Văn hóa làm việc chăm chỉ, nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc trong quá khứ sắp trở thành dĩ vãng. Giới trẻ Hàn Quốc hiện tập trung vào sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống hơn là thăng tiến trong sự nghiệp. Phương pháp thông thường để đổi lấy sự thăng tiến trong sự nghiệp là phục tùng tuyệt đối cấp trên đã không còn tác dụng.
"Liệu tôi có muốn trở thành một tổng giám đốc không ư? Nói thật là tôi không muốn cống hiến cuộc đời mình cho một trò chơi có tỷ lệ cược thấp như vậy", một người 37 tuổi làm quản lý tại một trong những công ty lớn nhất Hàn Quốc nói với một cái nhún vai.
Khi mới gia nhập công ty vào cuối những năm 2000, người đàn ông này đã ao ước trở thành một tổng giám đốc. Nhưng thời gian trôi qua khiến anh ta thay đổi quyết định.
"Chỉ một số ít người tham gia cùng lúc với tôi đạt được vị trí đó. Bạn tiến lên bậc thang và trở thành giám đốc điều hành, và sau đó bạn phải làm việc chăm chỉ hơn nữa để đạt được kết quả mong muốn. Nó không thực sự đáng chút nào", người quản lý này nói.
Thăng tiến lên vị trí giám đốc điều hành từng là mục tiêu lớn của các doanh nhân Hàn Quốc. Lương của họ tăng vọt đáng kể, họ có thể sử dụng xe hạng sang của công ty và chơi golf với chi phí của công ty. Nhưng đổi lại, công việc này đòi hỏi khắt khe nhất. Thời gian phục vụ một năm và họ không được bổ nhiệm lại nếu không đạt thành tích nổi bật. Hệ quả là dù lên chức nhưng họ càng phải làm việc vất vả hơn, hy sinh thời gian cho gia đình cùng sức khỏe.
Trước đây, nhiều lao động Hàn Quốc sẽ nghỉ hưu nếu họ không thể lên chức quản lý khi sắp bước vào tuổi 50. Nhận lệnh từ các đồng nghiệp cũ hoặc các cấp trên ít tuổi hơn khiến họ bị tổn thương. Và việc bị giao ít nhiệm vụ hơn cũng khiến họ không thoải mái khi làm việc cùng lớp trẻ.
Chủ tịch của một công ty lớn ở Hàn Quốc cho biết: "Ngày càng có nhiều người nói rằng họ không ngại khi không trở thành quản lý. Nhiều người muốn tiếp tục làm việc như một nhân viên bình thường cho đến khi nghỉ hưu".
Đặc biệt, xu hướng không chạy đua với sự nghiệp đang lan rộng trong tầng lớp lao động trẻ ngoài 20 tuổi. Một nhân viên 28 tuổi tại một công ty xây dựng lớn đang gặp khó khăn trong việc hòa nhập với văn hóa doanh nghiệp tập thể. Khi hoàn thành công việc được giao và chuẩn bị ra về đúng giờ, anh ta bị đồng nghiệp nhìn chằm chằm. Anh miễn cưỡng tham gia nếu sếp rủ đi ăn tối, nhưng luôn tránh các cuộc tụ tập ở công ty, thay vào đó chơi thể thao sau giờ làm.
Theo một cuộc khảo sát trên 1.314 doanh nhân của trang môi giới việc làm Saramin, 44% người được hỏi cho biết họ là muốn được tách rời khỏi tập thể và chủ động hạn chế giao tiếp tại văn phòng để có thời gian riêng cho bản thân. Nếu phân loại theo tuổi, khoảng 50% số nhân viên ngoài 30 tuổi và 44% lao động ngoài 20 tuổi có quan điểm trên. Chỉ 29% những người ở độ tuổi 50 trở lên trả lời tương tự.
Sự thay đổi trong văn hóa làm việc đang tạo nên những tranh cãi lớn giữa thế hệ lao động trẻ và thế hệ trước. Theo báo cáo của Văn Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc, 67% người ở độ tuổi 50 trở lên cho biết họ có thể "hy sinh cho tập thể", nhưng chỉ 35% những người ở độ tuổi 20 và 34% những người ở độ tuổi 30 có câu trả lời tương tự. Khoảng 43% những người ở độ tuổi 50 trở lên cho biết làm việc đến khuya là điều khó tránh khỏi để đạt được kết quả tốt, trong khi chỉ 27% những người ở độ tuổi 20 trở lên sẵn sàng làm như vậy.
"Tôi không nghĩ rằng công ty của mình sẽ tiếp tục phát triển như thế này và không có gì đảm bảo rằng tôi sẽ có thể làm việc chăm chỉ đến hết đời. Bởi vậy tôi cần xây dựng một hướng đi khác mà không dựa vào công ty", người quản lý 37 tuổi nói.
Theo luật sư Jang Hye Young, số lượng tài khoản chơi chứng khoán tại Hàn Quốc đã tăng thêm 4,59 triệu trong khoảng cuối năm 2019 đến cuối tháng 8/2020. Trong đó, khoảng 2,46 triệu tài khoản thuộc về những người ngoài 20 tuổi. Thêm vào đó, số dư nợ thẻ tín dụng của những người ngoài độ tuổi 20 đã tăng 134%, một mức cao bất thường so với các thế hệ khác
"Những người trong độ tuổi 20 đang vay tiền để mua cổ phiếu. Nó đang ở mức báo động", Jang nói.
Giá căn hộ ở Seoul đã tăng 50% trong ba năm kể từ khi ông Moon Jae-in trở thành tổng thống, đạt mức giá trung bình 1 tỷ won (870.000 USD). Những người trẻ không thể mua nhà chỉ với mức lương của mình nên đã vội vàng đầu tư vào cổ phiếu với hy vọng có thể kiếm được một khoản để mua nhà và cuộc sống hưu trí sau này.
Sự thay đổi trong văn hóa làm việc của giới trẻ cũng khiến một số công ty ở Hàn Quốc buộc phải thay đổi văn hóa làm việc. Khi Saramin hỏi thế hệ lao động trẻ rằng "người sếp lý tưởng" của họ sẽ như thế nào thì câu trả lời chủ yếu là "một người có nhân cách tốt" thay vì một "ông chủ tài ba" như thế hệ cũ.
Đáp lại nguyện vọng của lao động trẻ, một số nhà quản lý cao cấp của những tập đoàn (Chaebol) hàng đầu xứ sở kim chi cũng dần cởi mở hơn. Họ thường xuất hiện trước công chúng với trang phục giản dị, coi nhân viên là bạn thay vì "ngồi trên cao" ra lệnh và buộc nhân viên phải phục tùng tuyệt đối như thế hệ trước. Điều này sẽ giúp cho các công ty thu hút được nhân tài và sự cống hiến của thế hệ lao động trẻ.
Sơn Nam (Theo Nikkei Asian Review)