Lễ chạm ngõ là buổi gặp gỡ đầu tiên của hai gia đình, là dịp để nhà trai chính thức ngỏ lời với nhà gái để đôi nam nữ được tìm hiểu nhau trước khi đến hôn nhân. Nhưng nhiều uyên ương còn băn khoăn, liệu ai sẽ là người thông báo tới nhà gái về ngày chạm ngõ và kế hoạch, lịch trình ra sao? Bạn Thanh Hiền có chia sẻ băn khoăn với Ngoisao.net: "Trước khi hai bên gia đình gặp mặt thì ai sẽ là người thông báo cho nhà gái? Có phải bố mẹ chồng tương lai gọi con dâu tương lai đến để thông báo về việc gặp mặt? Hay chú rể nói với cô dâu rồi cô dâu về thông báo lại với gia đình nhà gái để khi nào 2 gia đình rảnh thì nhà trai lên nhà gái gặp? Chú rể có cần phải nói gì với bố mẹ nhà gái trước không hay tất cả đều do cô dâu nói? Nếu trong trường hợp hai nhà khác thành phố với nhau thì nên làm thế nào?"
Đây là thắc mắt khá phổ biến của các uyên ương bởi ai cũng muốn hai gia đình sớm thân thiết, gần gũi để mối quan hệ uyên ương càng gắn bó, suôn sẻ. Ngoisao.net sẽ đưa ra một số giải pháp để các cặp đôi tham khảo, áp dụng cho từng trường hợp cụ thể.
1. Cách liên lạc chính thức giữa hai gia đình
- Cô dâu chú rể nên là cầu nối giữa hai nhà, nhưng với những sự kiện trọng đại như chạm ngõ, ăn hỏi hay đón dâu, bố mẹ hai bên nên liên hệ trực tiếp với nhau.
- Nếu gia đình ở gần nhau, uyên ương nên sắp xếp cho hai bà mẹ gặp gỡ trước để chuyện trò. Phụ nữ thường nhanh chóng thân thiết và dễ dàng bàn tới hôn nhân hệ trọng của con cái. Ngay cả khi chưa quen biết nhau trước đó, phụ huynh cũng nên chuyện trò cởi mở, làm quen. Địa điểm hẹn gặp nên là một nhà hàng, quán cafe tùy theo sở thích nhưng nên chọn nơi yên tĩnh, phù hợp với người lớn tuổi. Khi đã gặp mặt, hai bà mẹ có thể bàn bạc tới việc chạm ngõ. Buổi chạm ngõ có thể được quyết định ngay trong buổi gặp đầu tiên đó, hoặc sẽ được thông báo sau khi cả gia đình hai nhà đã thống nhất.
- Nếu gia đình ở xa nhau, uyên ương cũng nên để phụ huynh nói chuyện trực tiếp qua điện thoại, không nên truyền đạt thông tin bắc cầu như nhà trai nói với chú rể, chú rể nói với cô dâu rồi cô dâu về báo lại với cha mẹ. Cách truyền tin qua nhiều người như vậy có thể bị đánh giá là không tôn trọng đối phương. Ngay cả khi không có điều kiện tới tận nơi để gặp mặt trực tiếp thì cuộc chuyện trò qua điện thoại cũng giúp hai mẹ phần nào hiểu nhau, thân thiết hơn. Đó cũng là cách thể hiện sự lịch sự, văn hóa của gia đình.
- Sau khi đã tạo dựng mối quan hệ thân tình giữa hai gia đình, nhà trai cần là người chủ động báo lại ngày giờ, lịch trình lễ chạm ngõ để nhà gái sắp xếp hợp lý.
2. Lịch trình ngày chạm ngõ
Cùng với lễ ăn hỏi, đón dâu, chạm ngõ là một trong ba nghi thức cưới truyền thống không thể thiếu của người Việt Nam. Nhưng buổi lễ này thường diễn ra nhanh gọn, không cầu kỳ như hai nghi thức còn lại.
+ Thành phần tham gia: Thường chỉ có bố mẹ hai bên, anh chị em ruột của uyên ương cùng cặp đôi tham gia nghi thức này. Nếu cầu kỳ hơn, hai gia đình có thể mời thêm 2-3 người thân thiết trong họ hàng tới dự.
+ Lễ vật: Vì chạm ngõ là buổi gặp gỡ mang ý nghĩ văn hóa và là buổi làm quen chính thức giữa hai gia đình nên nhà trai không cần chuẩn bị cầu kỳ. Gia đình nhà trai cũng có thể tham khảo ý kiến nhà gái để mọi việc diễn ra suôn sẻ. Gia đình cầu kỳ thì sẽ muốn có trầu cau, chè, thuốc trong lễ vật chạm ngõ. Nhiều gia đình không quá câu nệ lại chỉ yêu cầu hoa quả, bánh kẹo đơn giản. Khi gia đình nhà gái chấp nhận lễ vật và mang lên bàn thờ thắp hương tổ tiên nghĩa là buổi lễ đã diễn ra suôn sẻ, thuận lợi.
Sau khi buổi lễ kết thúc, nhà gái có thể mời gia đình nhà trai ở lại dùng cơm thân mật. Buổi gặp gỡ sẽ trở thành dịp để hai nhà hiểu nhau và vun đắp mối quan hệ thông gia tương lai thân tình, vui vẻ.
Linh Linh