Năm 2014, ở tuổi 27, Christina McKnight, người có thân hình cân đối, khỏe mạnh được chẩn đoán mắc ung thư tuyến giáp. McKnight sau đó thừa nhận trong một đoạn video trên Facebook rằng cô không để ý đến các triệu chứng của bệnh trong vài tuần và chỉ đi khám sau khi được chồng, anh Mathew McKnight, thúc giục.
Trong video, McKnight nói cô đã nghĩ áp lực của việc được thăng chức gây ra các biểu hiện như buồn ngủ, bối rối, kém tập trung, da khô và tóc dễ gãy. Nhưng trên thực tế, nguyên nhân thực sự nghiêm trọng hơn cô tưởng.
Theo Independent, McKnight có thói quen tập thể dục và lối sống khá lành mạnh. Vì thế, khi bị chẩn đoán ung thư tuyến giáp, cô bị sốc.
"Đó là một trong những điều mà tôi chưa từng nghĩ sẽ xảy đến với mình. Tôi còn trẻ và khỏe mạnh. Tôi có thể chạy cự ly half marathon (21 km), tập CrossFit đã ba năm. Ngoài ra, trong nhà tôi không có bất cứ ai gặp tiền sử bệnh về tuyến giáp", cô nói.
Người phụ nữ này cho hay ban đầu, cô thấy rất mệt mỏi và đầu óc không thể tập trung, nhưng cho rằng lý do là áp lực của việc được thăng chức.
"Lúc đó, tôi không thể hoàn thành công việc như trước. Tôi còn phải đi làm vào Chủ nhật cho kịp tiến độ công việc vì đầu óc tôi cứ nhớ nhớ quên quên", McKnight kể.
Người phụ nữ này cho biết cô cũng thấy tóc dễ gãy rụng một cách kỳ lạ, còn da dẻ trở nên khô hơn.
Sau khi tiến hành siêu âm và làm sinh thiết theo đề nghị của bác sĩ, McKnight nhận chẩn đoán bị ung thư. Ban đầu, cô sợ hãi bởi chấp nhận điều này đồng nghĩa việc phải cắt bỏ tuyến giáp. Sau khi tham khảo thêm ý kiến khác, đến tháng 11/2014, McKnight trải qua phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp và điều trị bằng phương pháp cắt bỏ i-ốt phóng xạ để loại bỏ bất kỳ tàn dư nào của ung thư tuyến giáp.
Nhắc đến chẩn đoán ung thư, McKnight kể: "Thật may bác sĩ nhận ra các triệu chứng của tôi, do ông ấy cũng vừa chẩn đoán những người khác mắc căn bệnh này. Ông ấy sờ cổ tôi và tìm thấy một khối u mà tôi thậm chí không hề hay biết và đưa ra chẩn đoán chính xác".
Sau khoảng một năm, McKnight không còn tế bào ung thư trong cơ thể. Để bù đắp lượng hormone bị mất, cô được tiêm thuốc thay thế tuyến giáp.
Ung thư tuyến giáp là gì?
Ung thư tuyến giáp là bệnh xảy ra khi có bất thường trong sự phát triển của các tế bào tuyến giáp, là sự xuất hiện của các tế bào ung thư tạo thành khối u ác tính ở vùng tuyến giáp. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh lý tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới từ 3-10 lần. Ung thư tuyến giáp có 4 dạng: ung thư nhú, ung thư nang, thể tủy và ung thư không biệt hóa.
Các triệu chứng ban đầu của ung thư tuyến giáp bao gồm khối u có thể sờ thấy trên da, thay đổi giọng nói, khó nuốt, sưng hạch bạch huyết, đau cổ và họng.
Điều trị ung thư tuyến giáp
Thông thường, phương pháp điều trị chính sẽ là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp. Phương pháp điều trị ung thư tuyến giáp bằng i-ốt phóng xạ có thể được sử dụng để cắt bỏ (phá hủy) bất kỳ mô tuyến giáp nào không được loại bỏ bằng phẫu thuật hoặc để điều trị một số loại ung thư tuyến giáp đã di căn đến các hạch bạch huyết, cũng như các bộ phận khác của cơ thể.
Ngoài ra, bệnh nhân có thể được xạ trị ngoài, trong đó các máy, chùm tia bức xạ sẽ được chiếu trực tiếp vào các tế bào ung thư để tiêu diệt chúng.
Biến chứng của ung thư tuyến giáp
Ngay cả sau khi điều trị bằng i-ốt phóng xạ và phẫu thuật, các tế bào ung thư vẫn có thể tái phát nhiều năm sau đó. Theo ước tính, 5 đến 20% người có tiền sử ung thư tuyến giáp sẽ thấy các tế bào ác tính tái phát ở cổ. 10 đến 15% người từng ung thư tuyến giáp gặp tái phát của các tế bào ác tính ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn ở xương. Bạn sẽ được yêu cầu đi khám định kỳ do khả năng tế bào ung thư quay trở lại để có thể điều trị ngay lập tức nếu có.
Đối tượng có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp?
Trong khi ung thư tuyến giáp dạng nhú thường ảnh hưởng đến những người từ 30 đến 50 tuổi, ung thư tuyến giáp dạng nang thường ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi, trong khi ung thư tuyến giáp thể biệt hóa hiếm gặp và xảy ra ở người từ 60 tuổi trở lên.
Hướng Dương (Theo India Times)