Hôm 8/8, Korea Times dẫn nguồn tin từ một quan chức trong lĩnh vực chứng khoán cho biết kể từ khi tâm lý nhà đầu tư xấu, các tập đoàn ở Hàn Quốc buộc phải rút lại kế hoạch niêm yết (IPO) các công ty con. Vì vậy những người thừa kế chaebol (các tập đoàn gia đình lớn ở Hàn Quốc) không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chờ đợi cơ hội tiếp theo để đảm bảo có đủ tiền mặt trả thuế thừa kế cho số cổ phần nhận từ cha hoặc mẹ.
Lee Sun-ho (CEO CJ CheilJedang) và Lee Kyung-hoo (CEO CJ ENM) lần lượt là con trai và con gái của Lee Jay-hyun - Chủ tịch Tập đoàn CJ - là những người thừa kế chaebol rơi vào tình cảnh trên. Đầu tháng này, CJ Olive Young - công ty con của Tập đoàn CJ - đột ngột thông báo tạm dừng kế hoạch IPO và không tiết lộ thời điểm sẽ tiếp tục.
CJ Olive Young - công ty quản lý chuỗi cửa hàng chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp H & B - đã đẩy mạnh kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán Seoul vào cuối năm nay, sau khi thuê Mirae Asset Securities, Morgan Stanley, KB Securities và Credit Suisse thực hiện các thủ tục vào tháng 11 năm ngoái. Tuy nhiên, cuối cùng CJ Olive Young hủy kế hoạch IPO với lý do điều kiện thị trường gần đây khiến công ty khó có được đánh giá tốt.
CJ Group phủ nhận những đồn đoán rằng đợt IPO của CJ Olive Young là nhằm tăng cường kế hoạch chuyển giao quyền quản lý cho người kế nhiệm. Tuy nhiên hầu hết các nhà phân tích chứng khoán đều nói rằng việc niêm yết cổ phiếu nhằm giúp con của Chủ tịch đảm bảo đủ tiền mặt để mua thêm cổ phần trong CJ Corp -công ty nắm giữ cổ phần kiểm soát của tập đoàn.
Theo hồ sơ pháp lý gần đây của CJ Olive Young, con trai của Chủ tịch CJ nắm giữ 11,04% cổ phần trong chuỗi cửa hàng H & B, trong khi con gái sở hữu 4,21% cổ phần.
"Do quyền lãnh đạo của Chủ tịch vẫn không bị ảnh hưởng, CJ Group dường như sẽ không tiếp tục với việc chuyển giao quyền quản lý cho đến khi định giá của Olive Young tăng lên", một nhà phân tích từ một công ty chứng khoán Hàn Quốc nói.
Một người thừa kế chaebol khác bị ảnh hưởng bởi thị trường IPO ảm đạm là Chung Ki-sun - CEO HD Hyundai - người nắm giữ 5,26% cổ phần trong công ty mẹ của Tập đoàn Hyundai Heavy Industries (HHI).
Chung Ki-sun - con trai lớn nhất của Chủ tịch Quỹ Asan Chung Mong-joon, cổ đông lớn nhất của HD Hyundai - ban đầu được kỳ vọng sẽ củng cố quyền kiểm soát của mình tại tập đoàn, sau khi Hyundai Oilbank niêm yết cổ phiếu, vì HD Hyundai là cổ đông lớn nhất của nhà máy lọc dầu này. Tuy nhiên, Hyundai Oilbank đã đột ngột hủy bỏ đợt IPO vào tháng trước.
"Do điều kiện thị trường gần đây khiến công ty của chúng tôi khó được đánh giá đúng mức dù có lợi nhuận ổn định, nên chúng tôi đã quyết định không theo đuổi kế hoạch IPO", một lãnh đạo của Hyundai Oilbank cho biết vào tháng trước.
Chung Euisun - anh họ của Chung Ki-sun - Chủ tịch Điều hành Tập đoàn Hyundai Motor Chung Euisun, cũng gặp phải vấn đề tương tự, khi Hyundai Engineering hủy niêm yết vào đầu năm nay. Chung Euisun nắm giữ 11,7% cổ phần của Hyundai Engineering, đã lên kế hoạch bán 5,34 triệu cổ phiếu, có thể trị giá tới 400 tỷ won (307 triệu USD), nếu Hyundai Engineering IPO.
Nhiều người kỳ vọng Chung sẽ sử dụng tiền huy động được trong đợt IPO Hyundai Engineering để mua thêm cổ phần của Hyundai Mobis - công ty mẹ trên của tập đoàn ôtô Hàn Quốc - hoặc trả phần thuế cho cổ phiếu mà ông sẽ thừa kế từ cha mình, Chủ tịch Hyundai Motor Group Honorary Chung Mong-koo. Tuy nhiên mọi kế hoạch đã đổ bể khi đợt IPO Hyundai Engineering bị hủy.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đánh thuế thừa kế cao nhất thế giới, ở mức 50% khi vượt quá 3 tỷ won. Tuy nhiên, nếu người thừa hưởng trở thành cổ đông lớn nhất trong doanh nghiệp gia đình, mức thuế sẽ tăng lên 65%. Để củng cố quyền lãnh đạo tại tập đoàn gia đình, nhiều người thừa kế chaebol buộc phải có tiền mặt để đóng thuế thay vì bán ra cổ phần mình được thừa kế.
Sơn Nam (Theo Korea Times)