Việt Phong
Clip thì đã xem, chi tiết buổi họp báo mọi người cũng được tường thuật đầy đủ trên báo chí nên không cần thiết phải nhắc lại. Và đây là câu chuyện dành cho những "người tốt". Chị Phương Uyên đã xin lỗi ê kíp, xin lỗi thí sinh nhưng chị không thừa nhận mình sai, chị chỉ thừa nhận mình lỡ lời.
Chị cũng không có bất cứ lời nào xin lỗi khán giả bởi vì theo chị "khán giả đâu có mất mát gì". Những gì thuộc về tài năng âm nhạc của chị là không thể phủ nhận nhưng Giọng hát Việt là một show truyền hình thực tế giải trí, nó có dành chỗ cho tâm huyết của chị nhưng chắc chắn không nhiều, vì phần lớn "đất đai" còn lại nó dành cho những toan tính, vụ lợi mà ngay khi đặt bút ký hợp đồng tham gia chị đã hiểu rất rõ.
Nước mắt chị đã rơi trong phần đầu buổi họp báo, nó là thật nhưng nó rơi vì sự tổn thương của tình cảm riêng tư trong chị hay vì sự oan ức (hay không oan ức) của một người đang đứng trước tấm "băng rôn lừa dối" thì không dám chắc? Dù như thế nào thì chị cũng đã tự lên tiếng rằng mình sẽ ở lại (mà thật ra chị muốn chia tay chương trình thì cũng sẽ không có bất cứ ai dám ngăn cản chị cả), chị đã tin vào bản thân mình là "người tốt".
Giám đốc Cát Tiên Sa, chia sẻ anh cùng ê kíp chỉ muốn nói sự thật và chỉ có sự thật lên tiếng. Khi anh nói báo chí đã quá manh động, đưa tin một chiều, không kiểm chứng, và trách nhiệm của báo chí là rất lớn trong chuyện này, anh đã quên đi một chuyện đơn giản rằng khi sự việc xảy ra, rất nhiều phóng viên đã ngay lập tức liên lạc với chị Phương Uyên để kiểm chứng nhưng chị ấy đã tắt máy.
Tại sao phóng viên phải liên lạc với Phương Uyên, hơn ai hết anh phải hiểu, họ cần phỏng vấn Phương Uyên vì cần đưa thông tin hai chiều để rộng đường dư luận. Nhưng Phương Uyên không muốn và thật sự là không dám trả lời, do phải đợi hai cuộc họp kín với anh cùng ê kíp trước khi mở lời đầu tiên. Vì anh đã nói chỉ có sự thật lên tiếng nên những gì anh nói ra theo anh đều đúng, anh cũng tin anh là "người tốt".
Riêng câu chuyện của các huấn luyện viên, của các thí sinh - họ chỉ là một gạch nối giữa Phương Uyên và anh Minh, nên chuyện họ là người tốt hay không tốt xin mọi người tự hiểu.
Một "người tốt" kể cho bạn Vik nghe câu chuyện này. Có một tiệm bánh, cứ cuối ngày là họ mang bánh dư trong tiệm của mình đi cho những người nghèo sống gần khu vực đó. Ngày nào bán hết bánh thì thôi, ngày nào không hết bánh thì họ mới cho. Đến một ngày, có một người nghèo phát hiện ra trong bánh có một con giòi bị chết. Thế là người đó mang cái bánh đến hỏi chủ tiệm. Chủ tiệm mới bảo cái bánh đó đúng là của tiệm chúng tôi nhưng lỡ anh muốn phá hoại danh dự chúng tôi nên nhét con giòi vào thì sao hay ai đó thù ghét chúng tôi nên nhét con giòi vào cái bánh trước khi đưa cho anh...
Cuối cùng, chủ tiệm khẳng định: "Anh là người xấu! Chúng tôi đã cho anh ăn miễn phí bao nhiêu năm tháng qua. Thế mà chỉ vì một lần chiếc bánh có giòi trong đó (chắc chắn không phải là do chúng tôi bỏ vào mà có người mưu hại) thì anh đã phán xét chúng tôi là mất vệ sinh...". Người nghèo đành lủi thủi bỏ ra về vì nỗi sợ ngày hôm sau mình không được ăn bánh miễn phí nữa. Nhưng người nghèo, đôi khi cái đói đã làm cho họ mất đi sự phán xét bình thường. Vì cái bánh đó do nhân viên của tiệm phân phát, nó đi ra khỏi cửa tiệm và đến thẳng tay người nghèo mà, đâu có người ngoài nào khác... Người nghèo khi họ phải cầm chiếc bánh miễn phí đến hỏi người tặng bánh, họ phải đắn đo nhiều lắm! Họ nghèo mà, họ không có dám nông nổi trong bất cứ lời nói nào đâu.
