Theo Người Lao Động, những năm 70-80, Thái Mỹ được mệnh danh là vùng “tam giác tệ nạn” vì là khu vực giáp ranh giữa TP HCM với các tỉnh Tây Ninh, Long An. Đời sống người dân quá khó khăn nên tình trạng trộm cắp xảy ra thường xuyên, hơn 90% hộ dân trong xã thi nhau đi... buôn lậu. Anh Dương Văn Nam xin mẹ ra phụ việc tại công an xã với suy nghĩ: “Hồi trước các bậc cha, chú đã đánh đuổi giặc ngoại xâm. Giờ đến lượt tụi con phải đẩy lùi cái xấu...”.
Có điều lạ là mỗi khi bắt được đối tượng phạm pháp, nhất là dân địa phương, anh công an trẻ Dương Văn Nam đều bỏ thời gian tìm hiểu rõ hoàn cảnh của họ. Trường hợp phạm pháp do kinh tế quá khó khăn và mới vi phạm lần đầu, mức độ nhẹ, anh bảo lãnh cho họ về làm ăn. Một lần, UBND xã trợ cấp cho mỗi cán bộ công nhân viên 10 kg gạo, anh Nam nhận rồi chở đến cho một gia đình người phạm pháp mới hoàn lương. Mọi người biết chuyện, trêu: “Ai đời công an lại đi lo cho trộm...”.
Cách đây 4 năm, vào một đêm mưa tầm tã, anh cùng lực lượng đi tuần phát hiện ở ấp Bình Hạ Đông có một thanh niên đang trộm... trâu. Bị bắt quả tang với đầy đủ tang vật chứng, tên trộm còn khá trẻ L.V.N., khóc nức nở xin nhận mọi tội lỗi và hình phạt thích đáng. Đối tượng xin đừng báo cho gia đình biết; đồng thời xin về thăm lại nhà trong đêm vì mẹ đang hấp hối, vợ đang lên cơn sốt nặng.
L.V.N. kể rằng con trâu này trước đây là của anh ta, nhưng vì túng thiếu nên phải cấn nợ. Mất con trâu xem như “cụt tay”, không còn phương tiện làm ruộng. Xót của và quá khó khăn nên N. đâm ra làm liều. Sau khi nghe chuyện, anh Nam đồng ý cho N. về thăm gia đình rồi ra trình diện.
Về đến nhà, N. chạy đến ôm mẹ và khóc, bảo rằng anh sắp đi làm ăn xa đột xuất nên không còn kề cận bên mẹ được rồi quay sang dặn vợ, con ở nhà ráng giữ gìn sức khỏe. Anh Nam chứng kiến đứng bên cạnh, chứng kiến "cuộc chia ly" này. Vậy là trong gần 2 năm trời, N. đi “làm ăn” xa, thỉnh thoảng anh Nam lại đến thăm gia đình đối tượng, có khi còn bỏ tiền túi giúp đỡ cho mẹ anh ta chữa bệnh và mua vở cho mấy đứa con nhỏ ăn học. Khi N. trở về, anh Nam giới thiệu cho vợ chồng họ vào làm tại một xưởng đan lát gần nhà. Nay vợ chồng, con cái N. đều đã có cuộc sống ổn định...
Người dân địa phương còn kể rằng có lần Trưởng công an xã Dương Văn Nam bắt được hai đứa trẻ đang chuẩn bị trộm máy bơm nước. Hỏi ra thì chúng là trẻ mồ côi, không nơi nương tựa. Thương hoàn cảnh hai đứa trẻ, anh Nam đưa về nhà nuôi dưỡng mấy tháng trời. Hằng đêm, anh dạy học cho chúng. Sau đó, lại chính anh liên hệ đem gửi 2 đứa trường nuôi dưỡng, dạy nghề thanh thiếu niên của huyện. Những người được anh Nam “nuôi” như vậy lên đến cả trăm.
Trước đây, ở xã có anh Bùi Văn Kiệt ở ấp Bình Thuận 1 “nổi tiếng” là đối tượng cộm cán về các loại tệ nạn xã hội. Trong một lần, anh Nam nghe Kiệt tâm sự: “Tôi rất muốn có một cuộc sống đàng hoàng như mọi người. Nhưng vì hoàn cảnh khó khăn quá. Nhà cửa xiêu vẹo, dột nát. Giá mà có nhà cửa chắc chắn như người ta thì tôi yên tâm chí thú làm ăn”. Vậy là anh Nam vận động các nhà hảo tâm cùng với anh đóng góp xây dựng cho Kiệt một căn nhà tình thương chắc chắn. Quả nhiên, sau đó anh Kiệt hoàn lương, lo làm ăn nuôi vợ con và còn tích cực tham gia công tác xã hội tại xã.
Trong số gần 1.000 căn nhà tình thương, tôn hóa, ngói hóa mới được thực hiện tại xã có gần 1/3 là do công an xã đứng ra vận động các nhà hảo tâm đóng góp và trực tiếp cất, lợp, xây dựng. Người chủ của đề án này không ai khác hơn là anh Dương Văn Nam. Trong đó riêng anh đã góp tiền xây dựng hàng chục căn nhà.
Hằng ngày, sau giờ làm việc ở cơ quan và đi tuần cùng lực lượng, anh trưởng công an xã lại về phụ vợ nuôi gần 100 con heo và 15 con bò sữa để có thêm tiền lo "chuyện của thiên hạ". Không chỉ nổi tiếng về chuyện “nuôi trộm”, anh Nam còn được biết đến như là khắc tinh của các đối tượng phạm pháp với thành tích trực tiếp phá gần 30 vụ cướp, trộm.
Nhiều người hỏi làm công an xã lâu năm, lương ba cọc ba đồng như vậy mà không ngán, sao không tìm công việc khác “ngon” hơn hay tìm đường thăng quan tiến chức, anh Nam cười đáp: “Làm riết quen rồi. Vả lại mình còn phải làm để tiếp tục “lo” cho trộm chứ...”.