Mới đây, trên trang cá nhân Facebook Huệ Thi đăng tải một status dài chia sẻ những quan điểm về việc cứu trợ mùa lũ, thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Chị Huệ Thi sinh ra tại Đại Lộc, Quảng Nam, nơi hằng năm có ít nhất một trận bão hoặc cơn lũ. Người dân luôn ở trạng thái sẵn sàng ứng phó và chuẩn bị. Trời chuyển mưa dân quê đã biết dự đoán có lũ về hay không, nên chủ động chuẩn bị gạo mắm, đủ chống đói trong thời gian cả tuần.
Không đồng tình với việc hàng hỗ trợ luôn là mì tôm, nước mắm, chị viết: "Mỗi lần lũ quét, đài báo thiệt hại hàng tỷ, cứu trợ hàng tỷ này tỷ nọ... nhưng đến tay dân cũng không có gì nhiều hơn mì tôm, gạo (có khi gạo mốc). Năm 1999 trận lũ lịch sử, tôi đi nhận gạo một lần bị gạo mốc, lần thứ hai nhận được 1,5 gói mì tôm vì lý do nhà 3 khẩu, mỗi người nửa gói".
Chị luôn tự hỏi: "Sao ai cũng đi cứu trợ bằng mì tôm? Hay làm cho có phong trào?". Chị giải thích như làng chị ở nước chỉ ngập thôi, đường bê tông hoá không có gì phải gọi là thiệt hại. Lũ ngâm có 1-2 ngày là bình thường. Khổ nhất của lũ là dọn nhà khiêng đồ và dọn bùn. Thường mất mát lớn nhất và thiệt hại sau lũ là hoa màu, vật nuôi và ô nhiễm môi trường (trừ những trường hợp chết người, lũ cuốn thì không kể đến là thiệt hại hay mất mát). Thế nên: "Làm gì đến nỗi bà con làng tôi đói mà phát mì tôm? Sao không xác định được ai hay khoanh vùng nào đang đói, ai đang cần thực phẩm cứu đói khẩn. Cũng giá trị tương đương thùng mì tôm thì sao không quy đổi các vật dụng hay nhu yếu phẩm khác phù hợp từng khu vực (nơi bị quét nặng hãy cho thực phẩm mì gạo dầu, nơi chỉ bị ngâm thì nên cho giống)... Hãy để dành những phần quà tới tay những hoàn cảnh thật sự khó khăn. Cứu đúng nơi và đúng người, đúng việc!".
Chị Huệ Thi cũng đưa ra 10 mong muốn mà người dân vùng lũ cần hơn cả mì tôm, chẳng hạn như "Cho các vùng lũ mỗi huyện vài xe phun nước rửa đường, làm thông thoáng đường xá cho con trẻ đến trường; Dồn tiền tặng mỗi xã vùng lũ vài máy phát điện, cho dân dùng liên lạc thông tin khi nước rút, đặt mỗi cụm 1 máy cho bà con dùng trong khi chờ điện cao thế; Cho mỗi gia đình vùng lũ vài chục thùng nước sạch (loại 20 lít) dùng nấu và uống trong khi chờ khơi trong giếng; Cho mỗi hộ đèn sạc dự phòng cho đêm hôm mất điện. Nếu có thể cho tiền mặt cho dân tự mua thứ họ cần (ít nhiều tuỳ lòng), giúp các gia đình neo đơn, hộ nghèo trong làng, không nên phát đại trả, ai cũng có phần cho vui; Cho mỗi làng cái ghe nhôm để cứu hộ, cho phao và áo phao, cho tủ thuốc y tế...
Cuối status chị Huệ Thi nhắn nhủ mong các nhà hảo tâm làm việc thiện sao cho của cho không lãng phí, người nhận thấy ấm lòng. "Mong các tấm lòng hảo tâm khi đi làm từ thiện hãy mang giá trị trao đúng nơi, đúng người và đúng hoàn cảnh. Rất mong các anh chị bạn bè khi làm từ thiện hãy tìm hiểu thực trạng và mong muốn của dân vùng lũ".
Sau vài ngày đăng tải, bài viết thu hút hơn 2.000 lượt chia sẻ và bình luận. Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm "của cho không bằng cách cho". Facebook Ngocha bình luận: "Từ thiện là việc làm tốt, ít nhiều thì người dân không dám đòi hỏi nhưng nên làm sao cho nó thiết thực, đúng cái người dân đang cần. Tôi thấy năm nào cũng ủng hộ quần áo cũ, mì tôm, nước mắm, nhiều khi không thực tế lắm". Facebook Nguyen Thanh Lam đồng tình: "Bài viết rất ý nghĩa, người viết sống ở vùng lũ mới hiểu được họ cần gì, các nhà hảo tâm trước khi ủng hộ nên tìm hiểu trước thì tốt hơn".
Tuy nhiên cũng có không ít những ý kiến phản đối quan điểm trên. Facebook Hoàng Phương Thảo lên tiếng: "Nhà tôi trước kia ở vùng lũ khi nhận được một gói muối cũng thấy ấm lòng. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, nên những mong muốn kia chỉ là một số cá nhân nào đó. Máy phát điện, máy bơm công suất lớn... nhà người ta còn chưa có huống gì đi từ thiện. Mì tôm, nước mắm là những thứ thông dụng cần phân phát nhiều. Những người đi làm từ thiện họ nhất định có tâm mới đi làm, nên đừng đòi hỏi"
Facebook Thu Huong Nguyen đồng cảm: "Có những đề nghị xuất phát từ thực tế nhưng không dễ dàng gì để thoả mãn, bởi chỉ làm được thế với tổ chức từ thiện quy mô, lâu dài, còn khi biết kịp thời làm thì khác, ai có tâm đến với mình là tốt rồi".
Thành viên Yến Ngô lại chia sẻ khía cạnh khó khăn khác ở cương vị một người từng tham gia công tác thiện nguyện: "Bài viết rất đúng song không dễ thực hiện. Năm ngoái bản thân nhóm tôi đi cùng các nhóm khác vào Quảng Nam. Đã có liên hệ trước xong danh sách hộ nghèo không thấy chỉ toàn là danh sách dòng họ. Chúng tôi phải cầm tiền về sau khi tặng bà con tại xã và nhà văn hóa".
Cherry Trần