Xã Nậm Ban là thủ phủ của người Mảng thuộc huyện Nậm Nhùn (Lai Châu). Muốn đến xứ sở xa xôi này, phải qua con đường dẫn vào xã đèo cao, dốc đứng. Nậm Ban nằm lọt thỏm dưới thung lũng, nơi có dòng suối Nậm Ô quanh năm tuôn chảy. Những ngôi nhà của bà con người Mảng nằm treo leo bên sườn núi. Sống ở vùng sơn cước, nhưng đất ở cho bà con nơi đây lại chật hẹp. Bao năm qua, tộc người này đang vật lộn với đời sống thường nhật để từng bước hòa mình với xứ sở văn minh.
Giữa lúc nhà nhà lo hòa nhập, tiến cho kịp miền xuôi, tại bản Nậm Ô có một thanh niên của bản tên là Lý A Tinh (sinh năm 1990) từ nhiều năm nay bỗng “hóa” thành người rừng. Tinh khước từ cuộc sống văn minh, lột bỏ quần áo, ở trần, ăn sống xít như con người thuở hồng hoang. Ban ngày Tinh trốn biệt trong rừng thẳm, đêm xuống, Tinh mò tới các bản kiếm ăn. Bà con người Mảng ở Nậm Ban lo ngay ngáy vì sự tác oai, tác quái của tay người rừng chạy nhanh như sóc này.
Nhà chị Chìn Me Long, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Ban thuộc diện khá giả so với nhiều gia đình khác, có của ăn của để. Chị Long có 8 con lợn nái, 21 con trâu, bò. Thường thì ở nơi góc núi, xó rừng này, lợn, gà thả rông ngoài vườn, chẳng bao giờ mất, nhưng giờ khi mặt trời khuất sau đỉnh núi, chị Long đã tất bật lùa đàn lợn về chuồng, cho đám gà vào lồng rồi đưa vô bếp khóa cẩn thận. Chị làm mọi việc gấp gáp như để chạy đua với thời gian.
“Mấy đêm trước, thằng Tinh đã về rình nơi góc rừng rồi. Nó còn tiến sát chuồng trâu nhà tôi. Mình mà sơ sểnh là nó cuỗm ngay”, vừa nói chị Long vừa đưa mắt về phía rừng già với thái độ đầy thận trọng.
Sau cả buổi chuẩn bị đón khách, bữa cơm tươm tất được gia chủ dọn ra đãi khách. Chị Long xuống bếp, bê nồi cơm lên nhà đặt gần mâm cơm. Anh Đới, chồng chị, nhìn vợ mà không giấu nổi nỗi lo: “Mấy lần nhà tôi dọn cơm xong, tự nhiên nồi cơm không cánh mà bay. Hóa ra, A Tinh đã rình ngoài cửa từ bao giờ, đợi không có người để ý là cuỗm luôn cả nồi cơm. Hắn đã lấy cơm là mất luôn cả nồi”.
Dường như thói quen đề phòng mất trộm đã ngấm vào “máu” của từng thành viên của gia đình này. “Đôi dép, xoong, nồi và bất cứ thứ gì ăn được là thằng Tinh nó lấy ngay. Tết vừa rồi, nhà tôi có thịt con lợn treo ở bếp, nó cũng xơi sạch rồi”, mỗi khi nói đến A Tinh là chị Long lại sởn da gà. Suốt 3 năm qua, gia đình chị Long luôn sống trong cảnh phấp phỏng và bất an. Người rừng Lý A Tinh đã gieo nỗi khiếp đản mỗi khi đêm về.
Khi khách ngủ tại ngôi nhà sàn của gia đình chị Long, ban đêm bị đánh thức liên tục vì tiếng cho sủa rất dữ ở dưới nhà. Mỗi lần như vậy, vợ chồng chị Long hô nhau dậy. Người cầm đèn pin, người cầm dao lao vội xuống nhà. Thoáng trong ánh đèn pin dọi về phía rừng chỉ thấy lá cây động đậy, chứ không thấy một bóng người.
Vợ chồng chị ngồi bên hiên nhà sàn cho đến khi bản yên ắng trở lại mới vào nhà. Anh Đới bảo: “Hầu như đêm nào vợ chồng tôi cũng chẳng yên giấc. Thằng Tinh về bản là chó sủa ầm ĩ. Những chú chó săn thiện nghệ của bản được bà con cất công chăm sóc cẩn thận mà cũng chỉ nhìn Lý A Tinh “vượt mặt” mà không sao ngăn nổi. A Tinh nhanh như con sóc, vừa nhìn thấy nó cửa trước, nó đã vòng ra cửa sau nẫng đồ rồi mất hút vào rừng. Vợ chồng tôi rình nhiều ngày mà không sao tóm được nó”.
