Năm 19 tuổi, Võ Thảo Linh, đến từ Đà Nẵng, mang thai con gái đầu lòng. Nhưng chưa kịp kết hôn, người yêu chị đã qua đời vì tai nạn giao thông. Khi ấy chị giữ lại đứa bé, bỏ dở việc học đại học để nuôi con lớn khôn. Khi con gái được một tuổi, chị nhờ mẹ chăm con để đi học lại.
Tới lúc con 12 tuổi, chị lấy chồng. Khi ấy, chị là một nhân viên một ngân hàng, đồng thời điều hành một doanh nghiệp riêng. Những tưởng lần này cuộc đời sẽ mỉm cười với chị. Nhưng hai năm trôi qua, cuộc sống vợ chồng chẳng lúc nào êm đềm khi em bé mãi không tới. Đi khám, bác sĩ sản khoa kết luận chị "vô sinh thứ phát". Vì lý do này, hai vợ chồng liên tục lục đục. Cuối cùng, họ quyết định chia tay.
Dù ly hôn, cụm từ "vô sinh thứ phát" vẫn là nỗi ám ảnh với chị. Thảo Linh chẳng thể tin mình không có cơ hội làm mẹ một lần nữa. Chị nhờ bạn giới thiệu một bác sĩ sản khoa ở nước ngoài tư vấn giúp, để tham khảo một ý kiến khác. Và người bạn đã kết nối chị với Dezso Molnar - bác sĩ sản khoa người Hungary làm việc ở Đức, hơn chị 20 tuổi. Từ những bức email qua lại, từ trao đổi thông tin sức khỏe trở thành kết nối tâm tình giữa hai tâm hồn đồng điệu. Hai tháng liền, hai người duy trì nhắn tin cho nhau và dần trở nên thân thiết hơn. Anh cảm thông vì hoàn cảnh, nghị lực của chị, còn chị ngạc nhiên về tình yêu Việt Nam của vị bác sĩ người Hungary.
Câu chuyện giữa cặp bệnh nhân - bác sĩ có bước chuyển đầu tiên khi tháng 11/2017, Dezso sang Việt Nam công tác theo kế hoạch từ trước. Vì muốn gặp chị, anh sẵn sàng hủy khách sạn ở TP HCM để bay về Đà Nẵng trong ba ngày. Ngay từ lúc gặp mặt, anh như "trúng tiếng sét ái tình" với Thảo Linh và thầm nghĩ muốn cưới người phụ nữ này làm vợ. Khi gặp mặt và đọc các kết quả xét nghiệm, kiểm tra của Thảo Linh, anh nói: "Em không bị làm sao hết". Lúc này, chị vẫn bán tín bán nghi nhưng quyết định dừng việc tư vấn.
Để chào mừng anh tới quê hương mình, chị đưa anh đi tham quan Đà Nẵng. Cả hai cùng đến bảo tàng, di tích lịch sử Việt Nam - những nơi anh thích. Anh nói mình là người Do Thái, cũng thuộc một dân tộc trải qua chiến tranh nên rất hiểu, khâm phục trước lịch sử đấu tranh của Việt Nam. Lúc anh đứng khóc trước những hiện vật thời chiến trong bảo tàng, Thảo Linh thấy con tim mình rung động. Kết thúc chuyến đi, anh tiếp tục chuyến công tác tại TP HCM và bay về Đức. Cả hai duy trì nhắn tin, gọi điện.
"Chúng tôi đều đã lớn, từng trải qua tổn thương nên để mọi thứ tiến triển từ từ. Mỗi ngày, chúng tôi trò chuyện với nhau, tình cảm đến chậm rãi. Dù không ai tỏ tình, chúng tôi tự hiểu tình cảm của mình lẫn nửa kia", Thảo Linh nói. Càng tiếp xúc, chị càng yêu thích sự hiền lành, điềm tĩnh của anh, cảm nhận được tình yêu, sự trân trọng anh dành cho đất nước Việt Nam.
