Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Helsinki đã xem xét mối quan hệ giữa tình trạng kinh tế xã hội, hay SES, và một loạt bệnh. Nhóm của tiến sĩ Hagenbeek đã thu thập dữ liệu về gen, SES và sức khỏe của khoảng 280.000 người Phần Lan, độ tuổi từ 35 đến 80. Các phát hiện cho thấy những người được hưởng SES tăng cao cũng có nguy cơ di truyền cao đối với ung thư vú, tuyến tiền liệt và các loại ung thư khác.
Ngược lại, những người nghèo hơn, về mặt di truyền, lại dễ mắc bệnh tiểu đường và viêm khớp, cùng với trầm cảm, nghiện rượu, ung thư phổi, theo các chuyên gia.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Fiona Hagenbeek, thuộc Viện Y học Phân tử Phần Lan (FIMM) của trường đại học, cho biết kết quả ban đầu có thể dẫn đến việc các điểm rủi ro đa gen - được sử dụng để đo lường nguy cơ mắc bệnh di truyền - được thêm vào các quy trình sàng lọc đối với một số bệnh.
Tiến sĩ Hagenbeek nói với South West News Service: "Hiểu rõ tác động của điểm đa gen đối với nguy cơ mắc bệnh phụ thuộc vào bối cảnh có thể dẫn đến các quy trình sàng lọc phân tầng hơn nữa".
Bà nói: "Ví dụ, trong tương lai, các quy trình sàng lọc ung thư vú có thể được điều chỉnh để những phụ nữ nguy cơ di truyền cao và có trình độ học vấn cao được sàng lọc sớm hơn hoặc thường xuyên hơn".
Các nghiên cứu trước đây từng cho thấy sự hiện diện của một số khác biệt về rủi ro, tương tự như những gì các nhà nghiên cứu tìm thấy lần này. Tuy nhiên, nghiên cứu này được cho là lần đầu tiên tìm kiếm mối liên hệ với 19 căn bệnh phổ biến ở các quốc gia có thu nhập cao.
Theo bà Hagenbeek, mặc dù thông tin về di truyền không thay đổi trong suốt cuộc đời, tác động của di truyền đối với nguy cơ mắc bệnh sẽ thay đổi khi chúng ta già đi hoặc thay đổi hoàn cảnh sống.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng có thể cần làm rõ để hiểu đầy đủ về mối liên hệ giữa các ngành nghề cụ thể và nguy cơ mắc bệnh. Họ cho rằng các nghiên cứu cũng nên được tiến hành ở các nước có thu nhập thấp hơn.
"Nghiên cứu của chúng tôi chỉ tập trung vào các cá nhân có nguồn gốc châu Âu và trong tương lai cũng sẽ rất quan trọng để xem liệu những quan sát về mối tương tác giữa tình trạng kinh tế xã hội và di truyền đối với nguy cơ mắc bệnh có lặp lại ở khu vực thu nhập cao hơn hay thấp hơn hay không", tiến sĩ Hagenbeek nói. "Vì mục đích của việc kết hợp thông tin di truyền vào chăm sóc sức khỏe là tạo điều kiện thuận lợi cho y học cá nhân hóa, chúng ta không nên coi thông tin di truyền 'phù hợp với tất cả'. Chúng ta nên điều tra và sau đó đưa vào các trường hợp làm thay đổi nguy cơ di truyền khi tiến hành dự đoán bệnh tật".
Kết quả nghiên cứu sẽ được trình bày tại hội nghị thường niên của Hiệp hội Di truyền Con người Châu Âu tại Berlin, Đức, vào cuối tuần này.
Chủ tịch hội nghị, Giáo sư Alexandre Reymond của Đại học Lausanne, Thụy Sĩ, đánh giá cao những phát hiện này. "Để thực sự chuyển sang sức khỏe cá nhân hóa, điều cần thiết là phải đánh giá cả rủi ro về di truyền và môi trường. Chúng ta nên khen ngợi các đồng nghiệp Phần Lan vì đã góp phần dẫn đầu nỗ lực này", ông nói.
Hướng Dương (Theo NY Post)