Loa phường có thật sự cần thiết?
Trước đây, hầu như mỗi ngày, khoảng 7h và 16h30, gia đình anh Hiếu Nguyễn (34 tuổi, đầu bếp bánh) đều nghe những bản tin phát thanh từ chiếc loa phường được bố trí ngay cạnh nhà ở. Chiếc loa phường với anh gắn liền ký ức về những bản nhạc xưa, ca khúc viết về vùng nông thôn. Đến khoảng vài năm trở lại đây, tiếng loa phường đã hoàn toàn vắng bóng ở khu nhà anh vì không còn được sử dụng. Bây giờ, khi nghe tin loa phường Hà Nội rục rịch trở lại, anh Hiếu cho biết: "Tôi không quá bận tâm, không phản đối chuyện loa phường quay trở lại vì chiếc loa cũng chỉ phát vào một thời điểm nhất định trong ngày. Nhưng tôi nghĩ chiếc loa chỉ đang cần thiết với đối tượng người cao tuổi vì người trẻ đang có rất nhiều nguồn tiếp cận thông tin".
Còn Hà Trang (25 tuổi, làm việc trong tổ chức giáo dục) cảm thấy thích thú khi một nét văn hóa cũ của thủ đô được sống lại. Cô nói: "Lúc tôi còn bé, thi thoảng tôi nghe loa phường cùng gia đình và đến nay vẫn còn nhớ một số giai điệu bài hát xưa mà loa từng phát. Khi chiếc loa trở lại, có thể khiến trẻ em được biết đến một nét văn hóa xưa mà tôi từng được tiếp cận".
Khác với hai ý kiến trên, khi nghe tin loa phường trở lại, chị Cẩm Hà (40 tuổi, làm việc lĩnh vực bất động sản) cho rằng: "Nếu ở làng quê, tiếng loa phường sẽ khiến vui làng vui xóm. Còn ở Hà Nội chật chội, sự tồn tại của loa phường là không cần thiết, tôi nghĩ sẽ gây ô nhiễm tiếng ồn. Bản thân tôi cũng không có nhu cầu nghe bản tin phát từ loa. Hơn nữa, thời gian phát loa thường vào sáng sớm hoặc chiều, đều là thời gian mọi người đã đi làm nên đối tượng truyền thông phần lớn lại là người cao tuổi, giúp việc, người làm tự do...".
Chị cho rằng thay vì truyền thông bằng loa, cơ quan chức năng có thể dùng các app thông báo hàng ngày giống đợt tuyên truyền về dịch bệnh Covid-19, gửi tin chủ động vào điện thoại của người dân, không quá tốn kém và gây phiền hà tới cuộc sống người dân trong khu dân cư có mật độ dân đông đúc.
Người dân hiến kế để loa phường đi vào cuộc sống
Trong trường hợp loa phường hoạt động, chị Cẩm Hà cũng kỳ vọng về một khung giờ phát tin hợp lý, không quá sớm để tránh gây ồn ào tới khu dân cư, đặc biệt là giờ mọi người chuẩn bị đi làm và cũng không phải giờ thấp điểm để nhiều đối tượng có thể tiếp cận được với bản tin từ loa.
Đồng quan điểm với chị Cẩm Hà, Hà Trang nói dù thích nét văn hóa xưa được sống lại, cô mong ngày loa phường trở lại sẽ không quá ồn ào để không gây ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Khung giờ mà cô mong muốn phát loa là từ 9-10h, chỉ cập nhật tin tức thật sự quan trọng với người dân địa phương như thời sự trong nước, tình hình tại khu vực cô đang sống và có thể dành một thời lượng nhỏ để đa dạng hóa nội dung phù hợp với giới trẻ hơn.
"Tôi cũng mong loa không phát vào sáng sớm cuối tuần vì gây ảnh hưởng tới giấc ngủ. Bởi đây là thời gian tôi thường nạp lại năng lượng khi đã trải qua một tuần lao động vất vả", cô nói.
Anh Hiếu Nguyễn cũng nghĩ để chiếc loa phường thực sự đi vào cuộc sống, các bản tin phát thanh của loa phường cần được đầu tư nội dung chất lượng, đa dạng hơn. "Theo tôi, thời lượng mỗi bản tin chỉ nên kéo dài từ 30 đến 45 phút", anh cho hay.
UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn thành phố. Về mục tiêu phát triển mạng lưới thông tin cơ sở hiện đại cấp xã, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, 579 xã, phường, thị trấn có hệ thống truyền thanh hoạt động đến thôn, tổ dân phố, khu dân cư; 100% xã, phường, thị trấn có trang thông tin điện tử của UBND cấp xã để phổ biến thông tin thiết yếu và tương tác với người dân; 100% phường, thị trấn và trên 70% xã có bảng tin điện tử công cộng để phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân.
Hằng Trần