Ba tháng sau, bác sĩ Dezso quay lại Việt Nam, ăn Tết Nguyên đán cùng gia đình Thảo Linh với tư cách bạn trai. Nhưng lúc này, chị vẫn chưa đủ tự tin để bàn về tương lai, đi đến hôn nhân mới sau hai lần khổ đau. Tuy nhiên, vị bác sĩ muốn nghiêm túc theo đuổi chị, phát triển quan hệ tình cảm lâu dài.
Lần sang Việt Nam kế tiếp, anh đưa hai con riêng từ cuộc hôn nhân trước tới làm quen với chị. Anh bảo với chị rằng, để các con được biết mình muốn tái hôn và cũng muốn chứng minh với chị là anh rất trân trọng mối quan hệ này. Hai tuần ngắn ngủi ở bên nhau đã khiến đôi bên biết thêm về phong cách sống, nếp sinh hoạt của nhau. Các con anh đều ủng hộ chuyện tình cảm mới của bố.
Khi chuyện tình cảm tiến triển, chị cũng sang Hungary thăm gia đình anh và được chào đón nhiệt tình. Tới nhà anh, chị ngạc nhiên khi thấy bảng tên ghi "Nhà ông bà Dezso - Thảo Linh" do con trai anh tự lắp, thay vào bảng tên cũ của gia đình.
Bố của Dezso là giáo sư, từng dạy nhiều sinh viên Việt Nam tại Hungary. Vì thế ông đã có cảm tình với người Việt từ lâu. Mọi người trong gia đình anh đều biết dùng đũa và đón tiếp Thảo Linh bằng nhiều món ăn Việt. Điều đó đã khiến Thảo Linh tin tưởng đây là gia đình thứ hai của mình. Nhưng chị xúc động nhất là mẹ Dezso khi đó đã 88 tuổi, chỉ có mình anh nhưng vẫn luôn ủng hộ và khuyến khích anh sang Việt Nam nếu muốn.
Sau chuyến đi, về Việt Nam, chị bị cảm. Khi đến bệnh viện để khám tổng quát, bác sĩ thông báo chị có thai. Bác sĩ siêu âm còn trêu chị: "Về bỏ cái ông đó đi nha. Bác sĩ sản khoa gì mà người yêu có thai 10 tuần rồi không biết". Bản thân Thảo Linh rất ngạc nhiên trước tin tức này. Nhưng chị chọn cách điềm tĩnh để thông báo việc có bầu với bạn trai. Chị chụp bức hình kết quả siêu âm thai, gửi cho bạn trai. Nhưng Dezso vẫn đinh ninh chị gửi kết quả của ai khác để nhờ tư vấn. Anh nhắn lại chị: "Anh đang họp, lát anh gọi lại sau nhé. Nhưng như này là có thai rồi đấy".
Bật cười, chị nhắn lại: "Kết quả siêu âm đó là của tôi đấy, đồ ngốc". Lúc này, Dezso lập tức gọi điện cho các con thông báo tin mừng. Anh đã quyết định từ chức Trưởng khoa tại Bệnh viện Đức và cần đợi thêm ba tháng để bệnh viện tìm người thay thế, sau đó tìm kiếm việc làm tại quê hương vợ để chăm sóc mẹ con chị.
Chính thức đến với nhau, vợ chồng Linh quyết định không làm hôn lễ mà tổ chức một tiệc nhỏ phạm vi gia đình ở Đà Nẵng vào đầu năm 2019. Tháng 5/2019, Thảo Linh sinh bé Aaron. Lúc đó, chồng chị đã sang Việt Nam làm việc được khoảng ba tháng để chờ vợ sinh. Sau khi bé Aaron được bốn tháng, cứng cáp hơn, vợ chồng Thảo Linh làm tiệc báo hỷ đãi gia đình, người thân tại Hungary.
