Theo truyền thông địa phương, người phụ nữ sống tại Gia Nghĩa, đã giảm 5 kg trong vòng 6 tháng và thường xuyên cảm thấy đầy hơi, đau bụng. Sau khi tiến hành nội soi dạ dày và siêu âm nhưng không phát hiện bất thường, bà được chỉ định nội soi đại tràng tại Bệnh viện Từ Tế Đại Lâm. Kết quả cho thấy có hai con giun màu trắng trong đại tràng sigma. Bác sĩ đã loại bỏ chúng và gửi đi xét nghiệm, xác định là giun đũa (Ascaris lumbricoides) dài khoảng 20 cm.
Người phụ nữ này có thói quen ăn rau sống, đặc biệt là rau diếp tự trồng. Gia đình làm nghề chăn nuôi lợn và bà sử dụng phân lợn để bón cho vườn rau. Các chuyên gia nghi ngờ nguồn lây nhiễm đến từ trứng giun có trong phân lợn chưa qua xử lý, bám vào rau, sau đó xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống.
Bác sĩ Zeng Xuhuan, chuyên khoa tiêu hóa gan mật tại bệnh viện, cho biết các ca nhiễm giun đũa hiện nay khá hiếm ở Đài Loan do điều kiện vệ sinh cộng đồng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây nhiễm chéo giữa người và lợn, đặc biệt ở các hộ gia đình chăn nuôi và sử dụng phân hữu cơ không đảm bảo an toàn.

Hai con giun đũa ký sinh trong ruột già người phụ nữ 69 tuổi. Ảnh: Bệnh viện Đại Lâm
Bác sĩ giải thích, sau khi trứng giun đũa được nuốt vào cơ thể, chúng nở thành ấu trùng trong ruột, rồi di chuyển qua máu đến phổi. Tại đây, chúng có thể gây các triệu chứng như ho, sốt, khó thở, thậm chí ho ra đờm có lẫn máu. Ấu trùng phát triển thành giun trưởng thành trong ruột, khiến người bệnh bị đau bụng, chướng bụng, rối loạn hấp thu, sụt cân, suy dinh dưỡng.
Việc điều trị nhiễm giun đũa hiện nay tương đối đơn giản, thường sử dụng thuốc dạng uống trong một liều duy nhất hoặc theo liệu trình 3 ngày. Tuy nhiên, do giun đũa có thể tái nhiễm hoặc trứng còn sót, bác sĩ thường chỉ định dùng thuốc tẩy giun lần hai sau từ một đến 3 tháng để đảm bảo loại bỏ hoàn toàn. Sau điều trị, bệnh nhân trên đã hồi phục hoàn toàn.
Các chuyên gia khuyến cáo, dù rau trồng tại nhà thường được xem là an toàn nhưng nếu sử dụng phân hữu cơ như phân lợn, phân gà chưa xử lý kỹ, nguy cơ ô nhiễm trứng giun, vi khuẩn và ký sinh trùng rất cao. Đặc biệt, các loại rau ăn sống như rau diếp, xà lách cần được rửa kỹ nhiều lần dưới vòi nước sạch, có thể ngâm thêm nước muối loãng hoặc dung dịch khử khuẩn rau. Người dân nên hạn chế sử dụng phân chưa qua ủ để bón rau, đồng thời giữ vệ sinh tay sạch sẽ trong quá trình chế biến thực phẩm.
Phạm Linh (Theo Sohu)