người phụ nữ này. Ít người biết, một thời, bà lầm lũi đi bên lề hành trình phạm pháp của người chồng được xem như “trùm của các ông trùm” trong thế giới tội phạm Sài thành một thuở.
Gian nhà nhỏ nằm sâu hun hút trong con hẻm chỉ vừa hai người tránh nhau. Phía bên trong, cửa đóng im ỉm, những người hàng xóm lân cận cho biết, bà Nguyệt hầu như không giao tiếp với người ngoài, tối ngày đóng cửa hành nghề bói bài Tây kiếm tiền. Những ngày tháng xế chiều của cuộc đời, bà sống cùng với một người đàn ông trung niên. Đó chính là Trương Văn Hùng (52 tuổi), con trai trưởng của ông trùm Năm Cam. Rũ bỏ cuộc sống giàu sang, ly thân vợ, anh Hùng về đây tĩnh tu cùng mẹ đã hơn nửa năm. Mỗi khi chiều về, bên trong cánh cửa lại đều vang lên tiếng tụng kinh, gõ mõ. Trong gian nhà nhỏ rộng chừng hơn một mét, gác trên là không gian dành cho người con tụng kinh, bà Nguyệt sống gian dưới và bằng lòng với một chiếc giường xếp vừa nằm lọt người, một chiếc tivi nhỏ và chiếc tủ đựng đầy thuốc lá, bài Tây.
Bà Nguyệt cho biết: “Tôi cố nhiều lần rồi nhưng không bỏ thuốc được. Đó là “dư âm của một thời sóng gió”. Hiện giờ, ngày nào vui thì tôi hút chừng một gói. Ngày nào buồn thế thái nhân tình, tôi đốt vài gói lận”. Ngoài hút thuốc, hoạt động duy nhất còn lại của bà là coi bói bài Tây. Nhiều năm nay, khách đến ngày nào cũng vài lượt, người xem tướng số, kẻ đoán vận mệnh, giúp bà kiếm thêm chút tiền trang trải qua ngày. Chẳng biết khả năng bói bài của bà Nguyệt đúng sai thế nào, nhưng bà sởi lởi khoe những thứ trang sức trưng diện trên người đều từ tiền coi bói mà ra cả. Dù đã bước sang tuổi 67, thời gian vẫn chưa làm xóa mờ nét duyên thầm trên khuôn mặt được mệnh danh “Hoa khôi vũ trường Sài Gòn” một thuở. Bà bảo, ngày xưa mình đẹp nổi tiếng, nhiều người đàn ông muốn cưới mà không được, nhưng cuối cùng lại gá duyên với ông Cam, một thanh niên nghèo. Chắc cũng vì khúc ngoặt khó ngờ đó, cuộc đời bà trải qua quá nhiều sóng gió, lận đận.
Tình đầu với Năm Cam dang dở, 15 tuổi, bà đã sinh Trương Văn Hùng rồi mẹ con thui thủi nuôi nhau. Trước năm 1975, bà cũng từng gặp gỡ và kết hôn với một người đàn ông nữa. Nhưng khi cuộc hôn nhân này tan vỡ, bà quyết định sống độc thân từ đó đến nay. Chia sẻ về bản thân, bà Nguyệt nói: “Quê tôi gốc ở huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre), gia đình thuộc diện khá giả. Lúc nhỏ, cha mẹ cưng chiều tôi như lá ngọc cành vàng. Hồi ở Sài Gòn, gia đình ông Cam nghèo đói. Năm 15 tuổi, Năm Cam trông ốm nhách nhưng được cái nói năng dẻo mép, lễ phép. Anh trai tôi là chỗ thân thiết với ông Cam, thấy vậy nên làm mai cho hai đứa. Được ba mẹ tôi ưng thuận, hai bên gia đình tổ chức đám hỏi. Tôi hơn ông ấy một tuổi. Nhưng thời điểm lấy nhau, tôi đâu biết tình yêu là gì, cha mẹ đặt đâu thì ngồi đấy”. Vì gia cảnh nhà trai nghèo khó, mọi chi phí cho đám hỏi đều do ba mẹ bà Nguyệt trả. Hai bên hẹn vài năm sau sẽ tổ chức lễ cưới. Thế nhưng, thời điểm bà Nguyệt mang bầu, Năm Cam đã trắng trợn cặp kè cùng người phụ nữ khác. Sau này, có lúc ân hận, ông trùm từng quay lại năn nỉ tác hợp nhưng bà nhất định không đồng ý. Phút cuối tiễn Năm Cam ra pháp trường Bị Năm Cam bỏ rơi, bà từng suy sụp. Nhưng với bản tính mạnh mẽ, quyết đoán, bà đơn độc sinh con và bươn trải đủ nghề kiếm sống mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ nào của ông trùm.
