Bà Hoàng Thị Ba (70 tuổi, dân tộc Sán Dìu, ở thôn Đồng Bùa, xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) ngày ngày cặm cụi lội qua con suối gần nha, sang bên kia thăm và trông nom con gái là chị Lâm Thị Hai (38 tuổi) và đứa cháu ngoại tên Trương Thị Xuân (26 tuổi, con gái chị Xuân), vì cả 2 mẹ con đều bị bệnh tâm thần, thường xuyên bỏ nhà đi.
Ngôi nhà dựng bằng tôn của 2 mẹ con chị Hai nằm bên kia con suối, xung quanh cây cối um tùm. Nhà lụp xụp chỉ vỏn vẹn gần chục mét vuông, tường đắp đất bên trong, che tạm bằng tôn bên ngoài và phần mái cũng chỉ mới được thay bằng tấm lợp fibro xi măng, nhưng vẫn bị dột vào những ngày mưa bão.
Nhìn thấy người lạ bên kia suối, chị Hai đã vội vàng ra ngó và chạy sâu vào rừng. Bà Ba tâm sự, cháu gái bà là chị Xuân thường xuyên bỏ nhà ra đi, có lần bỏ đi tận 7-8 tháng, có người báo tin thấy chị Xuân dưới Hà Nội, bà Ba cùng con cả lại lặn lội xuống dưới đi đón đưa về nhà. Nhưng chẳng được mấy hôm chị lại bỏ nhà đi tiếp, nhiều lần như thế bà cũng kiệt sức. Đành để chị Xuân "chơi chán" rồi về.
"Nhiều người bảo không mua xích về xích nó lại, nhưng nói thì dễ, làm mới khó. Con người chứ con gì đâu mà xích được, nhìn xót xa lắm chứ. Mà nếu có xích vào thì nó cũng phá phách chứ làm gì ở im cho", bà Ba nghẹn ngào tâm sự.
Tiến vào bên trong ngôi nhà, trước cửa là một đám khói chị Hai mới đốt, mặc dù có một khu bếp nấu nướng, nhưng chị Hai thích đốt lửa lung tung trong nhà, bồ hóng đen ngòm bao quanh bốn phía bức tường.
Nhìn vào phía trong ngôi nhà đồ vật đáng giá nhất có lẽ là chiếc giường đã quá ọp ẹp, cập kênh. Thêm vài ba cái nồi, bát đũa sứt mẻ, quần áo, chăn chiếu phủ đầy bụi và bồ hóng... Người ngoài nhìn vào cứ tưởng như một ngôi nhà hoang.
Thở dài vài tiếng bà Ba tiếp lời trút bầu tâm sự, gia đình bà vốn là dân tộc Sán Dìu, ông bà sinh được 8 người con. Chị Hai là con thứ hai trong nhà, khi còn trẻ vốn bình thường, sống hoà đồng với mọi người, biết kính trên nhường dưới. Lớn lên, chị lấy anh Trương Văn Ba ở xã Đại Đình, Tam Đảo. Ít lâu sau hai vợ chồng ly hôn, chị Hai cùng con gái Trương Thị Xuân về ngoại sống. Rồi, chồng chị đột ngột qua đời, khiến chị suy nghĩ, dẫn đến sang chấn tâm lý. Kể từ đó, chị bị bệnh thần kinh, không kiểm soát và tự chủ được hành vi của bản thân.
Đứa cháu ngoại ở với mẹ cũng không rõ lý do tự nhiên mắc bệnh giống mẹ. Hai mẹ con về nhà ông bà ngoại sống, nhưng do ông bà cũng quá khó khăn lại thêm cô con gái út tên Tám cũng bị tâm thần nên ông bà chỉ chu cấp một phần gạo, thực phẩm và cùng nhờ chính quyền dựng lên ngôi nhà nhỏ bên suối để hai mẹ con sống qua ngày, rau cháo nuôi nhau.
"Cả hai mẹ con nó giờ yếu lắm, bệnh lại nặng hơn lúc tỉnh, lúc mê, đôi lúc thơ thơ, thẩn thẩn, rồi lại cười một mình, hễ thấy bóng dáng người lạ đến gần ngôi nhà là hai mẹ con lại rủ nhau bỏ đi. Đến cơm ăn còn nấu nửa sống nửa chín", bà Ba kể.
Ánh mắt đờ đẫn nhìn vào rừng sâu, bà Ba kể tiếp, đến tuổi này ông bà vẫn phải đi làm kiếm rau cháo qua ngày, hơn nữa phải chăm sóc cô con gái út mắc bệnh tương tự nên 2-3 hôm bà mới sang thăm con một lần. Thấy thiếu nước hay hết đồ ăn thì lại mang sang.
Bà kể: "Mang nhiều nó nấu một nồi xong nó cũng mang ra suối đổ hết, nên tôi chỉ mang ít một, thằng cả bên kia suối thỉnh thoảng nó cũng mang đồ ăn sang cho, nó cũng phải lo cho gia đình với 4 đứa con, nên cuộc sống chẳng dư giả được".
Cứ thế, hai mẹ con chị Hai sống lầm lũi không tiếp xúc với người xung quanh cũng gần chục năm. Quanh năm, hai mẹ con chỉ trông cậy vào sự trợ giúp và mớ rau, bát gạo của người thân, hàng xóm san sẻ.
Đau đáu trong lòng bà Ba là làm sao giữ 2 mẹ con ở nhà để bà có thể hàng ngày quan tâm, để ý hơn. "Nhiều lúc chỉ muốn con mình bình thường một chút, không phá phách, hét ầm ĩ thì tôi đã thấy an lòng rồi", gạt nước mắt người mẹ già 70 tuổi chia sẻ.
Trao đổi với Ngoisao.net, ông Phùng Quang Đạt, Chủ tịch UBND xã Tam Quan (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) cho biết, chính quyền đã nắm được hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Hai và cũng đã nhiều lần xuống động viên thăm hỏi gia đình. Đồng thời cũng tạo điều kiện rất nhiều cho hai mẹ con.
"Chúng tôi thường xuyên quan tâm đặc biệt đến trường hợp của hai mẹ con chị Hai, cũng động viên gia đình đưa vào trung tâm trên huyện nhưng gia đình xót con nên chưa chịu. Chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục sát sao theo dõi để kịp thời động viên, thăm hỏi", ông Đạt cho biết.
Lê Hân