Ngày 17/8, trong buổi họp báo về công tác phòng chống Covid-19 trên địa bàn, đại tá Trần Văn Chính (Phó giám đốc Công an tỉnh Bình Dương) cho biết sự việc trên "là có thật".
Bước đầu cơ quan điều tra xác định, tối 13/8, ông Ngô Dương (57 tuổi, quê Trà Vinh) đang ăn cơm tại phòng trọ ở phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An, thì ngất. Người thân dùng xe tải chở ông đến Trung tâm Y tế TP Dĩ An cấp cứu.
Người nhà thấy trước cổng có bảng thông báo từ ngày 22/7 nơi này đã chuyển thành bệnh viện điều trị Covid-19, "tất cả hoạt động khám, chữa bệnh và cấp cứu thông thường được chuyển về 3 bệnh viện vệ tinh là Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng, Perfect 5 Đông Hòa, Nam Anh", nên không đưa ông Dương vào.
Theo chỉ dẫn này, ông Dương được đưa đến Phòng khám Đa khoa Ngọc Hồng. Sau khi xét nghiệm dịch vụ với giá 700.000 đồng có kết quả âm tính với nCoV, bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng "tri giác lơ mơ, không tiếp xúc được, tiền sử bệnh là cao huyết áp, đột quỵ não cũ". Một lúc sau, bác sĩ cho biết tình trạng bệnh vượt quá khả năng chuyên môn nên phòng khám đề nghị người nhà chuyển ông đến Bệnh viện Quân y 4 (Quân đoàn 4).
Tuy nhiên, khi đến thì Bệnh viện Quân y 4 cho biết đang quá tải, ca bệnh vượt quá khả năng điều trị và nơi đây đang xử lý khử khuẩn (do vừa cấp cứu một bệnh nhân Covid-19 trở nặng) nên tư vấn chuyển ông Dương sang Bệnh viện Thủ Đức - nơi có đủ phương tiện cấp cứu.
Người nhà không chuyển ông Dương sang Bệnh viện Thủ Đức mà chạy đến Phòng khám Đa khoa Nam Anh hỏi thăm để đưa bệnh nhân đến. Nhân viên bảo vệ nói vẫn tiếp nhận bệnh nhưng nếu bệnh nặng thì nên chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.
Sau đó, người thân đưa ông Dương về phòng trọ. Đến 5h ngày 14/8 ông tử vong.
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương nhìn nhận, hiện các cơ sở y tế trong tỉnh bị quá tải, nhân viên y tế bị áp lực do dịch Covid-19. "Tuy vậy, việc từ chối cấp cứu bệnh nhân là sai quy định. Ngành y tế sẽ xử lý nghiêm trên tinh thần không bao che nếu có vi phạm", ông Chương nói.
Theo đại tá Trần Văn Chính, cơ quan điều tra đang phối hợp với ngành y tế làm rõ tính chất, sự thật khách quan để xác định có hay không hành vi Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng theo Điều 132 BLHS.
Ngày 16/7, rút kinh nghiệm từ sự việc tại Bình Dương, Sở Y tế TP HCM yêu cầu tất cả bệnh viện đảm bảo sẵn sàng tiếp nhận người bệnh cấp cứu dù mắc Covid-19 hay không, không được yêu cầu xuất trình giấy xét nghiệm.
Phước Tuấn