Tối 22/12, Emilia đang nắm chặt đôi bàn tay bé nhỏ của cô con gái 5 tuổi thì cơn sóng thần bất ngờ ập đến. "Lúc đó tôi vẫn nắm chặt tay con, còn con bé thì vẫn luôn miệng gọi mẹ", BBC News dẫn lời Emilia kể lại.
Nhưng hết đợt sóng này đến đợt sóng khác tiếp tục ập vào bờ, khiến cô không thể giữ con thêm được nữa: "Tôi quá yếu và mất hết sức lực. Tôi thậm chí còn không thở nổi... Và tôi đã không giữ được đứa con gái của mình. Tôi cố nắm lấy cổ áo con, nhưng nó bi xé toạc".
Bản thân Emilia cũng suýt không sống nổi vì thảm họa sóng thần. Cô bị kéo ra biển nhưng cuối cùng lại được chính những cơn sóng đẩy vào bờ. Cô và chồng may mắn sống sót, nhưng đều bị thương nặng, trong khi đó cô con gái 5 tuổi vẫn đang mất tích.
"Chúng tôi chưa tìm được con gái. Nó là đứa con duy nhất của tôi", Emilia đau đớn nói.
Emilia và gia đình sống ở đảo Sebesi - một trong những hòn đảo lớn nhất thuộc eo biển Sunda - gần ngọn núi lửa Anak Krakatau. Sebesi là một trong những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất bởi cơn sóng thần, được cho là xảy ra sau khi Anak Krakatau phun trào, khiến sạt lở dưới đáy biển và tạo ra những cơn sóng thần.
Emilia là một trong số 90 người phải vào nằm trong bệnh viện Bob Bazar gần thị trấn Kalianda. Nursanah, một nạn nhân sóng thần khác ở viện, cho biết tuy sống sót, cô không biết tương lai mình sẽ ra sao.
"Chúng tôi vẫn bị sang chấn tâm lý, đặc biệt khi nghe thấy những tiếng rầm rầm", Nursanah, người được cứu ra khỏi một khu rừng, nói. "Chúng tôi đã mất nhà, giờ biết nấu ăn ở đâu chứ? Chúng tôi cũng không biết mình nên cầu xin sự giúp đỡ như thế nào".
Tối 22/12, những con sóng lớn đã trùm lấy các thị trấn ven biển trên hòn đảo Sumatra và Java, khiến ít nhất 430 người chết và hơn 150 người mất tích. Sóng thần phá hủy hàng trăm tòa nhà, cuốn trôi nhiều xe cộ, làm bật rễ cây cối ở một số điểm du lịch nổi tiếng. Hiện tại, có ít nhất 16.000 người Indonesia mất chỗ ở và các nhân viên cứu hộ vẫn đang vật lộn để tới được những khu vực hẻo lánh trên cả nước bị ảnh hưởng bởi sóng thần.
Indonesia dễ bị sóng thần tấn công do nằm trên Vành đai lửa, khu vực hay xảy ra động đất và các hiện tượng phun trào núi lửa bao quanh vòng lòng chảo Thái Bình Dương. Hồi tháng 9, hơn 2.000 người thiệt mạng sau khi một trận động đất mạnh xảy ra ở hòn đảo Sulawesi, gây sóng thần nhấn chìm cả thành phố ven biển Palu.