Người vợ cuối cùng phóng tác từ tiểu thuyết Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái. Phim lấy bối cảnh cuối thế kỷ 19, xoay quanh cuộc đời khổ mệnh của người con gái xuất thân bần hàn, được chọn làm vợ lẽ của một quan tri huyện.
Ai oán kiếp chung chồng
Giữa khung cảnh non nước hữu tình, làng Cu Ngộp diễn ra màn rước dâu kỳ lạ. Cô dâu một mình bước ra khỏi nhà, tự lên kiệu, phía trước là bà đồng cầm bó nhang làm phép trước ánh nhìn tò mò của dân làng xung quanh. Cô dâu đó là Linh (Kaity Nguyễn), cô gái nghèo đang trên đường về làm vợ ba của quan Đức Trọng (NSƯT Quang Thắng). Qua lời dẫn có phần dí dỏm của Linh, việc làm phép của thầy bà là cách để xua đuổi sự xui xẻo, nghèo hèn của cô trước khi bước vào chốn hào môn.
Suốt phần đầu của Người vợ cuối cùng, phong cách kể chuyện châm biếm như thế diễn ra liên tục, mang lại nhiều tiếng cười cho người xem. Song, đó lại là những nụ cười chứa đựng sự chua chát về cuộc đời của kiếp nữ nhân thời phong kiến.
Mang tiếng về làm vợ nhưng Linh bị cư xử như một người hầu kẻ hạ. Với vợ cả và vợ hai, quan Đức Trọng xưng hô "tôi" với "bà". Còn với Linh, ông ta một tiếng "con kia", hai tiếng "con Linh".
Xuất thân thấp kém, cô chỉ được ngồi mâm dưới trong những bữa ăn gia đình. Ở các đại tiệc, cô cắm mặt trong bếp. Bảy năm làm lẽ, Linh ăn đòn nhiều hơn ăn cơm. Bà cả khó ở trong người, cô là người bị đánh. Đức Trọng nói không lại vợ cả, người bị đánh cũng là cô. Giá trị duy nhất của Linh trong căn nhà này chẳng khác gì cái máy đẻ, với bổn phận sinh quý tử cho chồng.
Phim tô đậm thái độ khinh thường phụ nữ của đàn ông trong xã hội bấy giờ. Quan tri huyện chỉ xem Linh như một công cụ phối giống, không có sự yêu thương. Sợi dây thừng treo chân Linh lên cao sau mỗi cuộc làm tình, không cho những "giọt vàng ngọc" rơi ra ngoài, càng minh chứng cho sự sỉ nhục của ông đối với cô.
Linh còn đối diện với thế khó của một người phụ nữ sống trong chế độ đa thê. Cô thường xuyên bị bà cả (NSƯT Kim Oanh) ganh ghét . Qua thời gian, Linh luôn phải hứng chịu nhiều đòn tra tấn về cả thể chất lẫn tinh thần.
Dù vậy, khi Linh càng đối mặt với nhiều áp bức dưới mái nhà quan tri huyện, khán giả lại càng nhận thấy bản chất thiện lương của người phụ nữ này. Cô dạy con gái sống lễ nghĩa, tích cực dẫu luôn bị bủa vây bởi định kiến. Có lúc chứng kiến gia nhân vì mình bị đối xử tệ, cô day dứt khôn nguôi. Linh chứng minh nhân cách cao đẹp của một người không được định nghĩa bởi xuất thân giàu sang hay nghèo khó, mà đến từ cách giáo dục của gia đình.
Đã có những tháng năm, Linh cam chịu số trời, nhẫn nhục phận hèn mọn thê thiếp. Đến khi trùng phùng người thương, cô như được tái sinh về tinh thần, vực lại dũng khí để giành giật tự do. Làm nên một nữ chính cấp tiến và chủ động trong bối cảnh thời đại cũ, tác phẩm gửi gắm tiếng nói nữ quyền một cách thuyết phục, không lên gân hô hào khẩu hiệu.
