Hồ Tịnh Thuỷ
Vì sao ư? Vì với tôi, những điều đó làm nên vẻ đẹp của người phụ nữ, chứ không phải quần là áo lượt, không phải chút son phấn, má hồng...Và tôi đã có một người mẹ như thế.
Khi tiếng gà gáy báo hiệu một ngày mới bắt đầu từ tinh mơ cũng là lúc mẹ tôi thức dậy lụi cụi đun ấm nước nóng để chuẩn bị một khay trà cho ba tôi. Tôi không rõ thói quen đó có từ bao giờ, nhưng tôi biết nó đã tồn tại từ rất lâu, từ lúc tôi còn lẫm chẫm tập những kỹ năng đầu đời và suốt ngày bám lấy gấu quần mẹ.
Trong tiềm thức tuổi thơ, tôi vẫn nhớ như in những đêm nằm ngủ bỗng giật mình thức giấc và khóc ré lên vì tay quờ quạng mà không thấy mẹ. Khi ấy, mẹ chạy lại vén màng, kéo áo cho tôi tìm bầu sữa rồi vỗ về giấc ngủ kèm lời nói: "Ngủ đi con, mẹ còn đun nước, pha ấm trà cho ba để ba uống rồi đi tỉa hạt". Câu nói ấy tôi nghe và thấm vào trí óc suốt nhiều năm dài, bất kể mưa nắng, bất kể hạ đông...
Có lẽ ai đó sẽ ngạc nhiên vì nghĩ tôi còn quá nhỏ để nghe và nhớ những điều ấy. Nhưng không biết thế nào nếu ai đó biết rằng tôi là đứa con duy nhất trong nhà có 4 anh em trai (và cũng duy nhất trên thế giới - tôi nghĩ thế) mà mẹ không có ý định cai sữa cho tôi chừng nào tôi "tự nguyện". Tôi vô tư lớn lên cùng bầu sữa mẹ cho đến một ngày đầu năm học lớp 2, khi nói chuyện cùng chúng bạn tôi háo hức kể cho chúng nghe rằng ngày nào đi học về việc đầu tiên của tôi là vất cái cặp sách vào góc tủ rồi tìm ti mẹ. Chúng bạn nghe đến đó cười òa lên và trêu ghẹo tôi.
Tôi về nhà, kể lể trong ngạc nhiên và khóc. Bỗng dưng mẹ ôm tôi vào lòng, dụi mái đầu vàng hoe của tôi vào ngực mẹ... và tôi nghe... rấm rứt. Trong nước mắt mẹ bảo rằng tôi là đứa con gái út và duy nhất trong nhà, mẹ không muốn tôi chịu thiệt thòi như các anh. Bởi lúc các anh trai tôi ra đời, mẹ phải bận bịu bươn chải làm việc xa nhà, không có sữa và cũng không có nhiều thời gian chăm sóc con cái. Có thể, cách mẹ bù đắp cho tôi hơi khác người và cũng đã có lúc tôi giận mẹ vì bị bạn bè chọc ghẹo dai dẳng nhưng hơn ai hết tôi quý trọng điều đó. Vì nó là một kỉ niệm quá đỗi ngọt ngào cho tuổi thơ tôi - dòng sữa mẹ nuôi tôi nên người.
Sinh tôi, mẹ nghỉ dạy ở ngôi trường cách nhà nội gần 50 cây số để được gần gũi chăm sóc anh em tôi. Điều đó đồng nghĩa mẹ phải từ bỏ nghiệp dạy để cùng ba làm vườn, trông rau trái, cùng ba chắt chiu mọi thứ cho gia đình. Tôi lớn lên khi những giọt mồ hôi mẹ rơi long tong thấm đầy những mẫu đất. Đất càng tốt, rau càng xanh, da mẹ tôi càng xạm đi và tóc càng chớm bạc.
