Sau khi từ đông nam Trung Quốc chuyển đến Bắc Kinh vào tháng 4, Li, 24 tuổi, làm công việc sáng tạo nội dung tại một công ty khởi nghiệp công nghệ. Nhưng cô thấy công việc không mấy hấp dẫn, không có mong muốn thăng tiến. Mặc dù từng mơ trở thành một nhà báo từ thời học cấp ba, cô đã từ bỏ ước muốn đó khi nhận ra chính phủ kiểm duyệt truyền thông chặt chẽ đến mức nào.
Niềm vui duy nhất của Li trong thời gian này là mua vé số. Cô biết mình có thể không trúng. Nhưng chí ít, cô có thể mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn. Li nói: "Tôi muốn rời khỏi đây và sống cuộc sống mà tôi muốn. Điều đó sẽ không xảy ra chỉ trong một sớm một chiều, nhưng hiện tại, cảm giác hồi hộp khi cào vé số giúp tôi thư giãn một chút".
Người trẻ như Li học tập chăm chỉ để vào được các trường đại học danh tiếng, làm việc hàng giờ tại các công ty đang phát triển nhanh chóng và tuân theo những kỳ vọng truyền thống về sự nghiệp, gia đình, thúc đẩy sự giàu có của Trung Quốc.
Nhưng ngày càng nhiều lao động trẻ ở độ tuổi 20 và 30 tại nước này bắt đầu đặt câu hỏi về quỹ đạo đó, khi triển vọng thăng tiến mờ nhạt. Hơn hai năm chiến đấu với dịch Covid-19 đã khiến một số người trẻ suy nghĩ về ý nghĩa cuộc sống và con người mà họ khao khát trở thành, những câu hỏi mà nhiều người chưa bao giờ nghĩ tới.
Tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên tăng kỷ lục 21% trong năm nay đã làm suy yếu niềm tin vào con đường thành đạt truyền thống ở Trung Quốc. Một số người trẻ cũng thất vọng về các vấn đề khác, chẳng hạn bạo lực đối với phụ nữ... Theo nền tảng xã hội và tìm kiếm việc làm Maimai của Trung Quốc, khoảng 34% số người được khảo sát ở độ tuổi giữa 20 đã nghỉ việc hoặc đang cân nhắc từ bỏ công việc trong lĩnh vực internet tiêu dùng, vốn là một ngành sử dụng lao động trẻ rất lớn trong nửa đầu năm 2023.
Trong bối cảnh đó, chơi xổ số đã trở thành xu hướng đối với những người ở độ tuổi 20 và 30, giúp đẩy doanh thu ngành này lên 67 tỷ USD từ tháng một đến tháng 10, tăng 53% so với năm trước và trung bình mỗi người dân Trung Quốc chi 48 USD cho loại hình này.
Trong khi Li tìm đến xổ số cầu may, nhiều người khác bỏ việc, chuyển sang thiền định, bói toán hoặc đi chùa trên núi để tìm niềm vui, sự an yên. Một số người đang rời xa các siêu đô thị để bắt đầu cuộc sống mới ở những nơi như Đại Lý, một thành phố phía tây nam đất nước.
Bên cạnh đó, nhiều thuật ngữ mô tả tâm trạng qua từng năm đang cho thấy thái độ làm việc của người dân dần thay đổi. Năm 2020, thuật ngữ "neijuan" (sự xâm lấn) đề cập đến tiêu chuẩn lao động hết mình, nỗ lực phấn đấu. Tiếp đến là "touching fish" mượn từ thành ngữ, đề cập đến các cuộc nổi loạn ngầm tại nơi làm việc như trốn vào nhà vệ sinh để không phải làm việc, mua sắm trực tuyến hoặc đọc tiểu thuyết trong giờ làm việc. Năm 2021, "tang ping" (nằm phẳng) chỉ những người từ chối phấn đấu trong công việc và năm 2022 là "bailan" (mặc kệ đời) đề cập đến thế hệ để tự "mục rữa".
Cuộc khảo sát thực hiện bởi công ty nghiên cứu Tsingyan năm 2022 cho thấy 96% trong tổng số 6.000 người trong độ tuổi 26-40, cho biết đang "nằm phẳng" ở nhiều mức độ. Trong tính toán hồi đầu năm nay của một giáo sư Đại học Bắc Kinh, nếu tất cả người trẻ đã rời khỏi lực lượng lao động Trung Quốc và dựa vào tài chính của cha mẹ thì tỷ lệ thất nghiệp thực sự trong thanh niên Trung Quốc có thể lên tới 46,5%.
Theo các chuyên gia, xu hướng "nằm phẳng" của Trung Quốc gần giống cuộc đại từ chức của Mỹ sau đại dịch hay từ chối theo các chuẩn mực xã hội của những người trẻ ở phương Tây từ những năm 1960.
Đoàn Thanh niên Đảng Cộng sản Trung Quốc với hơn 70 triệu thành viên đã đăng bình luận trên tài khoản WeChat kêu gọi thanh niên "không nên từ chối tham gia lực lượng lao động do khó tìm được việc làm hoặc chọn nằm phẳng".
Tuy nhiên, một nghiên cứu học thuật cho thấy tính di động xã hội của nhiều nhóm người ở Trung Quốc đã bị trì trệ, tức là nhiều người không còn động lực để vượt qua khó khăn, ít mối quan hệ sẽ khó thăng tiến. Điều này xảy ra khi bối cảnh nhiều đơn vị tuyển dụng từng thu hút nhiều lao động trẻ như Alibaba, Tencent hay ByteDance đang sa thải nhân viên vì thị trường tăng trưởng yếu, chính phủ quản lý chặt chẽ khu vực tư nhân. Mức lương công nghệ giảm ba năm liên tiếp, theo Maimai, khiến các lao động từng làm việc theo lịch 996 (làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và 6 ngày một tuần), dần chán nản. Họ không muốn cố gắng thăng tiến, mua nhà, sinh con như các thế hệ trước.
Huang Xialu đã bỏ công việc giám đốc sản phẩm tại một trong những công ty phát video trực tuyến lớn nhất Trung Quốc vào tháng 4 để tập trung vào các khóa tu tâm linh. Trước đó rất lâu, người phụ nữ 33 tuổi cho biết cô đã phải vật lộn với việc sống thiếu mục đích. Cô nói: "Tôi có một cảm giác rất cấp thiết rằng nếu tôi không lắng nghe trái tim mình và nghỉ ngơi để khám phá những gì tôi thực sự muốn làm trên thế giới này thì sẽ quá muộn".
Trong những tháng sau khi Huang từ chức, cô đến Đại Lý, nơi cô làm việc tại một quầy bói bài tarot, tham gia một khóa đào tạo về huấn luyện cuộc sống và học làm đồ gốm.
Đối với Huang, "nằm phẳng" trái ngược với thụ động, đó là con đường kiểm soát cuộc sống. Giờ đây, cô đã trở thành một huấn luyện viên cuộc sống giúp đỡ những cá nhân đang bối rối như cô tìm ra con đường phía trước. Dù thu nhập kém ổn định hơn, cô cho hay: "Tôi chưa một giây nào hối hận vì đã làm vậy".
Hằng Trần (Theo Kane Bridge News)