Tình đầu còn mãi về sau
Cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Linh và người bạn thanh mai trúc mã Nhân (Thuận Nguyễn) thắp lên đốm sáng cho cuộc đời lắm truân chuyên của người vợ ba. Khai thác mối quan hệ vụng trộm giữa Linh và Nhân, đạo diễn Victor Vũ cho thấy sự sáng tạo khi phóng tác tiểu thuyết gốc mang yếu tố trinh thám, tâm linh thành những thước phim tình cảm lãng mạn.
Kể chuyện tình yêu, tác phẩm không thiếu những cảnh tình tự, ân ái. Như lời đạo diễn tâm sự từ trước, các cảnh "nóng" trong phim đặc tả nét đẹp cơ thể diễn viên một cách ý tứ, không thô tục, rõ ý đồ phục vụ đường dây phát triển nhân vật, thể hiện tâm lý đối lập của Linh trong những lần "gần gũi" hai người đàn ông.
Mỗi đêm, quan tri huyện vào buồng của Linh chóng vánh. Sự "tương tác" giữa họ đầy tính công thức, lạnh nhạt, chẳng hề thấy được chút cảm hứng nào từ cả hai. Người đàn bà cắn răng chịu đựng, người đàn ông hành xử thô lỗ. Giữa họ chẳng qua chỉ là nghĩa vụ duy trì nòi giống.
Trái lại, Nhân và Linh cùng thể hiện khát khao giao hòa mỗi lần bên nhau. Họ hòa vào nhau trong từng nụ hôn say nồng, vòng tay ôm siết và va chạm xác thịt trần tục nhưng đầy nâng niu.
Từng phân đoạn đủ nóng bỏng nhưng nhiều ý nhị. Sự kết nối ăn ý của hai diễn viên làm người xem tin vào tình yêu, khát khao và nỗi tương tư họ dành trao nhau. Bàn tay dàn dựng khéo léo của đạo diễn và cách bắt hình giàu tính mỹ cảm của quay phim cộng hưởng thêm cảm xúc cho những thước hình.
"Sân khấu" của dàn sao thực lực
Chưa từng lặp lại chính mình trong sự nghiệp, Kaity Nguyễn tiếp tục mang đến sự bứt phá trong diễn xuất. Lớn lên ở nước ngoài, ngọc nữ sinh năm 1999 từng gây nghi hoặc về việc nhập vai một thiếu phụ cách đây hơn một thế kỷ. Nhưng bằng sự nhập vai giàu cảm xúc, cô chinh phục người xem qua ánh mắt, dáng điệu, lời ăn tiếng nói, công việc gia đình và cách tương tác với các diễn viên khác trong phim.
Dù tuổi đời còn trẻ, lại mang gương mặt nhiều nét nữ sinh, Kaity Nguyễn nhập vai người mẹ vẫn đầy duyên dáng. Từ thuở cô gái má bánh bao trong Em chưa 18, Hồn papa, da con gái, đi qua giai đoạn nữ cường U30 trong Tiệc trăng máu, Gái già lắm chiêu V hay Cô gái từ quá khứ, nữ diễn viên ghi thêm một cột mốc mới trong nghề nghiệp của mình, trở nên mặn mà, đầy phụ nữ ở Người vợ cuối cùng.
Qua màn nhập vai của Kaity, mợ ba Linh trở nên chân thật trên màn ảnh. Những bão tố trong tâm lý nhân vật cũng được biểu lộ chân thành, khiến người xem xót thương cho một kiếp nhân sinh.
Song hành cùng Kaity, Thuận Nguyễn thể hiện tròn trịa hình ảnh người đàn ông bảo vệ người mình yêu bằng mọi giá, gieo được thiện cảm nơi khán giả. Hai diễn viên tương xứng về ngoại hình, kết hợp uyển chuyển trong cảm xúc. Tuy nhiên, so với nữ chính Linh, nam chính Nhân có phần lép vế về sức nặng trong câu chuyện.
