Ứng dụng gọi xe Didi trên điện thoại thông minh hiện hoạt động giống như các đối thủ Uber và Lyft của Mỹ. Điều khiến startup này trở nên hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư là khả năng mở rộng nhanh chóng nhờ thị trường lớn từ đất nước 1,4 tỷ dân.
Hiện Didi có khoảng 400 triệu khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ từ hơn 400 thành phố Trung Quốc. Ứng dụng cung cấp 25 triệu chuyến xe mỗi ngày, gần gấp đôi số lượng lượt xe từ Uber và tất cả các nền tảng gọi xe khác cộng lại. Startup có khoảng 7.000 nhân viên, hơn 50% trong số đó là các kỹ sư và nhà khoa học dữ liệu.
Jean Liu, 39 tuổi, gia nhập Didi năm 2014 - hai năm sau startup này được sáng lập. Cô trở thành nữ giám đốc điều hành startup công nghệ nổi tiếng nhất ở Trung Quốc. Liu giành được sự chú ý của công chúng khi nền tảng gọi xe mở rộng nhanh chóng, trong khi bản thân cô chiến thắng bệnh ung thư vú vào năm 2016. Cô phần nào được thừa hưởng gene khởi nghiệp công nghệ từ bố - ông Liu Chuanzhi, người sáng lập công ty Lenovo.
Liu từng theo học ngành khoa học máy tính tại đại học Harvard, có giọng nói nhẹ nhàng và cách phát âm tiếng Anh chuẩn Mỹ. Cô thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư toàn cầu khi vận hành ứng dụng gọi xe Didi. Thành công gần nhất của Liu là kéo về khoản đầu tư 4 tỷ USD tháng 12/2017, đẩy khoản vốn rót vào startup này lên 10 tỷ USD năm ngoái.
Thương vụ này cũng giúp củng cố vị thế startup giá trị nhất hành tinh của nền tảng gọi xe Trung Quốc với giá trị 56 tỷ USD, vượt qua Uber (48 tỷ USD). Liu tiết lộ khi chuyển từ Hong Kong đến Trung Quốc sống vào năm 2012 và gặp những rắc rối về mua ôtô, không thể có bằng lái, cô bị phụ thuộc vào việc di chuyển nhờ taxi. Liu thường phải chịu đựng việc chờ đợi xe khá lâu khi trời đổ mưa cũng như bị lờ đi khi cố bắt taxi trên đường. Những trải nghiệm tồi tệ khiến Liu quyết định tham gia vào startup gọi xe Didi.
Nhiệm vụ đầu tiên của Liu là tiến hành thương vụ hợp nhất phức tạp với một trong chính những đối thủ lúc bấy giờ của Didi là Kuaidi Dache. Didi sau đó đã đổi tên thành Didi Kuaidi vào năm 2015 và giờ là Didi Chuxing. Startup này cũng từng từ chối Uber lúc đó đã tuyên bố sẽ thâu tóm thị trường Trung Quốc sau khi có mặt tại quốc gia này vào năm 2013. Trong hai năm, nguyên CEO của Uber, Travis Kalanick "đốt tiền" vào Uber, trợ cấp tiền vé, tiền lương cho các tài xế trong chiến lược bành trướng dịch vụ vào hàng chục thành phố.
Đáp lại, Didi cũng "phá giá" không tưởng. Cuộc chiến giữa hai startup gọi xe đình đám biến thành cuộc chiến cá nhân của các nhà điều hành đứng đằng sau. Giữa năm 2015, Kalanick đã thuê anh họ của Liu là Liu Zhen làm giám đốc điều hành cấp cao.
Cả hai công ty đều cật lực chạy đua trong một cuộc thi "tiêu tiền". Uber mất khoảng 2 tỷ USD. Didi có thể còn thiệt hại nhiều hơn số đó. Tuy vậy, Didi cũng kêu gọi được hàng tỷ đôla tiền vốn để bù đắp vào đó. Khi "cuộc chiến" leo thang, Liu giành được các khoản tài trợ từ Alibaba và Tencent, hai tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc.
Không lâu sau đó, dưới áp lực từ các nhà đầu tư sau con số thiệt hại khủng, Uber đã phải "tung cờ trắng" đầu hàng. Liu lập tức đưa ra chiến lược "đấu dịu". Cô đề nghị dành 18% cổ phần ở Didi cho Uber, đổi lại thế độc tôn ở thị trường Trung Quốc. "Lý do duy nhất khiến chúng tôi chiến thắng là bởi startup đã không bị thâu tóm", Liu cho biết. Cô cũng tin rằng việc tung ra 6-7 sản phẩm, dịch vụ mới trong thời gian cạnh tranh khốc liệt khiến Didi trở nên hấp dẫn hơn trong mắt khách hàng.
Nhiều thứ có thể được đem ra phân tích và mổ xẻ từ cuộc chiến này. Đầu tiên, đây là sự đụng độ giữa phong cách lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc. Trong khi Kalanick thể hiện sự uy quyền và tự tin của một CEO nổi tiếng, Liu lại tự nhìn nhận về mình là một con người nhút nhát. "Tôi chỉ là một trong số những cô gái Trung Quốc chăm chỉ làm việc và luôn cúi đầu", Liu chia sẻ.
Tùng Hạ (Theo Wired)