Từng có giai đoạn chán đời, bà gia nhập giới giang hồ và lãnh đạo một đội quân chuyên cướp giật trên đường phố Sài Gòn. Dưới trướng, bà từng quy tụ hàng chục đàn em có số má trong giới giang hồ Sài Gòn vùng Chợ Lớn. Thế nhưng sau này, một chuyện xảy ra đã làm bà thay đổi quan điểm sống, đoạn tuyệt kiếp giang hồ. Bà kể: “Trong một lần chúng tôi tổ chức cướp giật, người phụ nữ bị đàn em cướp túi xách làm ngã xe, chà mặt xuống đường. Nhìn cảnh tượng đó, tôi đã sững người tự nghĩ, mình đã cướp giật còn hại người ta, làm việc thất đức này không để lại phúc về sau. Bởi thế, tôi quyết định đoạn tuyệt kiếp giang hồ. Năm ấy, tôi mới chỉ 26 tuổi”.
Không còn làm giang hồ nữa, bà quyết định đi làm vũ trường. Với nhan sắc nổi bật, bà Nguyệt lúc đó được xem là hoa khôi vũ trường thực thụ. Người đàn bà bị Năm Cam phụ tình tâm sự về mối hận "ông trùm" khét tiếng. Thời ấy, bao tướng lĩnh ngụy phải xiêu lòng, nhiều đại gia giàu có ngỏ lời yêu muốn lấy làm vợ nhưng bà đều từ chối. Thế rồi, chốn vũ trường cũng không dung thân được lâu, bà chuyển sang kinh doanh nhà hàng. Bản lĩnh và táo bạo, bà từng thiết lập nên một chuỗi nhà hàng nổi tiếng ở Sài Gòn. Một chuyện mà bà Nguyệt không thể quên đó là lúc bà đứng trên đỉnh cao của tiền tài thì Năm Cam thất thế. Bà từng đặt vấn đề rằng, cho Năm Cam vay không lấy lãi đến 2 triệu đồng (lúc đó tương đương với khoảng 200 cây vàng) để làm ăn. Nghĩa cử ấy khiến ông trùm muối mặt, ân hận vì phụ tình, bỏ rơi mẹ con bà. Thế nhưng, biến động thời cuộc, tiền tài tiêu tan, bà Nguyệt lại trở về sống cuộc đời nghèo túng.
Những năm 80 của thế kỷ trước, lãnh đạo tập đoàn tội phạm, Năm Cam “hô mưa gọi gió” trong giới tội phạm Sài Gòn. Đầy danh vọng và tiền tài, trong khi vợ lớn, vợ bé và bồ nhí đều được hưởng “lộc” đề huề của ông trùm thì riêng bà Nguyệt và con mình vẫn lẻ loi sống cảnh đói nghèo. Thi thoảng, ông Cam mới cho người đưa ít tiền bạc hỗ trợ nuôi con. Mãi sau này, vì sợ mất mặt với đàn em, ông trùm mới chi tiền mua cho người vợ không hôn thú một căn nhà nhỏ trong con hẻm đường Tôn Đản. Mấy chục năm trời, ngôi nhà ấy cũng là món quà duy nhất thể hiện trách nhiệm làm chồng, làm cha của Năm Cam. Bà Nguyệt thẳng thắn cho biết, so với số tiền ông Cam đã cho những vợ lớn, bé và bồ nhí khác thì căn nhà nhỏ này chẳng có gì đáng kể. Khi nhắc về Năm Cam, bà Nguyệt không giấu giếm những cảm xúc trái ngược. Bà bảo: “Hận bao nhiêu thì lại thương bấy nhiêu. Hận vì ông sống không để phúc cho con cháu, thương vì lúc chết, tất cả tiền tài gây dựng thành “của thiên giả địa”, xuống mồ phải mang áo tù, vô cùng thê thảm”.
Lúc Năm Cam bị bắt, hầu hết đàn em quay lưng, những vợ lớn, bé, bồ nhí “lặn” mất tăm. Các phiên tòa xét xử Nam Cam sau đó, bà không vắng một buổi, bà nguyện cạo tóc, ăn chay niệm Phật cầu mong Năm Cam thoát án tử. Ngày Năm Cam ra pháp trường, bà cũng là người duy nhất đưa tiễn. Giây phút đắng cay ấy, Năm Cam mới nhận ra cuộc đời mình chỉ là phù phiếm, lúc “lên voi” năm thê bảy thiếp, khi “xuống chó” chỉ một mình cô lẻ, người bị ông ta phụ bạc lại ở bên vào giờ phút cuối cùng. Từ ngày Năm Cam chết, bà Nguyệt ở ẩn trong con hẻm của đường Tôn Đản, đóng cửa không giao tiếp với bên ngoài. Hiện tại, Trương Văn Hùng, người con duy nhất của bà với ông Cam sau bao năm nghiện ngập, tù tội đã quyết định rũ bỏ tất cả để đi tu. Bà bảo, đó là niềm vui cổ vũ bà sống nốt quãng đời còn lại.
Theo Đời sống và Hôn nhân