Phát huy lợi thế chuyên trị vai phản diện, NSƯT Kim Oanh khắc họa chân dung bà cả cay nghiệt trong từng cái trợn mắt, câu chữ hạ nhục. Một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Kim Oanh là khi bà cả tra tấn mẹ con Linh, bằng cả đòn roi và lời nói, giữa trời đêm lạnh giá.
Đinh Ngọc Diệp đóng vai trò như một "cây hài", giải tỏa không khí căng thẳng của câu chuyện. Mỗi lần bà xã Victor Vũ xuất hiện, khán giả lại bật cười vì những mảng miếng duyên dáng cùng dáng bộ ngúng nguẩy. Mợ hai Mẫn có nhiều tiềm năng để khai thác, là điểm sáng về tình người giữa phủ tri huyện. Song, nhân vật này bị xây dựng một chiều, không được khai thác sâu.
Kịch bản an toàn, mỹ thuật tỏa sáng
Qua hành trình gặp gỡ và yêu đương của Nhân và Linh, Victor Vũ dẫn dắt khán giả vào từng góc nhỏ của làng quê Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nơi giao thoa của nhiều địa hình và các phong tục tập quán khác nhau. Ở đó có khu chợ sầm uất, hồ nước phẳng lặng, núi non trùng điệp, đồng lúa tốt tươi, được bắt trọn bởi những góc máy rộng, tạo cảm giác choáng ngợp.
Với âm nhạc kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và thanh âm điện tử của nhà soạn nhạc Christopher Wong, cuốn phim thể hiện trọn vẹn vẻ ngoài thanh bình song vẫn âm ỉ những đợt sóng ngầm của ngôi làng.
Victor Vũ còn thể hiện sự phân cấp rõ rệt trong phủ quan tri huyện qua việc sắp xếp trang phục cho ba nhân vật nữ. Với cổ phục mang tone màu nóng, ít hoa văn, bà cả nổi bật với thần thái quyền lực của một nữ chủ chuyên quyền và độc tài. Mợ hai Mẫn (Đinh Ngọc Diệp) mặc y phục gấm, màu tươi sáng, họa tiết cầu kỳ, phản ánh rõ lối sống sang chảnh của một người xuất thân từ gia đình giàu có.
Linh lại thường xuyên khoác lên mình những bộ trang phục màu trơn, gam lạnh và tối, hiển thị tâm trạng u uất. Sau này gặp lại Nhân, xiêm y của Linh vẫn mang gam lạnh như cũ nhưng tone xanh tươi sáng hơn, hòa hợp với tâm trạng hân hoan của cô khi hội ngộ tình cũ. Những khoảnh khắc cô ngồi trước gương, chỉnh trang mái tóc, nếp áo càng cho thấy sự sửa soạn đầy mong ngóng của Linh đối với buổi hẹn hò.
So với những tác phẩm gần đây của Victor Vũ, Người vợ cuối cùng là một bước tiến nhưng vẫn còn khá an toàn. Truyện phim phát triển đơn giản, dễ đoán, không chồng chéo các cú lật (twist), tạo tổng thể nhẹ nhàng cho tuyến truyện tình yêu giữa Nhân và Linh. Dù vậy, việc dàn trải chi tiết khiến mạch phim đôi lúc lan man, dài dòng quá mức cần thiết, đặc biệt ở nửa đầu phim.
Có lúc, diễn tiến tác phẩm gợi nhiều liên tưởng đến bộ phim Đèn lồng đỏ treo cao của đạo diễn Trương Nghệ Mưu. Ở hồi ba, Victor Vũ đẩy nhịp phim nhanh hơn, chuyển hướng tác phẩm sang thể loại hình sự, vốn là thế mạnh của anh. Song, cách làm này lại khiến bộ phim bị chia thành hai nửa rời rạc, nhập nhằng về thể loại và thiếu tính đi tính kết nối.
Dù vẫn còn những nhược điểm, Người vợ cuối cùng giữ cảm xúc khá tốt trong hai tiếng phim, cho thấy sự chăm chút tỉ mỉ về bối cảnh, phục trang. Đây là một trong các điểm sáng của điện ảnh Việt từ đầu năm 2023.
Đỗ Hoàng - Phong Kiều