Vì cũng là người nghèo nên bạn Vik phải đợi "người tốt" giải thích sau khi kể chuyện. Và "người tốt" nói rằng: ẩn dụ hay không thì ai cũng nhận ra người nghèo đó là khán giả. Vì là khán giả nên họ không biết anh Minh lời được bao nhiêu tỷ đồng từ show này? Họ đâu biết hợp đồng của Phương Uyên và bốn huấn luyện viên kia đâu thể nào chỉ 100 - 200 triệu đồng bạc lẻ? Họ đâu biết mỗi spot quảng cáo 30 giây trong chương trình thì phải trả 130 triệu đồng cho VTV? Họ đâu có biết rằng họ đang "mắc nợ ân tình của ê kíp thực hiện chương trình" vì được xem miễn phí...
Họ không biết nên họ lên tiếng, mà đã không biết lại còn lên tiếng nên họ đúng là "kẻ xấu". Và vì báo chí cũng lên tiếng thay cho họ nên dĩ nhiên báo chí cũng là "kẻ xấu". Đó là chưa kể khi "người tốt" nói rằng báo chí là "kẻ xấu" thì đương nhiên là người ta phải tin "người tốt" rồi.
Không tự tin vào bản thân mình (như "người tốt" vẫn làm), mà phải đợi "người tốt" nói mình là "kẻ xấu" thì mới nhận ra được mình là kẻ xấu thiệt thì đúng là bi kịch cuộc đời.
Ở đời, thà là người tốt, thà là kẻ xấu để dễ phân biệt. Chính vì vậy loại đáng sợ nhất là tên vô lại. Mà một tên vô lại thì rất khó để nhận biết, thậm chí đôi khi không ai có thể "cầm, nắm" được tên vô lại bởi sự biến hóa khôn lường của nó. Và một "người tốt" lại kể cho bạn vik nghe, tên vô lại ấy chính là niềm tin.
Niềm tin là thứ ai cũng có thể nói về nó nhưng chẳng có mấy người hiểu về nó. Vậy nên khi "người tốt" nói rằng hãy tin họ vì họ đang nói sự thật, thì "kẻ xấu" cảm thấy rất mông lung, dựa vào cái gì để tin?
Khi "người tốt" nói chúng tôi không làm gì sai. Tất cả đều là sự cắt dán, vu khống, thậm chí là khủng bố... "kẻ xấu" lại tự hỏi: "Dựa vào cái gì để tin?".
Khi "người tốt" nói dựa vào chính chúng tôi đây, những người đã, đang và vẫn là "người tốt". Thì "kẻ xấu mới kịp thông minh để nhận ra được rằng: "Chỉ có 'người tốt' mới có niềm tin, còn 'kẻ xấu' thì không".
P.S.: Ngoài người tốt, kẻ xấu và tên vô lại thì còn có một loại nữa nhưng không biết xếp vào hạng nào là các bạn VTV. Rất mong mùa thứ hai của The Voice - Giọng hát Việt, "kẻ xấu sẽ vẫn tiếp tục được nhìn thấy những "người tốt tiếp tục kết hợp cùng nhau vì họ đang có cùng một "niềm tin chiến thắng".
Tựa bài là tên một bộ phim nổi tiếng - The good the bad & the Ugly (1966) với vai chính thuộc về một "tượng đài" của Hollywood là Clint Eastwood!
Vài nét về blogger:
Việt Phong sinh năm 1980 tại Tuy Hoà, Phú Yên (cựu học sinh chuyên ban Nguyễn Huệ). Anh từng là thành viên Hội bút Vòm Me Xanh. Biệt danh Me Quê (1998, Bút trưởng năm 2002). Ba lần đoạt giải thưởng Bút mới của báo Tuổi trẻ. Hiện anh là phóng viên mảng Văn hoá - Nghệ thuật.