Những mưa nắng, gió bão của đất trời miền Trung đã nhuốm phai màu bộ áo quần đơn sơ của mẹ. Suốt cả cuộc đời mẹ chỉ mặc kiểu quần áo đồ bộ giản dị, ngoại trừ các ngày lễ Tết mẹ có thêm bộ áo dài .Các anh em tôi quen với điều đó như một sự hiển nhiên đến vô tâm. Và khi ai đó nói sao không may thêm kiểu áo quần khác mẹ lại cười ngỏn nghoẻn đến không đành: "Chân tôi vừa to vừa xấu, chỉ mặc thế này mới che hết được".
Trong chúng tôi ngày ấy không ai biết rằng mẹ mặc những bộ đồ như thế vì đó là những bộ đồ rẻ nhất, đơn giản, bền và thoải mái nhất, lúc làm việc sẽ không bị vướng víu và có bẩn cũng không thấy rõ. Ấy vậy mà dẫu vào những tháng ngày gia đình cơ cực, mẹ vẫn luôn cố gắng để 4 anh em không thiếu thốn gì. Đặc biệt là tôi, mẹ chăm bẵm rất chu đáo và cưng chiều trong một chừng mực có thể.
So với các bạn cùng trang lứa ngày xưa có khi tôi còn đầy đủ hơn cả họ. Bởi tôi được mẹ mua cho nào dép, giày, nào váy áo mới mỗi khi tôi đạt kết quả học tập tốt. Tôi không biết mẹ từng hạnh phúc như thế nào mỗi khi tôi đi học về khoe những con điểm 10 đỏ chót trên trang vở, tôi không biết nước mắt mẹ đã ngân ngấn lệ và vén áo lau mỗi đợt đi họp phụ huynh cho tôi. Tuổi thơ ngọt ngào của tôi chan đầy những giọt nước mắt nóng hổi của mẹ. Tôi lớn lên nhờ mồ hôi của mẹ, còn mẹ, mẹ lại già đi vì điều đó. Để bây giờ, đôi khi nhớ lại bỗng thấy cay cay ở khóe mi.
Thuở vẫn còn ngủ chung với mẹ, vào những đêm trăng sáng, thỉnh thoảng tôi vẫn nghe mẹ kể về chuyện đời, chuyện người, chuyện những tháng ngày khổ cực khi chưa sinh ra tôi... và cả câu chuyện tình yêu giữa ba và mẹ. Chuyện những người đàn ông từng đeo đuổi khi mẹ còn là một cô thiếu nữ. Ông ngoại tôi phản đối ba mẹ cưới nhau vì lúc ấy ba tôi đi cải tạo bị thương phải đưa về quê nhà còn mẹ là một cô giáo dạy tiểu học.
Tôi có "tư tưởng" giống ông, cái tuổi con trẻ chưa hiểu chút gì về tình yêu cứ giương hai con mắt lên hỏi: "Sao mẹ không lấy chú kia, sao không lấy chú này, chú nọ mà lại lấy ba?". Đáp trả tôi là câu trả lời rất đơn giản: "Mẹ lấy ba vì mẹ thương ba, vì ba thương mẹ và vì nếu không lấy ba thì mẹ sẽ không có con bây giờ...". Mẹ đã không dạy tôi cách yêu một người con trai thế nào nhưng mẹ dạy phải có lòng chung thủy - điều thiêng liêng nhất cần có ở một người phụ nữ khi quyết định gắn kết đời mình với người sẽ cho bạn một bờ vai.
Vào cái ngày tôi nhận được lời chia tay từ tình đầu, đóng cửa phòng lại, dù đã cố gắng kiếm chế nhưng tiếng khóc nấc quá to khiến mẹ tôi phát hiện. Tôi nghĩ mẹ sẽ quát nạt nhưng không, mẹ cứng rắn khuyên tôi: "Con hãy tập buông tay cho những điều không thuộc về mình, tình cảm các con chưa đủ lớn để nghĩ đến chuyện lâu dài nên hãy lau nước mắt đi, con gái của mẹ cần sự vững chãi để mẹ yên lòng hơn". Rồi những tháng ngày sau đó mẹ cho tôi một khoảng lặng riêng tìm lại bản thân mình.
