"Họ đang đe dọa người tiêu dùng sao? Liệu họ có nhận ra rằng chính họ đang gặp nguy hiểm không? Họ nghĩ người Trung Quốc không thể sống thiếu các siêu thị Sam's Club sao? Ai đã cho họ sự tự tin như vậy?", một người tiêu dùng Trung Quốc, nói.
"Không thể để Sam's Club moi tiền từ chúng tôi trong khi cũng bôi nhọ đất nước của chúng tôi", một người khác nói.
Người tiêu dùng Trung Quốc kéo đến hủy bỏ tư cách thành viên tại các cửa hàng của Sam's Club khi phát hiện nhà bán lẻ khổng lồ Mỹ đã loại bỏ một số sản phẩm có nguồn gốc Tân Cương. Quyết định này Sam's Club đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành luật cấm hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức tại khu vực này, ngày 23/12. Dưa đỏ và nho, đặc sản nổi tiếng của Tân Cương, trước đây được bày bán trên các kệ hàng của Sam's Club trên khắp Trung Quốc đã biến mất.
Hôm 31/12, khi làn sóng hủy thẻ thành viên gia tăng ở Trung Quốc, Sam's Club đã cung cấp lại các sản phẩm của Tân Cương vào khoảng 18h30. Tuy nhiên, các sản phẩm này đã biến mất vào 20h cùng ngày.
Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương - cơ quan giám sát về tham nhũng của Đảng cộng sản Trung Quốc - hôm 31/12 đã cảnh báo chuỗi cửa hàng Sam's Club rằng người tiêu dùng Trung Quốc sẽ phản ứng bằng "những hành động thiết thực" nếu công ty này không "tôn trọng cảm xúc của người dân Trung Quốc".
"Việc gỡ bỏ tất cả sản phẩm từ một khu vực mà không có lý do chính đáng là che giấu động cơ thầm kín, thể hiện sự ngu ngốc, thiển cận và chắc chắn sẽ hứng chịu hậu quả tồi tệ", Ủy ban viết trên trang web của mình.
Theo Global Times, một video đăng tải trên trang web tin tức Trung Quốc guanchazhe.com cho thấy một số cửa hàng Sam's Club thuộc gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Walmart ở các tỉnh Hồ Nam và Giang Tây, miền Đông Trung Quốc, đã cảnh báo những khách hàng có ý định hủy thẻ thành viên rằng họ không thể đăng ký lại thẻ trong vòng sáu tháng sau khi hủy. Một cửa hàng ở Giang Tây thậm chí còn nói với khách hàng họ không thể đăng ký lại tư cách thành viên trong suốt "phần đời còn lại".
Các nhân viên từ các cửa hàng Sam's Club ở Bắc Kinh và thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc xác nhận việc "không cho đăng ký lại tư cách thành viên" là quy định của công ty khi hủy thẻ. "Gần đây, số lượng người tiêu dùng hủy thẻ thành viên ngày càng tăng, nhưng không chỉ vì sản phẩm của Tân Cương bị loại bỏ" nhân viên một cửa hàng Sam's Club ở Trùng Khánh, nói và cho biết thêm hiện cửa hàng không có sản phẩm nào từ Tân Cương.
Sam's Club là chuỗi siêu thị bán lẻ chỉ dành cho người có thẻ thành viên do Walmart sở hữu và điều hành. Tại Trung Quốc, Sam's Club có hơn 4 triệu thành viên với 36 cửa hàng. Hiện cả Walmart lẫn Sam's Club đều không đưa ra tuyên bố công khai về phản ứng của Trung Quốc đối với họ. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Walmart, sau Mỹ. Trong năm tài chính kết thúc ngày 31/12, Walmart đạt doanh thu 11,43 tỷ USD tại thị trường này.
Walmart là công ty nước ngoài mới nhất gặp rắc rối liên quan đến vấn đề Tân Cương. Trước đó, hãng thời trang bán lẻ H&M của Thụy Điển cũng điêu đứng, doanh số giảm 23% trong quý từ tháng 3 đến tháng 5 khi người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay sau những phát ngôn về Tân Cương của H&M.
Sơn Nam (Theo Global Times)