Theo truyền thông địa phương, Pan Yuanxiang là tấm gương phụ nữ vượt khó ở thành phố Nghi Tân, tỉnh Tứ Xuyên sau khi chiến thắng trở ngại về thể chất của bản thân để xây dựng kinh tế thành công. Một sơ suất trong điều trị y tế đã khiến Pan bị liệt từ thắt lưng trở xuống sau trận sốt cao năm ba tuổi. Từ đó, cô không thể đi lại bình thường mà phải di chuyển bằng cách dùng cả tứ chi để bò.
Tới 23 tuổi, Pan mới học xong trung học dạy nghề và liên tục bị từ chối khi đi xin việc. Theo The Paper, có lúc cô từng phải đi xin ăn trên đường. Quyết định bắt tay vào kinh doanh chăn nuôi gia súc năm 2013 của Pan vấp phải sự hoài nghi của người thân, bạn bè vì hai dự án kinh doanh trước của cô đều thất bại.
Trước đây, Pan từng mở trang trại nuôi vịt nhưng phải đóng cửa do dịch cúm gia cầm bùng phát. Một dự án liên doanh khác của cô cũng không đạt doanh số như kỳ vọng. Vì vậy, mọi người không tin Pan có thể chăn nuôi gia súc. Họ cho rằng cô còn không đủ chiều cao để chăn một con bò, chứ đừng nói đến việc nuôi cả đàn lớn. "Nhận xét của họ không quan trọng. Tôi vẫn thực hiện vì tôi muốn cho họ thấy tôi có thể làm được", Pan tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn với Pear Video năm 2021.
Đến nay, công việc kinh doanh của Pan thành công ngoài mong đợi, với báo cáo thu nhập hàng năm lên tới 5 triệu nhân dân tệ. Sự thành công này đã truyền cảm hứng, động lực cho những người khuyết tật khác tham gia vào ngành chăn nuôi gia súc. "Khuyết tật không đáng sợ, không có mơ ước còn đáng sợ hơn", Pan nói trong cuộc phỏng vấn với Star News gần đây.
"Tôi sẽ không ngồi chờ và xin người khác giúp đỡ, vì tôi không coi mình là người khuyết tật. Tôi chỉ là một người bình thường. Ngã ở chỗ nào thì đứng lên ở chỗ đó, rồi tiếp tục tiến về phía trước", người phụ nữ giải thích.
Câu chuyện về Pan đang gây ấn tượng mạnh với người dân Trung Quốc và thế giới. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ và tôn trọng sự kiên trì, dũng cảm của Pan. "Cô ấy quả là một người phụ nữ mạnh mẽ, một người có thể tự nắm lấy số phận mình. Cuộc sống sẽ không bao giờ đánh gục được những người không bao giờ bỏ cuộc", một độc giả của tờ SCMP viết. "Sự chăm chỉ, chân thành, thông minh và nghị lực đã giúp cô ấy vượt qua khuyết tật cơ thể để tìm thấy giá trị cuộc sống. Đáng trân trọng biết bao!", một người khác nhận xét.
Tùng Anh (Theo Asia One)