Khi cả nhà chị Long chuẩn bị ngủ tiếp, lại có tiếng kêu phía nhà chị Đỗ Thị Diễn - người ở miền xuôi lên bán hàng tạp hóa ở đầu bản Nậm Ô. Hóa ra A Tinh không bắt được gà của nhà chị Long, hắn đã ra nhà chị Diễn. Vừa đến nhà chị Long, chị Diễn mặt mày đỏ gay: “Bực không chịu được. Có đàn gà gần chục con, nó bắt dần, bắt mòn gần hết rồi. Có hôm tôi nhìn thấy nó bắt gà mà không dám ra đuổi. Thân gái một mình, trong khi A Tinh trần như nhộng còn hù dọa cả tôi nữa”.
Gà dường như là món ăn khoái khẩu của người rừng A Tinh. Nhà chị Tào Me Liên ở cạnh nhà chị cũng bị Tinh xơi sạch cả đàn gà. Ở bản Nậm Ô này dường như nhà nào cũng mất gà, mất lợn. Những phi vụ oanh tạc vào bản bắt trộm gà, trộm lợn của A Tinh ngày càng thiện nghệ và tinh vi hơn.
Nhắc tới A Tinh là người dân nơi đây dị ứng. Ai cũng gán cho A Tinh cái biệt danh “cú đêm”, “chồn bay” hay “sóc bay” với thái độ thù hằn.
Gia đình ông Nùng A Biên có trại ở trên núi cũng vừa đứng ngồi không yên vì 28 con gà của gia đình lần lượt bị A Tinh bắt đi. Ông Biên đã canh phòng rất cẩn thận, nhưng A Tinh nhanh như con sóc. Thoáng cái A Tinh đã bắt được gà mang đi. Tinh bắt gà lên núi vặt lông, nướng qua quýt là chén liền. Có người còn nhìn thấy A Tinh ăn cả thịt sống.
Ông Biên còn kể, có lần A Tinh mò đến bản Mông bắt trộm lợn. Trai bản nơi đó phát hiện, họ dùng cung, nỏ đuổi theo tên trộm tinh quái. A Tinh chạy ra đến vực. Mấy trai bản cười hả hê, trong ánh đèn pin nhập nhoạng, họ giương nỏ lên dọa tay người rừng. Ai cũng nghĩ lần này A Tinh có cánh cũng không chạy thoát nổi. Trước những mũi nỏ đang chĩa về phía mình, A Tinh không lưỡng lự nhảy luôn xuống vực.
Sáng hôm sau, đám trai bản này, tất dây để xuống vực xem có thấy xác của A Tinh không. Điều lạ là không thấy bất cứ một giọt máu, hay dấu vết nào bị thương của người rừng cả. Đêm hôm sau, A Tinh trở lại bản bắt liền mấy con lợn để trả thù.
Ông Lý A Quân, Trưởng bản Nậm Ô cũng xác nhận, từ ngày Tinh “hóa” người rừng, cái bản này mất trộm như cơm bữa. Không gia đình nào được yên ổn. Xưa, lợn, gà của bà con thả đầy ngoài vườn, con nào lạc đàn được bà con mang trả lại, nay A Tinh chén sạch, chẳng tha con nào cả.
Gặp bất cứ một công dân người Mảng nào hỏi về A Tinh, họ đều nổi xung rồi cười trừ vì suốt 3 năm qua, họ đã “bó tay” trước những phi vụ đột nhập do A Tinh gây ra.
Lý A Hiên, anh trai của A Tinh, cũng rầu lòng. Nhà anh Hiên ở gần bìa rừng, nên thi thoảng Tinh có về nhà anh Hiên kiếm cái ăn. Anh Hiên kể, dù ở rừng, nhưng hắn khôn lắm! Nếu mình để bát cơm riêng lẻ ở bếp, không bao giờ A Tinh lấy ăn. Hắn sợ người khác bỏ độc vào thức ăn. Hắn chỉ thích ăn cơm ở trong nồi đặt trên bếp.
Kể về người em trai của mình, anh Hiên không giấu nổi nỗi xót xa: “Nó bỏ đi mấy năm rồi. Nó không thích ngủ ở nhà nữa. Nó chỉ thích ra rừng ở thôi”.
Theo VTC News