Theo Global Times, tranh cãi nổ ra vào chiều 15/7 sau khi một số người dùng Twitter đăng bài viết chỉ ra một chiếc váy mà Dior ra mắt gần đây ở Hàn Quốc trông rất giống váy Mã Diện - thiết kế được cải tiến để thuận tiện cho việc cưỡi ngựa của nữ giới thời nhà Minh.
Những người yêu thích Hán phục chỉ trích bộ sưu tập của Dior "sao chép" váy Mã Diện vì có cùng xếp ly ở hai bên hông, để phẳng hai mặt chính giữa trước và sau, xẻ tà phần mép váy, có dây buộc hai bên. Những chi tiết này đều là đặc trưng của váy Mã Diện. Tuy nhiên, Dior lại giới thiệu đây là thiết kế mới mang tính biểu tượng của thương hiệu mà không ghi thêm thông tin gì về việc lấy cảm hứng từ váy Mã Diện của Trung Quốc.
Theo những người yêu thích Hán phục, váy Mã Diện là một loại trang phục truyền thống của Trung Quốc. Váy rất được ưa chuộng vào thời nhà Minh, từ những phụ nữ trong hoàng thất đến phụ nữ bình dân. Theo địa vị, tầng lớp và dịp lễ khác nhau mà chất liệu, hoa văn, màu sắc của váy Mã Diện cũng khác nhau.
Mối quan tâm chính của một số người yêu thích Hán phục là với tầm ảnh hưởng toàn cầu của Dior, người tiêu dùng sẽ coi nó như một chiếc váy nguyên bản của Dior. Thay vào đó, chiếc váy Mã Diện sẽ bị một số người không quen thuộc với văn hóa Trung Quốc coi là "hàng nhái".
Nhiều người đã chỉ trích Dior không chỉ sao chép mà còn "chiếm đoạt văn hóa". Họ nói vấn đề này là bài học mà người Trung Quốc nên rút kinh nghiệm để trong tương lai phải đầu tư nhiều hơn nhằm quảng bá văn hóa của chính mình.
"Bây giờ không quan tâm, sau này Trung Quốc muốn làm váy Mã Diện sẽ bị người khác cho là sao chép của Dior, cứ thế văn hóa từng bước một bị người ta cướp đi", một người dùng mạng bình luận trên Weibo và nhận về hơn 6.000 lượt tương tác.
"Thương hiệu này ngạo mạn đến mức họ thậm chí không thừa nhận đã vay mượn ý tưởng từ váy Mã Diện của Trung Quốc. Chiếm đoạt hoàn toàn thiết kế nguyên bản là điều đáng khinh, một hành động sai trái không thể bao biện", một tài khoản Weibo chỉ trích gay gắt.
Dior chưa đưa ra bất kỳ phản hồi nào về cuộc tranh cãi này, tuy nhiên hãng đã khóa bình luận trên tài khoản Weibo của mình sau khi bị người dùng mạng ập vào chỉ trích.
Đây không phải lần đầu Dior vướng vào tranh cãi ở Trung Quốc. Tháng 11 năm ngoái, thương hiệu này trưng bày một bức ảnh gây tranh cãi của nhiếp ảnh gia nổi tiếng Trần Mạn tại triển lãm thời trang Thượng Hải. Bức ảnh chụp một người mẫu với đôi mắt xếch, mặt đầy tàn nhan, trang điểm ma quái, làn da ngăm đen mặc trang phục truyền thống của Trung Quốc và cầm một chiếc túi Dior. Điều này khiến người dùng mạng Trung Quốc chỉ trích Dior "sỉ nhục phụ nữ châu Á". Dior và nhiếp ảnh gia Trần Mạn sau đó phải lên tiếng xin lỗi và gỡ bỏ hình ảnh này.
Sơn Nam (Theo Global Times)