18 tuổi, Quàng Thị Linh (người dân tộc Thái) ở xã mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La, mang bầu với bạn trai. Thấy người khác lạ, cô kiểm tra mới biết mình đã có thai. Khi ấy, bào thai trong bụng Linh đã được 3-4 tháng. Linh có dáng người nhỏ nhắn lại chửa nhỏ nên những người xung quanh không phát hiện cô đang có em bé. Sợ bố mẹ mắng và mọi người dị nghị, Linh giấu chuyện có bầu rồi một mình xuống Hà Nội tìm việc làm thời vụ để kiếm ít tiền chờ về sinh nở tại nhà.
Sinh con trên đường xuống Hà Nội kiếm việc làm
Một ngày đầu tháng 9, Linh chuyển dạ khi đang trên ôtô xuống Hà Nội. Đến đoạn huyện Chương Mỹ, cô đau bụng và được đưa vào bệnh viện đa khoa tại đây. Linh sinh con gái nặng 1,4 kg ở tuần thai 28. Hai mẹ con Linh được chuyển đến bệnh viện ở quận Hà Đông không lâu sau ca vượt cạn.
Trong chuyến xuống Hà Nội lần này, Linh chỉ được gia đình cho đủ tiền xe. Hết tiền, lại không người thân, Linh tính để con ở bệnh viện để về Sơn La xin bố mẹ viện trợ rồi quay lại. Khoảng hơn một ngày ở Bệnh viện Hà Đông, Linh gửi con cho người cùng phòng rồi đi. Đi qua một đêm, cô về lại thăm con một lát vào hôm sau rồi lại biến mất. Không ai trong phòng biết cô đi đâu hay biết gì về thông tin của người mẹ trẻ.
Câu chuyện về cô gái Thái bỏ rơi đứa con vài ngày tuổi ở bệnh viện Hà Đông sau đó được chia sẻ trên khắp các diễn đàn. Ngoài những bình luận xót xa, không ít ý kiến trách bà mẹ trẻ tàn nhẫn, bỏ đi đứa con dứt ruột sinh ra. Tuy nhiên, khoảng 18 ngày sau khi để con ở bệnh viện, Linh trở lại cùng bố mẹ và một người cậu. Cô bức xúc khi bị nhiều người chỉ trích bỏ con. Cô chỉ nghĩ để con ở bệnh viện sẽ an toàn và yên tâm hơn.
"Tại em không có tiền, lại nuôi con nhỏ nên em phải về để kiếm tiền xuống với bé. Lúc đấy trong người em còn mỗi 300 nghìn đồng, đủ tiền xe", bà mẹ 9X giải thích lý do bỏ con lại.
Linh tâm sự cô nhớ con sau những ngày xa cách. Giờ được đoàn tụ, cô chỉ quanh quẩn bên con mà không đi đâu ra khỏi phòng. Linh lóng ngóng mở từng lớp khăn cuốn quanh người đứa bé đẻ thiếu tháng để thay bỉm. Cô rón rén thấm từng miếng giấy lau vào nước để làm vệ sinh cho con, trước ánh nhìn sốt suột của những người đi chăm bà đẻ giường bên. Thấy bị "làm phiền", đứa bé phát ra những âm thanh giận dữ, nhỏ nhưng đủ khiến mọi người thấy xót xa. Xong xuôi, cô lấy bình đựng sữa non được các nhà hảo tâm ủng hộ cho con ăn.
Con gái cô chào đời ngay trong hành trình đầu tiên xuống Hà Nội của mẹ và được chăm sóc đặc biệt khoảng hai tuần tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông. Hiện tại, bé đã có thể tự bú, tăng 4 lạng và được giao về vòng tay mẹ chăm sóc.
Nhắc tới hành trình sinh con bất ngờ, cô gái người Thái kiệm lời nhưng hay cười chỉ đáp lại người hỏi thăm câu trả lời ngắn gọn "không biết". Linh kể cô sinh thường và không quá đau đớn nên chỉ 15 phút vào phòng đẻ, cô đã được gặp con. Chưa có sự chuẩn bị sẵn sàng về tâm lý, lại thiếu kinh nghiệm do còn ít tuổi, Linh sợ và lo lắng khi sinh con chỉ có một mình. Những ngày đầu làm mẹ, Linh không dám bế đứa con sinh non và cũng chẳng biết chăm sóc bé.
"Các bác sĩ dạy em cách bế con và mua cơm cho em ăn", Linh nói.
