![]() |
Ông Carlos Ghosn. |
"Đại sứ của sự thay đổi", "Chuyên gia cứu nạn", "Sát thủ cắt giảm chi phí":.. Đó là một số mỹ từ người ta xưng tụng Ghosn sau cuộc hồi sinh ngoạn mục của hãng Nissan dưới bàn tay ông. Sau khi đảm nhận chức Giám đốc điều hành (CEO) của Renault, Ghosn trở thành "sếp" của hai hãng sản xuất hàng đầu thế giới.
Vị cứu tinh
Năm 1999, nhận được lời cầu cứu của Nissan khi đang thoi thóp những hơi thở cuối cùng với khoản nợ khổng lồ khoảng 20 tỷ USD và suốt 7 năm liên tục làm ăn thua lỗ, Renault (hãng xe lớn thứ 2 Pháp) đã đầu tư vào tập đoàn đang rệu rã này 5 tỷ USD kèm theo quyết định cử "sát thủ" Ghosn đến Nhật Bản.
Ghosn cùng 17 vị quản lý cấp cao của Renault bay đến Tokoyo. Trong vai trò Giám đốc hoạt động (COO) của Nissan, Ghosn không ngại tuyên bố đóng cửa 5 nhà máy, sa thải 21.000 công nhân - điều mà không ít người ái ngại vì như vậy là đi ngược lại với truyền thống của người Nhật.
Thế nhưng chỉ sau một năm dưới bàn tay của Ghosn, Nissan đã thu được lợi nhuận 2,7 tỷ USD và trở thành hãng ôtô lớn thứ hai xứ hoa anh đào, chỉ sau Toyota. Tháng 6/2000, Ghosn trở thành Chủ tịch Tập đoàn Nissan và một năm sau đó giữ chức CEO của hãng này. Năm 2002 Ghosn chính thức nhận lời đề nghị quay về Pháp điều hành Renault sau khi CEO của hãng là Schweitzer nghỉ hưu vào năm 2005.
Ngày 29/4/2005, cuộc chuyển giao quyền lực đã diễn ra đúng như mong đợi. Ghosn cùng lúc lãnh đạo Renault và Nissan. Còn nhớ, năm 1978, lúc vừa tốt nghiệp đại học, Ghosn đã gia nhập Tập đoàn sản xuất lốp xe Michelin của Pháp. Khi đó, ông mới 24 tuổi, 6 năm sau, Ghosn được cử đi "khắc phục hậu quả" của Michelin ở các cơ sở tại Nam Mỹ.
Ngay khi đến nơi, Ghosn đã bắt mạch được rằng lạm phát không phải là nguyên nhân chính dẫn đến sự hoạt động trì trệ mà rào cản văn hóa mới chính là gốc rễ của vấn đề. Ghosn đã tung ra bài thuốc đặc trị của mình. Sau hai năm, hoạt động của Michelin tại đây được bôi trơn.
Sau thắng lợi đầu tay năm 35 tuổi, nhà quản lý trẻ Ghosn được sếp giao nhiệm vụ "coi trong ngó ngoài" hoạt động của công ty ở Bắc Mỹ khi Michelin sát nhập với Uniroyal - Goodrich và có quy mô hoạt động lớn gấp đôi. Năm 1996, Ghosn đầu quân cho Renault. Nhiệm vụ đầu tiên của Ghosn ở công ty mới là cắt giảm chi phí và khôi phục những gì đã mất. Chính tại đây, Ghosn tỏa sáng và được đặt cho biệt danh "Cost Killer", nghĩa là "sát thủ cắt giảm phí".
"Cục nam châm" của phụ nữ
Một cuộc khảo sát mới đây tại Nhật Bản cho thấy, phụ nữ ở xứ sở Phù tang ái mộ Ghosn và cho rằng ông là một trong những mẫu phu quân lý tưởng nhất. Hình ảnh hai vợ chồng Ghosn thường sánh đôi trong những chuyến công tác là mơ ước của nhiều người.
Gương mặt không điển trai như ngôi sao màn bạc, nhưng ở Ghosn lại có sự quyết đoán mà không có cái vẻ lạnh lùng thường thấy ở những nhà quản lý. Có lẽ đó lại là nét thu hút phụ nữ của người đàn ông 52 tuổi đang có 4 con này.
Bố mẹ là người Li-băng nhưng Ghosn được sinh ra ở Brazil, rồi lại về quê hương đi học, sau đó lại sang Pháp và trở thành một nhà quản lý tài ba. Cứ mỗi tuần đầu tháng, Ghosn lại có mặt ở Paris và tuần thứ 3 trong tháng dành cho Tokyo. Trong cặp của ngài CEO lúc nào cũng có hồ sơ của hai đứa con cưng Renault và Nissan.
(Theo Thanh Niên)