Hơn 30 năm qua, Joyce Barnes đã làm công việc chăm sóc bệnh nhân tại nhà ở Richmond, bang Virginia, với mức lương 8,25 USD/giờ mà không có bất kỳ ngày nghỉ có lương nào. Bởi vậy khi bị bệnh, cô vẫn gắng gượng đi làm để có tiền trả các hóa đơn đổ về hàng tháng.
"Tôi không thể không đi làm, vì vậy có lần bị chó cắn tôi cũng không nghỉ làm. Mỗi ngày tôi cầu nguyện cho bản thân khỏe mạnh để tiếp tục công việc", Barnes nói.
Tháng 7 năm ngoái, Barnes bị lây bệnh từ một bệnh nhân, khiến cô phải nhập viện hơn một tuần. Cô phải vay mượn tiền của người thân để trả các hoá đơn vì không có thu nhập khi nghỉ ốm. Hiện cô vẫn trả góp đều đặn hàng tháng khoản tiền hàng nghìn USD chi phí y tế, mặc dù có bảo hiểm y tế.
"Tôi có rất nhiều khoản nợ y tế phải trả. Một xét nghiệm đã tiêu tốn 3.000 USD và tôi vẫn đang phải trả dần khoản tiền đó", Barnes nói thêm.
Covid-19 bắt đầu lan rộng trên toàn nước Mỹ với hơn 1.600 trường hợp mắc bệnh và 40 ca tử vong được ghi nhận đến ngày 13/2. Theo các nhà phân tích, hàng triệu lao động thu nhập thấp làm việc trong các ngành dịch vụ sẽ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương do không được hưởng các phúc lợi về y tế và chính sách nghỉ có hưởng lương khi Covid-19 lan rộng.
Hiện có hơn 32 triệu người lao động ở Mỹ không có ngày nghỉ ốm hưởng lương. Những đối tượng này cũng ít có khả năng tiếp cận với các phúc lợi y tế và chăm sóc sức khoẻ. Họ cũng có khả năng nhiễm bệnh cao hơn do thiếu bảo hiểm y tế và nghèo đói khiến họ e ngại chi tiêu hàng nghìn USD để khám chữa bệnh. Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, 69% người lao động thu nhập thấp không được hưởng chính sách nghỉ ốm có hưởng lương.
"Thu nhập quá thấp không cho phép họ nghỉ làm không hưởng lương. Vì vậy khi bị bệnh, họ vẫn phải tiếp tục làm việc và tiếp xúc với những người khác", Harry Holzer, một giáo sư về chính sách công tại Đại học Georgetown, nhận định.
Tiến sĩ Erica Groshen, giảng viên Đại học Cornell, giải thích những tiến bộ công nghệ đã giúp người lao động trí óc làm việc tại nhà dễ dàng hơn, giúp họ ít có khả năng nhiễm bệnh và có thể xoay xở được trong dịch bệnh. Nhưng những người lao động thu nhập thấp thường là lao động phổ thông với những công việc chân tay không thể làm tại nhà. Điều đó có nghĩa khi Covid-19 bùng phát có thể khiến họ mất việc làm, sức khỏe và thậm chí tính mạng của mình.
"Đó là sự bất bình đẳng trong xã hội và nó bộc lộ rõ khi dịch bệnh xảy ra", tiến sĩ Erica nhận xét.
Những người thu nhập thấp như nhân viên sân bay đang ở tuyến đầu tiếp xúc với nCoV nhưng vẫn không được bảo vệ hay điều trị y tế đầy đủ. Leila Benitez là nhân viên vệ sinh máy bay tại Sân bay quốc tế Miami trong 8 năm mà không có bảo hiểm y tế hoặc hưởng lương khi nghỉ ốm.
"Cuối cùng tôi cũng phải nghỉ một ngày vì ốm nặng quá và phải trả hàng trăm USD để đi bác sĩ", Benitez nói. Cô thường phải đến Cộng hòa Dominica để khám sức khoẻ và chữa trị vì chi phí ở đó chỉ bằng một phần nhỏ ở Mỹ.
"Khi tôi lau dọn máy bay, có chất thải, rác, khăn giấy bẩn. Chúng tôi không có đủ thời gian để rửa tay. Găng tay bảo hộ thì mỏng và cũng không vừa", Benitez nói thêm.
Một số tiểu bang và thành phố ở Mỹ đã ban hành luật bắt buộc chủ lao động có chính sách cho phép người lao động nghỉ hưởng lương. Tuy nhiên không nhiều doanh nghiệp thực hiện đúng quy định này.
"Tháng trước, tôi phải dạy trong khi bị ốm và việc này làm căn bệnh kéo dài. Tôi đã lo lắng học sinh có thể bị lây nhưng tôi không được nghỉ vì không được hưởng chế độ nghỉ có lương", Val Pappas-Brown, một trợ giảng ở khu vực Baltimore, cho biết.
Joan Bevelaqua, trợ giảng cho một số trường đại học ở Maryland trong 20 năm qua, cho hay cô chưa bao giờ xin nghỉ ốm vì sợ mất thu nhập. Cô đang cố gắng sắp xếp dạy thêm trong hè để kiếm bù phần thu nhập đã mất trong học kỳ này, khi nghỉ làm do gãy xương đùi.
"Chúng tôi làm trợ giảng với hy vọng sẽ trở thành giảng viên toàn thời gian, và rồi ngày qua ngày tôi vẫn là một trợ giảng. Tiền lương rẻ mạt, lại không có trợ cấp, chúng tôi cũng không có chế độ nghỉ ốm thoả đáng Thế nên dù bệnh, chúng tôi vẫn phải đến trường", Joan Bevelaqua nói.
Trong khi đó, nếu lo lắng về dịch bệnh, nhà giàu Mỹ có thể lên máy bay riêng đi sang vùng khác hoặc gọi điện tới bệnh viện mang tên mình.
Sơn Nam (Theo Guardian)