![]() |
Người Mexico trong ảnh đã có thể mỉm cười khi Thượng viện Mỹ thông qua luật cho phép 11 triệu người nhập cư bất hợp pháp được nhập quốc tịch. |
Tiếp viên hàng không mà người Mỹ còn chẳng muốn làm huống chi là những việc như cắt cỏ, rửa chén, làm nông... Bởi thế mới có tới khoảng 11 triệu người tới Mỹ “bất hợp pháp” để lấp vào chỗ trống đó.
Những người đến Mỹ dạng này chiếm tới 24% lao động đồng áng và 14% lao động trên các công trường xây dựng của Mỹ. Đa số họ là dân Hispanic, đến từ các nước nói tiếng Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha.
Đa số những người này đến Mỹ bằng cách “vượt biên” từ Mexico, chẳng hề sung sướng gì. Mấy năm trước đây, chính quyền Mexico còn xem họ là “những kẻ phản bội”.
Nhóm người đến Mỹ mưu sinh này mỗi khi trở về nước thăm thân nhân từng bị hải quan Mexico lục soát, tước đoạt hết tiền bạc và tư trang. Mãi gần đây, Tổng thống Vincent Fox mới nhận ra nguồn lợi mà họ mang về cho đất nước.
Ông tuyên bố: “Chúng tôi muốn chào đón các bạn như những người hùng đã dám xa người thân để bắt đầu một chặng đường khó khăn đi tìm việc. Các bạn xứng đáng được chào mừng mỗi khi trở về”.
Và nay đe dọa lại đến từ các chính trị gia Mỹ. Hạ viện Mỹ, với dự luật HR 4437, không những coi những người này là “có tội phải trục xuất” mà còn định “hình sự hóa” những người sử dụng họ và cả những tổ chức thiện nguyện giúp đỡ họ.
Một dự định khác, “thiếu nhân bản” nhất của HR 4437, là cho xây một hàng rào dài hơn 1.100km dọc biên giới Mỹ - Mexico. Hạ viện thông qua dự luật này hồi cuối tháng 12/2005 và theo lịch trình nó được đưa ra thảo luận tại Thượng viện đầu tuần này.
Chính vì thế đã có cuộc biểu tình lên tới nửa triệu người ở Los Angeles cuối tuần trước và sau đó là biểu tình ở Washington cùng nhiều thành phố khác.
Nhưng cũng có không ít người Mỹ phàn nàn: những người nhập cư chấp nhận đồng lương thấp đã cạnh tranh mất cơ hội việc làm của họ. Tổng thống Bush, từ mấy tuần qua, phải trấn an: “Đừng lo, họ chỉ làm những công việc mà người Mỹ sẽ không bao giờ chịu làm”.
Các nhà phân tích còn đưa ra những đánh giá tích cực: “Nền kinh tế Mỹ không biết sẽ như thế nào nếu không có họ”. Vấn đề là người Mỹ sẽ ăn nói làm sao khi ở một quốc gia coi pháp luật là trên hết có tới hơn 11 triệu con người bị đặt “ngoài vòng pháp luật”.
Hai thượng nghị sĩ John McCain và Edwards Kennedy mở ra giải pháp với dự luật cho phép người di dân bất hợp pháp đã “tạm làm việc” trong sáu năm được “nộp đơn xin thẻ xanh” sau khi đóng một khoản tiền phạt và học Anh ngữ.
Đề nghị này bị coi là nỗ lực “vòng một” của ông McCain để ra tranh cử tổng thống năm 2008. Còn Tổng thống Bush đưa ra đề nghị được xem là trung dung, khi ông gọi những người lao động nhập cư là những “nhân công tạm” (guest-workers).
Tổng thống muốn cấp thẻ lao động cho họ trong một thời gian, có thể là hai năm, sau đó họ phải về nước trước khi muốn xin quay lại.
Ông nhắc nhở: “Mỹ là quốc gia của những người di dân, đừng vờ vịt rằng những người nhập cư đang đe dọa bản sắc Mỹ. Chính họ mới là những người đã tạo nên bản sắc Mỹ”.
Những sức ép này đã khiến cho Ủy ban Tư pháp Thượng viện phải lựa chọn một phần đề nghị của nhóm nghị sĩ John McCain, Edwards Kennedy và chương trình “guest-workers” của Tổng thống Bush. Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Arlen Specter nhận định: “Khi dự luật của ủy ban được đưa ra thảo luận tại phiên họp toàn thể Thượng viện, chắc chắn còn gây nhiều tranh cãi”.
Tuy nhiên, sắp tới kỳ bầu cử giữa nhiệm kỳ, Thượng viện dù nói gì thì nói cũng không thể nào tán thành dự luật HR 4437, đang bị cáo buộc “kỳ thị và xúc phạm dân nhập cư”, loại cáo buộc mà các chính khách Mỹ sợ nhất.
Ông chủ tịch Ủy ban Tư pháp, hôm 27/3, đã bắt đầu chuyển giọng gọi những “người nhập cư bất hợp pháp” là những người lao động “chưa có giấy tờ”. 11 triệu dân nhập cư này, thay vì bị coi là “tội phạm” theo quan điểm đa số ở Hạ viện, đã được công nhận là người “chiến thắng”.
(Theo Tuổi Trẻ)