Sinh ra trong gia đình có bốn người con ở một xã vùng biên, Linh được học tới cấp ba. Bố mẹ Linh quanh năm bám nương rẫy, không biết nói tiếng Kinh và hiếm khi rời khỏi bản làng. Nghe con gái về báo đã sinh con, ông bà sốc, giận và mắng con gái một trận.
Y bác sĩ Bệnh viện Hà Đông chăm sóc em bé sinh non những ngày vắng mẹ
Là người trực tiếp theo dõi và chăm sóc ca của mẹ con Linh, bác sĩ Nguyễn Thị Thùy Dương, phó trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, xúc động khi nghĩ tới chuyện người mẹ bỏ con. Chị Dương cho hay bệnh nhi nhập viện trong tình trạng tím tái, non yếu, phản xạ sơ sinh gần như không có, suy hô hấp, rối loạn đông máu và có nhiễm trùng huyết. Các bác sĩ đã cho bé thở oxy, truyền máu nhiều lần, truyền kháng sinh và nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn trong 16 ngày. Đến ngày thứ 17, bé mới bắt đầu ăn được.
Chị Dương cho hay, hành trình mang tới sự sống cho bé "cầu kỳ lắm". Ban đầu, các bác sĩ phải rửa dạ dày bé do có nhiều dịch nâu bẩn, sau đó mới cho con ăn 1 ml sữa. Ba tiếng sau kiểm tra nếu thức ăn chưa tiêu thì 6 tiếng sau kiểm tra lại. Nếu tiêu, bé mới được ăn tiếp 1 ml sữa.
"Cứ như vậy 6 tiếng một lần, bé ăn 1 ml sữa. Về sau, cữ ăn tăng lên dần thành ba tiếng 1 ml, rồi 2 ml sữa. Bây giờ, em bé đã hoàn toàn ổn định, bú được mẹ và mỗi lần tự ăn được 25 ml sữa dành cho trẻ con yếu", bác sĩ Dương cho biết.
Những ngày bé nằm cấp cứu không có mẹ ở cùng, các bác sĩ và điều dưỡng phải cắt cử thay nhau giám sát, gần như 24/24, để nếu có gì bất thường còn kịp xử lý. Là mẹ của hai đứa con, chị Dung "rớt nước mắt" khi nghĩ tới đứa trẻ không có mẹ. Với suy nghĩ "tìm được mẹ là tốt nhất và chẳng ai bằng mẹ", chị đã phải nhờ người về bệnh viện ở Chương Mỹ xin giấy chứng sinh của bệnh nhi để tìm gốc tích mẹ bé. Bệnh viện sau đó đã liên hệ với bên Sơn La để lần ra gia đình Linh.
Thấy Linh cùng gia đình trở lại viện, chị yêu cầu họ xuất trình giấy tờ tùy thân và về bệnh viện ở Chương Mỹ xin được giấy chứng sinh thì mới giao lại em bé. Chị Dương kể hôm đó có bố mẹ Linh và một người cậu. Họ mặc quần áo dân tộc và nói chuyện thật thà.
"Thấy em bé như thế tôi thương lắm, đến bây giờ nghĩ lại vẫn rớt nước mắt. Tôi sinh con cũng khó, sinh đứa thứ hai bị sốc thuốc nên giờ thấy ai bỏ con đi là xót", chị Dương tâm sự.
Công việc ở khoa bận rộn nhưng thỉnh thoảng chị Dương lại ghé qua phòng của mẹ con Linh để tâm sự. Linh không kể chuyện gì nhưng chị biết cô bé sốc và tâm lý chưa sẵn sàng.
"Tôi khuyên Linh đừng bỏ con vì bây giờ sinh một đứa con không dễ dàng gì, hơn nữa không biết sau này thế nào. Tôi cũng dặn Linh đừng mang con cho người khác nuôi, nếu có khó khăn thì mọi người sẽ hỗ trợ. Sau vụ việc này, tôi nghĩ nên giáo dục giới tính cho trẻ em nông thôn và miền núi để các em biết cách giữ gìn, không có bầu sớm", chị Dương nói.
Chiều 3/4, mẹ con Linh được xuất viện. Linh tất bật chuẩn bị đồ và nhờ người làm thủ tục ra viện. Trước khi rời đi, cô được các y, bác sĩ ở đây dặn dò và bảo gọi nếu cần giúp đỡ.
"Tôi mong con gái mình khỏe mạnh và sống tốt", Linh nói nhỏ lại rồi khuất sau hành lang dẫn ra cổng bệnh viện.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi
Hà Phương