Mẹ bảo không đủ sức để bảo vệ và che chở cho tôi bằng đôi tay to bè thô ráp qua năm tháng, mẹ không đủ nụ cười tươi để trao tôi khi mắt mẹ đã thêm nhiều vết nhăn... nhưng mẹ vẫn có thể cho tôi một niềm tin để dựa, âm thầm, lặng lẽ mà đủ đầy kiên cường.
Người lớn tuổi thường sống với hoài niệm xưa, kể cả đó là những khoảng thời gian dài cơ cực và nên quên đi. Và đôi khi những thói quen ngày xưa ấy đã in sâu vào tính cách của con người. Ba mẹ tôi đã qua cái dốc bên kia cuộc đời, đã có cháu nội bồng bế, đã đỡ phải nhọc nhằn vì miếng cơm manh áo thế nhưng mẹ vẫn giữ mãi tính tiết kiệm và chắt chiu như ngày nào.
Vẫn thường tiếc rẻ miếng cơm nguội còn sót lại buổi ban trưa để dành ăn cho ban chiều. Vẫn tiếc một mớ rau không ăn hết đem xào đi nấu lại... để anh em chúng tôi lại lo lắng mẹ bị ngộ độc thức ăn... Tiếc bó hoa, tiếc món quà tôi tặng mẹ vào dịp lễ mà cứ xót xa mua gì cho tốn kém hả con. Mẹ à, bao nhiêu quan tâm cho đủ đầy tình cảm, bao nhiêu niềm vui mới lấp hết nỗi buồn xưa đây hả mẹ khi mẹ vẫn mãi lo xa và kham hết mọi nỗi nhọc vào mình.
"Con biết, con từng khiến mẹ buồn. Con không chịu nhổ tóc bạc cho mẹ không phải vì con nhác mà đơn giản con không muốn tóc mẹ thưa dần đi, con yêu mái tóc dài óng mượt mẹ vẫn tự hào mỗi khi có người khen ấy. Mẹ biết vì sao không, vì mái tóc mẹ từng lau khô nước mắt cho con, cho con hiểu tình cảm mẹ con ta thiêng liêng đến nhường nào.
Con vẫn nhớ như in tháng ngày xa lắc lơ ấy, ba mẹ cãi nhau một trận rất to, mẹ bảo mẹ cần xa ba để sống cuộc sống cho riêng mình. Mẹ đã đi nhưng được đôi đường rồi vì nhớ con, mẹ quay về. Mẹ ngắm nhìn con khi con đang say giấc để lúc bất ngờ tỉnh dậy, con thấy mẹ bên mình với chút hành lý nhỏ nhoi. Và lần đầu tiên trong đời mẹ con ta ôm chầm lấy nhau khóc nức nở. Mẹ nhớ không?
Con đã dụi đầu vào tóc mẹ mà khóc rồi sau đó cũng lại dụi đầu vào để hong khô dòng nước mắt và hít lấy hít để cái mùi thân quen ấy. Mẹ đã vì con cái mà bao dung tất cả những lỗi lầm bố dành cho mẹ. Con cám ơn mẹ, cám ơn vì giờ đây con thấy mình hạnh phúc khi đủ đầy hai đấng sinh thành và vẫn luôn có mẹ ở bên che chở dẫu con có lỗi lầm.
Bao nhiêu trang giấy cho đủ nỗi lòng
Bao nhiêu thương nhớ mới đủ trả công!
Vài nét về blogger:
Tôi tự hào mình là một bông hoa trong một nữa thế giới là những bông hoa xinh đẹp; một chút ngọt ngào, một chút đắng ngắt và rất đỗi bình thường - Hồ Tịnh Thủy.
Bài đã đăng: Ký ức bếp lửa hồng, Hạ trong lòng Huế, Cảm ơn cuộc sống, Cha và con gái, Tôi có 'người thầy trong mơ', Mưa và em.