Cố chủ tịch Samsung Lee Kun-Hee qua đời ngày 25/10 sau thời gian dài nằm viện vì đau tim. Samsung cho biết ông ra đi trong vòng tay gia đình, bao gồm con trai duy nhất Lee Jae-yong, người được mệnh danh là "Thái tử Samsung". Ngoài Lee Jae-yong, ông còn có ba con gái Lee Boo-jin (chủ tịch của khách sạn The Shilla), Lee Seo-hyun (phó chủ tịch tập đoàn Samsung), và Lee Yoon-hyung. Tuy nhiên, con gái út Yoon-hyung đã tự tử vào năm 2005 sau khi bị gia đình cấm yêu người không cùng đẳng cấp.
Bà Hong Ra Hee, vợ ông Lee, và ba người con đều là những người thừa kế khối tài sản khổng lồ của ông. Ông Lee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 20,1 tỷ USD, theo Bloomberg. Ông để lại khối gia sản khổng lồ dưới nhiều loại hình tài sản như chứng khoán, bất động sản.
Ông Lee nắm giữ cổ phần tại 4 công ty Samsung trị giá khoảng 18.200 tỷ won (16,1 tỷ USD). Trong đó, 4,18% cổ phiếu phổ thông và 0,08% cổ phiếu ưu đãi của Samsung Electronics, tổng trị giá khoảng 15.000 tỷ won (13,3 tỷ USD); 20,76% cổ phần của Samsung Life Insurance, trị giá khoảng 2.600 tỷ won (2,3 tỷ USD). Ngoài ra, ông Lee cũng sở hữu hai bất động sản đắt đỏ thuộc trung tâm Seoul giá trị khoảng 40,9 tỷ won (36,2 triệu USD) và 34,2 tỷ won (30,2 triệu USD).
Những người thừa kế của ông Lee hiện phải đối mặt với khoản thuế thừa kế tới 50% theo quy định về thuế của Hàn Quốc. Theo ước tính của Reuters, thuế thừa kế đối với các tài sản trên dự kiến vào khoảng 10.600 nghìn tỷ won, tương đương 9,4 tỷ USD.
Trong số các người con, con trai cả Lee Jae-yong được đánh giá là người được hưởng thừa kế nhiều nhất. Kể từ khi ông Lee nằm liệt giường sau cơn đau tim vào năm 2014, Lee Jae-yong đã thay cha điều hành Samsung. Tuy nhiên "Thái tử Samsung" cũng vướng vào nhiều tội danh như thao túng cổ phiếu, hối lộ khiến danh tiếng đi xuống. Hồi tháng 5, ông Lee phải công khai cúi đầu xin lỗi và cho biết sẽ không để các con thừa kế vị trí của mình tại Samsung.
Các chuyên gia chỉ ra rằng gia đình của cố chủ tịch Samsung có thể chọn nộp thuế trong nhiều năm, theo luật của Hàn Quốc, cho phép họ nộp theo từng đợt trong thời hạn 5 năm. Hiện chưa có thông tin gì về di chúc của cố chủ tịch Samsung. Tuy nhiên, dù ai thừa kế khối tài sản của ông Lee cũng sẽ phải đối mặt với khoản thuế lớn, có thể buộc phải bán bớt tài sản để nộp thuế.
Gia tộc Samsung không phải là trường hợp đầu tiên phải nộp khoản thuế khổng lồ để thừa kế tài sản ở Hàn Quốc. Năm 2019, người thừa kế của tập đoàn Hanjin Group cũng gặp trường hợp tương tự sau cái chết của cố Chủ tịch Cho Yang-ho. Ông Choi Won-tae, Chủ tịch Korean Airlines, và là con trai của ông, Cho Yang-ho, phải từ bỏ quyền quản lý và bán một phần cổ phần trong khoản tài sản được thừa kế để trả thuế. Ước tính mức thuế thừa kế mà ông Cho Won-tae phải trả hơn 270 tỷ won (232 triệu USD). Hay ông Lee Woo-hyun, giám đốc điều hành công ty OCI, buộc phải từ bỏ vị trí cổ đông lớn nhất trong công ty sau khi bán cổ phiếu nắm giữ để trả 200 tỷ won (175,36 triệu USD) tiền thuế thừa kế.
Ông Lee Kun-hee lên nắm quyền lãnh đạo tập đoàn Samsung vào năm 1987 sau cái chết của cha, nhà sáng lập Lee Byung Chul. Khi đó, Samsung chỉ là một doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc nhỏ bé nổi tiếng với việc kinh doanh mì ăn liền, sản xuất tivi cùng lò vi sóng giá rẻ. Ông Lee Kun Hee chính là người đã đưa Samsung vươn lên trên lĩnh vực công nghệ, thống trị thị trường màn hình phẳng và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Samsung hiện là tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, chiếm 20% GDP của quốc gia này. Tập đoàn Samsung có 59 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm, đóng tàu, khách sạn, công viên giải trí và thời trang. Trong đó, Samsung Electronics là công ty con quan trọng nhất của tập đoàn và là nhà sản xuất điện thoại thông minh và chip nhớ lớn nhất thế giới.
Sơn Nam (Theo Reuters, Bloomberg)