Sau kết hôn, Dezso duy trì qua lại giữa Đức và Việt Nam để làm việc. Tuy nhiên khi dịch Covid-19 diễn ra, anh chị đã bàn bạc lại định hướng này bởi anh muốn ưu tiên cho gia đình, chứng kiến mọi bước trưởng thành của con. Năm 2021, Thảo Linh cùng chồng mở một phòng khám sản phụ khoa tại Đà Nẵng. Chị hỗ trợ điều hành, còn anh tập trung vào công tác chuyên môn. Cá nhân chị vẫn duy trì cả công việc tại ngân hàng. "Dù công việc bên Đức và sau này là lời mời sang Thụy Sỹ - nơi anh muốn làm việc từ lâu - đưa ra nhiều đãi ngộ tốt, anh đều chọn gác lại hết vì muốn được ở bên con", chị nói. Là người yêu Việt Nam nên khi con trai học nói, Dezso đề nghị vợ ưu tiên cho con học tiếng Việt trước và anh cũng học theo con. Hàng năm, gia đình nhỏ đều sang châu Âu vài tháng để thăm người thân của Dezso. Đồng thời, anh làm việc tại đây thời gian ngắn để cập nhật kiến thức chuyên môn.
"Có người nói phụ nữ Việt lấy chồng Tây để đổi lấy tấm visa trời Âu. Gia đình tôi cũng từng lo sợ định kiến ấy bị áp đặt vào tôi, dù tôi không cần tấm visa đó. Bản thân tôi cũng từng rất mệt mỏi và ngại mỗi khi cả hai đi cùng nhau vì bị những ánh mắt đánh giá hay phải nghe những câu bóng gió của người khác", Thảo Linh cho hay. Nhưng bản thân chị cho rằng phụ nữ hiện đại không thiếu bằng cấp, năng lực để tự mang đến tài chính và cuộc sống đủ đầy cho chính mình.
"Nếu muốn đổi đời, tôi sẽ chọn sang Đức sống bởi ở đó thu nhập của anh rất cao, thừa sức để lo cho tôi và con. Nhưng chúng tôi quyết định ở Việt Nam để tôi được sống gần gia đình. Tôi còn là người đầu tư tài chính để mở phòng khám, còn chồng làm chuyên môn. Nếu để đổi đời, không ai làm vậy cả" chị nói.
Trải qua 6 năm bên nhau, cặp vợ chồng khác quốc tịch thi thoảng vẫn đối mặt những áp lực về văn hóa, ngôn ngữ, phong cách làm việc khác biệt. Nhưng trên hết, sự cảm thông, bao dung, tình yêu khiến cả hai dung hòa được nhiều khác biệt.
Anh cũng dành cho con riêng của chị tình cảm và trách nhiệm của một người cha. Khi con gái chị du học Phần Lan theo học bổng ngành giáo dục, anh tư vấn cho con về cuộc sống và văn hóa phương Tây, giúp con tự tin hơn. "Anh và tôi cũng cùng chia sẻ trách nhiệm tài chính cho con như bao cha mẹ khác. Tôi cũng rất khâm phục cách anh yêu và dạy con trai nhỏ mỗi ngày theo hướng tôn trọng cả hai nguồn gốc Á - Âu của con, dạy con luôn nhớ con là người có hai nguồn cội", chị tiếp tục. Anh đồng ý sống cùng mẹ vợ và luôn dành cho gia đình chị sự tôn trọng rất lớn. Đó là điều mà Thảo Linh thấy ít người đàn ông phương Tây nào có thể làm được.
"Tôi nghĩ để cuộc hôn nhân gắn bó lâu dài, ngoài tình cảm, trách nhiệm còn cần cả sự tin tưởng. Nhất là những cuộc hôn nhân của những người đã trải qua đổ vỡ thì càng cần có điều này để vượt qua tổn thương, nghi ngại từ vết thương quá khứ để lại", Thảo Linh nói.
>> Xem thêm Cặp chênh lệch 25 cm chiều cao như từ truyện bước ra
Tú Anh
Ảnh: NVCC